Dạng thức “Rồng”.

Một phần của tài liệu khảo sát motip hóa thân - hiển linh trong truyền thuyết người việt (Trang 51 - 57)

2. CÁC DẠNG THỨC VÀ Ý NGHĨA CÁC DẠNG THỨC CỦA MOTIP HÓA THÂN TRONG TRUYỀN THUYẾT NGƯỜI VIỆT.

2.3. Dạng thức “Rồng”.

Rất nhiều truyền thuyết của người Việt có xuất hiện hình ảnh con rồng, cũng có rất nhiều truyện lựa chọn rồng làm dạng thức hóa thân cho nhân vật: “Sự tích Hùng Hải, Đỗ Huy thời Hùng Vương” kể: Giữa tiết trung thu, trời quang mây tạnh, trăng sáng vằng vặc, bỗng trên không trung có một tiếng nổ vang, tiếp đó mây bay, gió cuốn ầm ầm như muôn ngàn ngựa hí quân reo. Chợt có một con rồng đen giương nanh vuốt, từ hành doanh phía tây bay thẳng lên trời. “Sự tích Thành công, Mang công, Mộc công, Vĩnh công, Lại công thời

Hùng Vương” có đoạn: Vĩnh công đi đến xã Lưu Khê thì tự nhiên có hình bóng rồng vàng từ trong mình bay ra rồi biến mất. “Sự tích Anh công, Dực công thời Hùng Vương” cũng miêu tả: Thuyền hai ông về đến cửa sông Ỷ Bích thuộc huyện Thạch Đằng, trời bỗng nổi ba tiếng sét, gió táp mưa sa, tối tăm mù mịt, trên sống sóng cuộn ầm ầm, các loài cá, ba ba, thuồng luồng, rắn mang hoa đều nổi lên trên mặt nước châu đầu vào thuyền hai ông. Một lát thấy hai con rồng từ hai chiếc thuyền bay lên trời biến mất… Điều này chứng tỏ tầm ảnh hưởng nhất định của rồng đến đời sống tinh thần của người dân Việt thời xa xưa.

Rồng là một biểu tượng phổ biến trên thế giới. Ở Viễn Đông, rồng mang nhiều dáng vẻ khác nhau, là con vật sống cùng lúc dưới nước, trên mặt đất- thậm chí dưới mặt đất và trên trời. Trong thực tế, đó chỉ là những dáng vẻ khác nhau của một biểu tượng duy nhất, là biểu tượng của bản nguyên tích cực và sáng tạo: sức mạnh thần thánh, nhiệt huyết tinh thần như Grousset nói. Là biểu tượng thần thánh, sức mạnh của sự sống và sự hiển lộ, nó khạc ra các nguồn nước khởi nguyên và Quả Trứng thế giới, khiến nó trở thành một hình ảnh của Chúa sáng thế. Nó là làn mây trải ra trên đầu chúng ta và sẽ tuôn xuống những làn sóng nước đem lại màu mỡ của nó. Nó là bản nguyên Càn, nguồn gốc của trời, làm ra mưa, có sáu vạch là sáu con rồng thắng vào cỗ xe. Kinh Dịch còn nói rằng máu nó màu đỏ và vàng, là những màu nguyên thủy của Trời và Đất [11,780].

Theo học thuyết Hindu, rồng sản sinh ra rượu soma, là thức uống bất tử. Các con rồng Trung Hoa vốn là những vật cưỡi của các vị thần tiên bất tử, thường đưa các vị bay về trời nên cũng mang ý nghĩa tương tự. Hoàng đế, người đã chiến thắng các khuynh hướng xấu xa, đã cưỡi lên lưng một con rồng trắng mà bay về trời. Phục Hy nhận được Hà đồ từ một con long mã và cũng chính nhờ rồng mà Đại Vũ có thể tạo nên thế giới bằng cách tiêu nước thừa đi [11,781].

Là sức mạnh thần thánh, sáng tạo, xếp đặt, rồng đường nhiên là biểu tượng của đế vương. Đáng chú ý khi ý nghĩa này chỉ tồn tại ở Trung Quốc mà cả ở người Celtes và một văn bản Do Thái cổ khi nói về con rồng thần thánh như một vị vua trên ngôi báu của mình. Thật vậy, rồng được gắn với sét (khạc ra lửa)

và sự phì nhiêu (mang mưa tới), tượng trưng cho các chức năng của vua chúa và các nhụp điệu cả cuộc sống, đảm bảo trật tự và phồn vinh, nên trở thành phù hiệu của hoàng đế. Cũng như việc treo chân dung hoàng đế, khi có hạn hán, người ta dựng lên hình những con rồng và thế là trời bắt đầu mưa [11,781].

Nhưng rồng lại được gắn liền nhiều nhất với việc sinh ra mưa và sấm, vốn là những biểu hiện hoạt động của trời. Làm công việc kết hợp nước với đất, nó là biểu tượng của cơn mưa thần thánh làm tươi nhuần đất đai. Các điệu múa rồng, việc trưng bày những con rồng có màu sắc thích hợp, cho phép cầu được mưa, là phép lành của trời. Do đó, rồng còn là dấu hiệu của điềm lành và sự hưng thịnh [11,781].

Mang rất nhiều ý nghĩa như vậy, nhưng cho đến ngày nay, người ta vẫn chưa thể khẳng định được chắc chắn về vấn đề nguồn gốc của rồng. Có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Trong đó, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng rồng Đông Á mang nguồn gốc Bách Việt cổ (cộng đồng cư dân cổ thuộc ngữ hệ Austro- asiatic cư trú từ hạ lưu Dương Tử đến Bắc Đông Dương, trong đó có tổ tiên Lạc Việt) trên cơ sở của sự kết hợp rắn, cá sấu và nhiều loại vật khác. Rồng mang một số đặc trưng quan trọng liên quan đến văn hóa Bách Việt như nguyên mẫu chính từ rắn hoặc cá sấu, tức các loài động vật phổ biến của phương Nam tính cách thích nước và sinh sống ở môi trường sông nước; và rồng là sản phẩm tổng hợp của tư duy âm dương phương Nam. Theo nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn, tên gọi Rồng vốn xuất hiện trong tiếng Việt và một số ngôn ngữ thuộc tiểu chi Proto Việt-Chứt; từ Thìn trong thập nhị địa chi là tên gọi do người Hán vay mượn từ ngôn ngữ Bách Việt cổ. Người Bách Việt, mà cụ thể là Lạc Việt, với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, tự xem mình là “con Rồng cháu Tiên” [33,21].

Nhiều nhà nghiên cứu Trung Hoa cũng đồng nhất quan điểm này. Tác giả Văn Nhất Đa trong chuyên khảo “Đoan ngọ khảo” gắn nguồn gốc xuất hiện của rồng với tết Đoan ngọ và tục đua thuyền rồng của cư dân Ngô Việt vùng hạ lưu Dương Tử. Ngày nay, các vùng đất Nam Trung Hoa, Việt Nam, Đài Loan, Okinawa vẫn còn tục đua thuyền rồng trong các dịp đón năm mới, tết Đoan ngọ

hay lễ hội truyền thống (Trịnh Tiểu Lô). Tác giả Trung Hoa Nghê Nông Thủy chứng minh nguồn gốc Bách Việt của tết Đoan ngọ cùng tục đua thuyền rồng, sau được người Trung Hoa tiếp nhận và gắn thêm chức năng cứu Khuất Nguyên để giáo dục cội nguồn [33,21].

Nhà dân tộc học người Nga D.V. Deopik từng viết “Rồng là con vật đặc thù chung cho tất cả các dân tộc Việt và chính từ đây nó đã đi vào văn hóa Trung Hoa”. Còn nhà Việt Nam học người Nga N. I. Niculin cũng nhận xét: “Trong văn hoá truyền thống của người Việt, hình tượng con Rồng – một con vật tưởng tượng – trở thành biểu tượng quan trọng nhất... Chính người Việt từ ngàn xưa đã biết trồng lúa nước và đánh cá... Hoàn toàn có cơ sở để cho rằng hình tượng con rồng trong văn hoá Trung Hoa có nguồn gốc từ phương Nam, từ vùng Đông Nam Á, từ Việt Nam và các quốc gia láng giềng...”[33,21].

Các nhà khoa học đồng thời cũng chỉ ra rằng con rồng đã từng là một totem trong tín ngưỡng sơ khai của người Việt Nam. Dân Việt cổ có tục xăm mình, phổ biến trong số ấy là họa tiết rồng (giao long). Theo ghi chép trong Hoài Nam Tử và Sơn Hải Kinh, rồng được người Việt xưa xăm lên đùi để khi xuống nước “tránh bị giao long làm hại”. Đến đời vua Trần Anh Tông (1293- 1314) mới chấm dứt tục xăm mình. Rồng là hình tượng của mưa thuận gió hòa, là linh vật đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh “long, lân, quy, phụng”. Hình tượng rồng thời đại Hùng Vương là một linh vật thân dài có vẩy như cá sấu được chạm trên các đồ đồng, đặc biệt là trên trống đồng [35,22].

Qua thời kỳ Bắc thuộc, con rồng Việt Nam dần xuất hiện rõ nét dưới thời Lý. Thủ đô Thăng Long được đặt tên theo thế “rồng bay”. Rồng thời Lý là con vật mình dài như rắn, thường thân trơn, lưng có vây, thân uống cong nhiều vòng uyển chuyển theo hình sin mềm mại và thoải nhỏ dần về phía đuôi, tạo cảm giác dòng văn hóa dân gian mượt mà dài vô tận. Rồng có bốn chân, mỗi chân có ba móng cong nhọn. Đầu rồng ngẩng cao, há miệng rộng với hai hàm răng nhỏ đang vờn đớp viên ngọc quý, từ mũi thoát ra mào lửa. Trên trán rồng có một hoa văn giống hình chữ "S", tượng trưng cho sấm sét, mây mưa. Trên đại thể, rồng thời Lý là rồng văn, rồng Phật giáo.

Hình tượng con rồng thời Trần có nhiều biến đổi so với thời Lý. Đây là thời kì người Việt Nam ba lần đánh bại quân thiện chiến Nguyên Mông, do vậy triều Trần được cho là triều đại trọng võ. Dấu ấn ấy có thể nhìn thấy rất rõ qua hình tượng rồng. Đầu rồng xuất hiện thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay, chiếc mào lửa ngắn hơn. Thân rồng tròn lẳn, mập mạp, nhỏ dần về phía đuôi, uốn khúc nhẹ, lưng võng hình yên ngựa. Đuôi rồng có nhiều dạng, khi thì đuôi thẳng và nhọn, khi thì xoắn ốc. Các vảy cũng đa dạng, có khi là những nửa hình nụ hoa tròn, có khi chỉ là những nét cong thanh thoát. Rồng thời Lê (thế kỷ XV) hoàn toàn khác biệt với rồng thời Lý-Trần. Thân rồng có xu hướng ngắn lại, tư thế đa dạng phong phú. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Thân rồng lượn hai khúc lớn, chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Rồng thời Lê Trung hưng nhìn chung ít thay đổi so với thời Lê Sơ, điểm nổi bật là hình tượng rồng dần dà đi vào đời sống thường dân, đặc biệt là các mô típ bầy rồng con quây quần bên rồng mẹ, rồng đuổi bắt mồi, rồng vui cảnh lứa đôi…

Con rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi vương quyền. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc rồng hàm thọ, lưỡng long triều nhật, lưỡng long chầu hoa cúc, lưỡng long chầu chữ thọ v.v.. Thân rồng không dài ngoằn, uốn lượn với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu có nhánh phụ cùng chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi giống mũi lân hoặc sư tử, miệng há to để lộ hàm răng răng nanh chắc khỏe. Vây trên lưng rồng có tia, thân cuộn hoa văn lửa hoặc mây, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng dùng cho vua chân có năm móng mạnh mẽ, còn quan và tầng lớp quý tộc chỉ được pháp dùng rồng bốn hoặc ba móng, đuôi không có bờm lông, các chi tiết hoa văn lờ mờ hơn rồng cung đình. Rồng trên mái đình chùa miếu mạo thường cũng chỉ có bốn móng. Kể từ khi triều Nguyễn kết thúc, tính phân tầng xã hội trong quy cách sử dụng motip rồng không còn nữa, chính vì vậy người ta có thể chạm khắc rồng với muôn hình vạn trạng, từ vân long, đoàn long, quỳ long, ứng long, li long, giao

long, rồng năm ngón, ba ngón ... Hình tượng con rồng cũng không còn tính chất thiêng liêng, tối thượng như xưa, thay vào đó dân gian vẫn đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm khắc nghệ thuật với những ý nghĩa dân gian, bình dị [23,74].

Với những đặc điểm trên, có thể thấy, rồng ngự trị trong tâm thức người Việt như một biểu tượng đặc biệt. Trước nhất, là linh vật được tổng hợp từ nhiều loại vật có thật trong tự nhiên, rồng mang trong mình những ưu thế vượt trội của các loài, trong đó sức mạnh và quyền năng thiên biến vạn hóa là hai đặc tính quan trọng nhất. Rồng vì vậy, luôn biểu trưng cho sự mạnh mẽ, hùng tráng.

Bên cạnh đó, người Việt, cho đến tận ngày nay, vẫn truyền dạy nhau câu truyện về nguồn gốc Rồng- Tiên của mình. Truyện kể rằng, Lạc Long Quân vốn là nòi rồng, đứng đầu thủy phủ, đã kết hôn với Âu Cơ, thuộc giống tiên, sống ở trên đất, sinh ra được bọc trứng trăm con. Do thủy hỏa tương khắc, dòng giống bất đồng nên mỗi người chia nhau năm mươi người con đi về hai phía, lên rừng, xuống biển, hễ hữu sự thì báo cho nhau biết để cùng giúp đỡ. Cùng với đó là hàng loạt những câu truyện tương tự kể về sự bao bọc, che chở của Lạc Long giành cho con dân đất Việt. Con Rồng từ những câu chuyện kể đi vào rất sâu trong tiềm thức và niềm tin của nhân dân, trở thành niềm tự hào dân tộc.

Hai ý nghĩa này đã tạo nên những ảnh hưởng không nhỏ đến những sáng tác văn học dân gian nói chung, đặc biệt là truyền thuyết. Bởi, trong quá trình khảo sát, người viết nhận thấy các nhân vật của dạng thức hóa thân này đa phần đều là những vị tướng quân anh dũng (Trình An Tể- Sự tích Trình An Tể thời Đinh; Hoàng Việt - Sự tích Hoàng Việt đại vương và Đông Bảng đại vương thời …) hoặc vị vua anh minh ( vua Lý Nam Đế- Sự tích Tiền Lý Nam Đế). Điều này chứng tỏ, trong con mắt nhân dân, họ là những nhân vật tầm cỡ, có sức mạnh và quyền uy thực sự. Những công lao của họ xứng đáng được tôn vinh lên tầng bậc cao nhất của sự ngưỡng vọng. Cảm hứng tự hào dân tộc – nòi giống Rồng Tiên cũng vì thế mà được phát huy đến mức độ lớn nhất.

Đồng thời, với việc coi coi Lạc Long Quân là người cha huyền thoại, người dân Việt Nam đã đồng thời khẳng định sự quan trọng của yếu tố Nước

trong đời sống của mình. Được thiên nhiên ưu ái, ban cho một hệ thống sông ngòi dày đặc, trải khắp lãnh thổ, nhưng vì sống dựa vào nông nghiệp nên Mưa có ảnh hưởng vô cùng to lớn. Tín ngưỡng thờ Nước của người dân Việt cũng vì vậy mà ra đời và phát triển từ rất sớm. Thuở xa xưa, các vị vua thường cho xăm mình hình rồng hoặc giao long để tránh sự tấn công của thủy quái khi xuống nước. Dạng thức Rồng, xét cho cùng, dù mang nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng vẫn mang đậm ảnh hưởng của tín ngưỡng này nhất.

Một phần của tài liệu khảo sát motip hóa thân - hiển linh trong truyền thuyết người việt (Trang 51 - 57)