MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC DẠNG THỨC CỦA MOTIP HÓA THÂN HIỂN LINH VỚI TÍN NGƯỠNG NGƯỜI VIỆT.

Một phần của tài liệu khảo sát motip hóa thân - hiển linh trong truyền thuyết người việt (Trang 39 - 44)

THÂN- HIỂN LINH VỚI TÍN NGƯỠNG NGƯỜI VIỆT.

1.1. Vị trí của motip hóa thân – hiển linh trong truyền thuyết người Việt.

Ngoài sự phong phú về số lượng các dạng thức, motip hóa thân- hiển linh còn đặc biệt gây chú ý bởi cách lựa chọn và kết hợp các dạng thức của mình. Sự hóa thân – hiển linh có thể diễn ra một hoặc nhiều lần, ở một hoặc nhiều dạng thức khác nhau, miễn là những dạng thức đó có quan hệ mật thiết với nhau và với các chi tiết khác của truyền thuyết. Trần Giới, Trần Hà (Trần Giới, Trần ), Minh Lang, Sát Hải (Sự tích Minh Lang, Sát Hải, Quế Hoa, Quỳnh Hoa, Mai Hoa thời Hùng Vương) sở dĩ sau khi đánh thắng giặc, lặn xuống sông không quay trở lại giữa lúc trời mưa to gió lớn, sóng xô cuồn cuộn là vì trước đó, mẹ các ông ra bến sông tắm, có giao long nổi lên phủ quanh mình mà mang thai. Hai anh em Thiện, Quang thời vua Hùng hóa làm hai con giao long, xuống sông biến mất cũng vì mẹ cha hiếm muộn, đi cầu đảo ở chùa Hương Tích, đêm nằm mộng được ông cụ già cho hai con cá chép màu hồng (Sự tích hai anh em Thiện , Quang thời Hùng Vương). Hay như bảy anh em Lương, Hải, Long, Lôi, Sơn, Nhạc, Lĩnh, sinh ra từ một bọc bảy trứng, khi chết đi, nguyện chôn cùng một mộ, để từ mộ ấy, mọc lên cây bạch đàn linh thiêng, ứng nghiệm (Sự tích bảy anh em thời vua Hùng)…

Chính điều này đã chỉ ra vị trí đặc biệt của motip hóa thân – hiển linh trong truyền thuyết người Việt nói riêng và truyền thuyết dân gian nói chung. Motip sinh nở thần kỳ, như đã biết, thường xuất hiện ở đầu các truyền thuyết, để tạo ấn tượng, thường tạo nên cho nhân vật một xuất xứ kỳ lạ, là kết quả của sự hòa hợp giữa tự nhiên và con người: cầu vồng sa xuống bụng người mẹ ( Năm anh em làng Na), nằm chiêm bao thấy thần tiên xin đầu thai làm con ( Sự tích Mang công, Mỹ công, Lộ công thời Hùng Vương), thấy hai ngôi sao giáng xuống, ánh sáng tỏa vào thân (Sự tích Tản Viên Sơn thánh cùng các vị Hiển

công, Minh công và Phạm Hiếu, Phạm Thàn, Phạm Lương đánh Thục), giao long giễu ở dưới chân, phủ dãi thơm vào mình mẩy ( Sự tích Minh Lang, Sát Hải, Quế Hoa, Quỳnh Hoa, Mai Hoa thời Hùng Vương), giẫm dấu chân ông khổng lồ (Truyền thuyết Thánh Dóng), sinh ra một bọc trứng (Sự tích hai anh em Thiện, Quang thời Hùng Vương) … Để rồi sau đó, nhân vật được sinh ra với diện mạo kỳ lạ, khác thường. Người thì lông mày như lông hổ, trán như trán con yến, mắt sáng như sao (Sự tích bốn đại vương họ Đinh thời vua Hùng) , tay dài quá gối (Truyện tích Đức Thánh Mẫu thời Hùng Vương), kẻ lại to lớn, mắt rồng,mũi hổ, miệng xà, mày lân, hai mắt sáng choang, hai bên lỗ tai có bảy cái lông dài, ngón tay dài bảy tấc, miệng mọc bốn cái răng rách đến tận mang tai, nom rất dữ tợn ( Sự tích Thổ Thống và Nại Nương thời Hùng Vương)….

Motip chiến công phi thường là motip trung tâm nhưng đồng thời, lại là sự phát triển dựa trên motip sinh nở thần kỳ. Các anh hùng vì có quan hệ với thần linh và tự nhiên nên thường có sức mạnh phi thường, tài phép kỳ lạ và vật dụng hỗ trợ mang tính thiêng. Thánh Dóng ba năm không cười không nói, vừa nghe tiếng mõ tuyển quân đánh giặc, liền vươn vai biến thành thần tướng, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt, dẹp tan quân giặc. Phùng Hưng vác mười nghìn cân đá hoặc chiếc thuyền nhỏ nặng một nghìn hộc đi hơn mười dặm, Ông Mổ Bụng được thần tiên ban cho trăm nghìn sách quý, dạy thế võ này, cách trị nước kia. Chàng đánh giặc bằng cái móng tay có bàn tay biết phóng ra ngọn lửa, tia sét. Nàng Vú thúng có trăm nghìn quân giặc sẵn sàng lao ra từ bầu ngực tròn căng…. Yếu tố kỳ ảo về nhân vật được kéo dài tới tận đây, ở phần trung tâm nhất, nên nếu câu truyện truyền thuyết kết thúc bằng cái chết thì sẽ là sự hụt hẫng vô cùng to lớn đối với những người thưởng thức. Với những gì họ đã cống hiến cho non sông, đất nước, nhân dân không thể chấp nhận được sự thật ấy, dù đó có là quy luật không thể đổi rời của sự sống. Họ phải được đưa lên trên ranh giới tầm thường của sự sống và chết, tiến vào cõi toàn năng, bất diệt. Đó chính là lý do khiến tác giả dân gian để motip hóa thân – hiển linh nằm ở phần cuối cùng, kiến tạo nên màn vĩ thanh chỉ có ở riêng truyền thuyết.

An Dương Vương được rùa vàng cầm sừng tê bẩy tấc đón xuống biển sâu. Ngài Câu Mang biến thành Hổ mãng xà, phút chốc tan biến. Đào An, Ý An hóa đám mây vàng như hình dải lụa. Cương Nghị, Hùng Cường vừa ngửa mặt than trời thì có hai con hổ xám từ trong mình nhảy ra, bay thẳng lên trời. Đức Thiên Cang được mối đùn thành mộ… Đưa nhân vật trở về với tự nhiên, đây rõ ràng không phải chỉ đơn thuần là hành động tôn vinh người anh hùng mà còn là cách thể hiện tấm lòng sùng kính đối với tự nhiên của nhân dân ta. Các motip, đặc biệt là motip hóa thân – hiển linh đã cho thấy sự liên quan nhất định của truyền thuyết đối với những tín ngưỡng cổ xưa nhất như tục thờ tứ pháp, thờ Sơn thần, Thủy thần, người Khổng lồ…

1.2. Mối quan hệ giữa các dạng thức của motip hóa thân – hiển linhtrong truyền thuyết người Việt và tín ngưỡng người Việt. trong truyền thuyết người Việt và tín ngưỡng người Việt.

Tín ngưỡng là niềm tin của con người vào cái gì đó thiêng liêng, cao cả, siêu nhiên, hay nói gọn lại là niềm tin, ngưỡng vọng vào “cái thiêng”, đối lập với cái “trần tục”, hiện hữu mà ta có thể sờ mó, quan sát được. Đó là niềm tin thuộc về bản chất con người, nó ra đời và tồn tại cùng với con người, là nhân tố cơ bản tạo nên đời sống tâm linh của con người.Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hà, tín ngưỡng có thể hiểu là “niềm tin, sự ngưỡng mộ, tôn sùng tuyệt đối với một đối tượng siêu nhiên nào đó có ảnh hưởng, chi phối đến đời sống sinh hoạt của con người. Tín ngưỡng là niềm tin về những điều linh thiêng, những sức mạnh huyền bí, vĩ đại mà con người chỉ cảm nhận được mà khó có thể nhận thức được[4,63]. Tín ngưỡng là một sản phẩm văn hóa do con người quan hệ với tự nhiên, xã hội và chính bản thân mà hình thành.Có thể nói, với tín ngưỡng dân gian,các truyện kể dân gian vừa là nơi ẩn chứa, thẩm thấu các tín ngưỡng dân gian vừa thể hiện sự khác biệt đến đối lập với tín ngưỡng dân gian đó. Những niềm tin, quan niệm sẽ chết cứng nếu như nó không được thổi vào đó linh hồn, không được làm cho sống dậy, sinh động thông qua những hình tượng nghệ thuật kết tinh giữa niềm tin đó với trí tưởng tượng bay bổng không giới hạn của con người. Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam có sự trọng mẫu, đề cao, suy tôn nữ tính và người mẹ. Tín ngưỡng đó bắt nguồn từ chế độ

nguyên thuỷ với những thị tộc mà người đứng đầu là phụ nữ, người chia thức ăn, người sinh sản và nuôi lớn cộng đồng trong cả nghĩa đen và nghĩa bóng cũng đều là nữ. Từ tín ngưỡng đó, các thần trên trời được sáng tạo dưới ánh sáng của trí tưởng tượng và niềm tin ngây thơ vào siêu nhiên bất diệt cũng phần lớn là nữ. Từ đó mà hình thành hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu, người Việt Nam gọi các nữ thần tự nhiên là Mẫu – mẹ với niềm tôn kính và tin tưởng rằng các Mẫu sẽ che chở cho những đứa con mình khỏi mọi tai hoạ do thiên nhiên gây ra. Tam toà thánh mẫu, Tứ phủ thánh linh là những tên gọi quen thuộc người Việt dùng để gọi các nữ thần tự nhiên như: Mẫu Thiên phủ (Cửu thiên huyền nữ), Mẫu Nhạc phủ (nữ thần rừng), Mẫu Thoải phủ (nữ thần nước), Mẫu Địa phủ (nữ thần đất). Rồi từ các nữ thần tự nhiên, niềm tín ngưỡng ấy lan toả đến các thần nông nghiệp như Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Nành, Mẹ lúa, Mẹ chè... với niềm tin tưởng rằng nữ tính chính là đặc tính tối ưu đối với mùa màng và sự sinh sản của cây cối, chỉ có các nữ thần cai quản cây cối mới bội thu. Rồi từ các bà mẹ nông nghiệp, niềm tin ấy lại lan toả đến các bà mẹ lịch sử, những người phụ nữ bình thường được khoác lên vai chức năng coi kho, giữ lẫm, trở thành các bà Chúa Kho, Chúa Lẫm, các bà mẹ tham gia chống ngoại xâm giữ nước bằng chức năng đầy nữ tính của mình. Hệ thống tín ngưỡng thờ nữ thần vì vậy càng ngày càng trở nên phong phú. Sở dĩ niềm tín ngưỡng trọng Mẫu có sức sống lâu bền trong lòng dân tộc, là do những câu chuyện dân gian được sáng tác và lưu truyền rộng rãi, phủ lên các Mẫu vầng hào quang huyền thoại linh thiêng. Truyện kể làm xương cốt, bệ đứng, chỗ dựa cho niềm tin, còn niềm tin cùng những hành động nghi lễ hội hè tưởng niệm làm sống động, phong phú hơn nội dung truyện kể. Mối quan hệ đó giữa tín ngưỡng và truyện kể song song tồn tại, xoắn bện chặt chẽ, thẩm thấu qua nhau trong sinh hoạt cộng đồng người Việt Nam như một chỉnh thể không thể tách rời.

Tín ngưỡng Việt Nam khá phong phú, đó là sự tôn sùng các lực lượng vũ trụ và tự nhiên như trời, đất, mặt trời, mặt trăng, nước, mưa, gió, sấm, chớp; tôn sùng các loại cây trồng, vật nuôi như lúa, bò, lợn, gà...; tôn sùng vật tổ như chim, cá, cây, trâu; tôn sùng sự sinh sản như sinh thực khí và tính giao; tôn sùng

tổ tiên như thành hoàng, tổ tiên, ông bà; tôn sùng các Mẫu trong tục thờ Tam Mẫu, Tứ Mẫu... Từ tín ngưỡng chuyển di vào văn học dân gian sẽ biến thiên, trở thành các hình tượng, các motip với diện mạo hình hài rõ nét và sinh động hơn. Chẳng hạn, niềm tôn sùng vũ trụ, trời đất vốn là tín ngưỡng phổ biến của các dân tộc trên thế giới. Ở Việt Nam, tín ngưỡng đó thể hiện ra trong các mã (tín hiệu, biểu tượng) như: tròn – vuông; âm – dương; đi vào lễ hội bằng các trò chơi như đấu vật nhằm đánh thức đất, đánh đu cho hoà hợp âm dương, thả chim với cầu mong trời quang mây tạnh...; đi vào văn học dân gian với các câu chuyện thần thoại về Cha Trời – Mẹ Đất, về Rắn – Chim, Cá - Hươu sao, hay về các đôi nam nữ thần như Nữ Oa – Tứ Tượng, Ông Đùng – Bà Đà, Ông Đực – Mụ Cái; đi vào dân ca với những bài hát vui vẻ: “Ông trăng mà lấy mụ trời, tháng năm ăn cưới, tháng mười đưa dâu...”.

Như vậy, tín ngưỡng là niềm tin tuyệt đối, không cần lí giải, không có sự lựa chọn nào khác ngoài đấng siêu nhiên huyền bí mà họ gửi gắm niềm tin. Trong đó có sự ngưỡng mộ xen cả nỗi sợ hãi, bất lực. Còn trong truyện kể dân gian, con người không chỉ thể hiện thái độ ngưỡng mộ đối với lực lượng và sức mạnh siêu nhiên huyền bí đó mà còn thể hiện cả khát vọng muốn vươn lên khám phá bí ẩn của siêu nhiên, tự nhiên và chinh phục thế giới đó. Con người có thể bất lực trước thế giới siêu nhiên trong thực tế, điều đó khiến họ ra sức cầu cúng, lôi kéo siêu nhiên một cách tột cùng thiết tha, nhưng họ đã chiến thắng các lực lượng và sức mạnh siêu nhiên to lớn và đầy bí ẩn đó trong mơ ước, trong khát vọng vĩ đại của mình và thể hiện điều đó trong truyền thuyết. Cái chết của những nhân vật truyền thuyết, dù nằm trong quy luật thông thường của sự sống, nhưng lại là điều khó hiểu và khó chấp nhận đối với nhân dân. Không thể thay đổi hay chống lại, nên họ đã tạo ra một thế giới hoàn toàn khác, tiếp nối với thế giới thực tại, dựa trên trí tưởng tượng phong phú và niềm tin, niềm tự hào dân tộc. Ở đó, người anh hùng sinh ra từ tự nhiên và trở thành một phần của tự nhiên.

Sự phong phú trong tín ngưỡng của người Việt cổ đã vô tình tương tác với trí tưởng tượng của tác giả dân gian, làm nên sự đa dạng trong các dạng thức

của motip hóa thân – hiển linh. Đó là lí do vì sao những hình ảnh vô cùng quen thuộc với đời sống tinh thần của nhân dân ta như rồng, rắn, mây, mưa, sấm chớp, chim, mối… được lựa chọn làm các dạng thức hóa thân và hiển linh. Không chỉ là cơ sở, mối quan hệ giữa tín ngưỡng và motip này đã tạo nên một cái nhìn hoàn toàn khác cho mối quan hệ giữa tín ngưỡng và truyền thuyết.

Một phần của tài liệu khảo sát motip hóa thân - hiển linh trong truyền thuyết người việt (Trang 39 - 44)