PHẦN KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu khảo sát motip hóa thân - hiển linh trong truyền thuyết người việt (Trang 100 - 104)

3. MỘT SỐ LỄ HỘI TIÊU BIỂU.

PHẦN KẾT LUẬN

1. Truyền thuyết người Việt nói riêng và truyền thuyết dân gian Việt Nam nói chung đã trải qua một thời kỳ dài phát triển. Từ việc coi đề tài lịch sử là nội dung đặc thù, nhân vật luôn là người anh hùng, truyền thuyết đã khẳng định được sự phong phú, đa dạng và sâu sắc của mình. Với cảm hứng chủ đạo là niềm tự hào dân tộc, tôn vinh quá khứ, truyền thuyết dẹp bỏ đi mọi vướng mắc với lịch sử, khiến lịch sử tồn tại trong truyền thuyết luôn có tầm vóc cao hơn sự

thật lịch sử được phản ánh. Nhân vật cũng vì vậy, được vượt lên trên quy luật sống – chết thông thường, trở thành tượng đài vĩnh cửu, bất diệt.

Motip hóa thân- hiển linh không chỉ có trong truyền thuyết mà còn được bắt gặp rất nhiều trong các câu truyện thần thoại và truyện cổ tích. Song, chính cảm hứng tôn vinh dân tộc, biết ơn người anh hùng đã tạo nên điểm khác biệt và đặc biệt cho motip này ở thể loại truyền thuyết. Hóa thân – hiển linh ở đây, được sử dụng để trở thành công cụ thiêng hóa, linh hóa hữu hiệu cho hình tượng người anh hùng khi tác giả dân gian không muốn chấp nhận sự thật lịch sử. Họ có thể biến hóa theo nhiều cách khác nhau, hiển linh phù trợ nhiều lần khác nhau, nhưng tất cả, đều dựa trên một nguyên lý cơ bản và duy nhất: vì nhân dân, vì đất nước, vì non sông.

Motip hóa thân – hiển linh trong truyền thuyết người Việt khá đa dạng và phong phú. Chúng tôi đã thống kê được 109 truyện có motip hóa thân, 45 truyện có motip hiển linh, và phân loại ra được 12 dạng thức hóa thân, 3 dạng thức hiển linh khác nhau. Việc khảo sát chỉ được thực hiện trên 573 truyền thuyết có trong cuốn “Tổng tập văn học dân gian người Việt” tập 4, 5, chưa thể nói là đầy đủ nhưng cũng đã phần nào thể hiện được sự đa dạng, phong phú và độc đáo của motip này trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của truyền thuyết người Việt.

2. Thể hiện khá rõ nét cảm hứng tôn vinh dân tộc với việc thiêng hóa và linh hóa nhân vật, motip hóa thân – hiển linh có vị trí khá đặc biệt trong hệ thống motip anh hùng của thể loại truyền thuyết. Các dạng thức của motip hóa thân- hiển linh không chỉ có đồng hành, nâng đỡ lẫn nhau mà còn có mối quan hệ khăng khít với các motip khác, tạo nên sự thống nhất, linh hoạt và bền chắc cho tác phẩm. Đồng thời, từ đó thấy được sợi dây liên hệ giữa các dạng thức hóa thân – hiển linh với một số tín ngưỡng cổ xưa của người Việt. Đây chính là cơ sở để chúng tôi thực hiện tìm hiểu và phân tích ý nghĩa cũng như nguồn gốc của các dạng thức.

Do khuôn khổ đề tài có hạn, chúng tôi chỉ lựa chọn thực hành trên 6 dạng thức hóa thân và 3 dạng thức hiển linh thường gặp nhất. Sự đa dạng trong những

tầng ý nghĩa của các dạng thức đã thể hiện được nét phong phú trong cách cảm, cách nghĩ của nhân dân ta về các hiện tượng tự nhiên và xã hội khác nhau. Nổi bật lên giữa cảm hứng tôn vinh dân tộc, lòng yêu nước, yêu dân là niềm tin bền chắc của tín ngưỡng vạn vật linh, tín ngưỡng thờ thần, thờ tự nhiên, nông nghiệp và quan niệm “sống khôn chết thiêng”. Đồng thời, việc chọn lọc những yếu tố cần thiết để tôn vinh sự bất tử, thiêng liêng và xứng đáng của người anh hùng đã khiến trong truyền thuyết xuất hiện những mảnh ý nghĩa, biểu hiện đặc thù hơn so với những hoạt động tín ngưỡng đơn thuần. Đơn cử là dạng thức ứng đồng của motip hiển linh. Có bản chất giống với hiện tượng nhập hồn, xuất hồn của tín ngưỡng thờ Mẫu, đạo Mẫu, nhưng để thực hiện mục đích của mình, nó đã tự co hẹp phạm vi và nội dung của mình, trở thành dạng thức khá đặc biệt.

3. Truyền thuyết, tín ngưỡng và lễ hội vốn có mối quan hệ qua lại vô cùng sâu sắc. Nên việc lễ hội và các dạng thức của motip hóa thân – hiển linh trong truyền thuyết người Việt có sự tương tác, hỗ trợ là tất yếu. Lễ hội là nơi lưu giữ, bảo tồn và cung cấp sự sống cho truyền thuyết. Thông qua các nghi thức lễ và hành động hội, hành trạng cũng như những chi tiết về cuộc đời của các nhân vật anh hùng. Sự hóa thân, hiển linh cũng là một phần trong số đó. Song, đứng trước thực trạng “đơn giản hóa” của nếp sống hiện đại, lễ hội đang dần mất đi những nền nếp cũ, khiến nhiều nghi lễ và hành động hội có liên quan tới các nhân vật anh hùng bị lu mờ. Những lễ hội có hành động tưởng nhớ tới sự hóa thân và hiển linh vì vậy cũng ít dần. Đa phần các hoạt động tưởng nhớ này được kết hợp với tín ngưỡng thờ Tự nhiên và Nông nghiệp trong các hội cầu đảo, cầu mưa.

Ba lễ hội mà chúng tôi đưa ra chưa phải là những lễ hội đặc sắc, thể hiện được hết tinh thần trong mối quan hệ của motip hóa thân – hiển linh với các lễ hội người Việt, nhưng cũng đã phần nào chứng tỏ được sức sống lâu bền, khẳng định được sự tồn tại và vị trí đặc biệt của nó trong lòng nhân dân. Hình tượng nhân vật anh hùng vì vậy thực sự trở nên bất biệt và trường tồn với đất nước, non sông.

4. Trong khuôn khổ có hạn của đề tài, chúng tôi chưa thể thực hiện triệt để được tất cả những vấn đề đã đặt ra. Nhưng, qua việc nghiên cứu này, chúng

tôi mong muốn góp phần tạo nên cái nhìn mới, toàn diện hơn về motip hóa thân – hiển linh trong truyền thuyết, đồng thời, phần nào làm rõ đời sống tinh thần, các cảm, cách nghĩ của người Việt trước lịch sử, đời sống và con người.

Một phần của tài liệu khảo sát motip hóa thân - hiển linh trong truyền thuyết người việt (Trang 100 - 104)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(151 trang)
w