Dạng thức “Đá, núi”.

Một phần của tài liệu khảo sát motip hóa thân - hiển linh trong truyền thuyết người việt (Trang 59 - 63)

2. CÁC DẠNG THỨC VÀ Ý NGHĨA CÁC DẠNG THỨC CỦA MOTIP HÓA THÂN TRONG TRUYỀN THUYẾT NGƯỜI VIỆT.

2.5. Dạng thức “Đá, núi”.

Trong lớp nghĩa cổ xưa nhất, với đặc điểm: cao, thẳng đứng, gần trời, núi tham gia vào hệ biểu tượng của cái siêu tại, siêu phàm; với tính cách là trung tâm của những hiện tượng hiển linh trong khí quyển và rất nhiều sự tích thần hiện, núi thuộc biểu tượng của các bản thể biểu hiện. Núi là nơi Trời và Đất gặp nhau, là nơi ở của thánh thần và là điểm cuối của con đường đi lên của con

người. Mọi nước, mọi dân tộc và phần lớn các thành phố đều có ngọn núi thiêng của mình. Ý nghĩa hai măt, về chiều cao và về vị trí trung tâm, chỉ riêng núi mới có, cũng được nói tới trong nhiều trước tác của các văn sĩ theo đạo. Thánh Jean de la Croix mô tả các giai đoạn của cuộc sống thần bí như là một cuộc leo núi, thánh Therese d’Avila mô tả Cuộc leo núi Carmel như là cuộc viếng thăm nơi ở của những linh hồn hay là lâu đài nội tâm [11,699].

Ngoài ra, núi cũng thể hiện những khái niệm về tính ổn định,bất di bất dịch, và đôi khi cả về tính thanh khiết. Theo người Sumeriens, núi là khối nguyên sơ chưa phân hóa, là Quả Trứng thế giới và theo Chouonwen, là nguồn sinh ra vạn vật. Núi là nơi lưu trú của thánh thần và việc leo núi được hình dung như là việc đi lên trời, như là phương tiện bước vào quan hệ với thần linh, trở về Khởi nguyên. Các Hoàng đế Trung Hoa làm lễ trên đỉnh núi; Moise đón nhận các Bảng thập giới trên đỉnh núi Sinai; thần Civa Maheshvara thường xuyên hiện xuống trên đỉnh núi Ba-Phnom, là địa điểm cố đô của vương quốc Phù Nam; các vị Tiên đạo giáo lên đỉnh núi để bay lên trời và đặt những lá sớ gửi về trời trên đỉnh núi đó[11,699].

Người Việt có câu chuyện kể về núi Nùng như sau: “Người Thăng Long xưa quan niệm núi Nùng ở giữa trời là Long Đỗ, núi Rốn Rồng. Trên đỉnh có “lỗthông hơi” của núi Chằm. Trên núi đó cũng có một ngôi đền núi, hẳn là ngôi đền xưa nhất của Thăng Long từ thưở đất này chưa mang tên ấy”. Hay: núi Nùng ban đầu chỉ là một doi đất bồi nổi bên sông, sau do những quan niệm huyền thoại của người Việt mà ngôi đền núi thờ thần Long Đỗ được coi là Rốn rồng thông với trời (Trần Quốc Vượng). Về địa danh này, GS.TS Kiều Thu Hoạch đã có một cái nhìn bao quát về địa – văn hóa và lịch sử - “Núi Nùng là địa danh cổ, nhưng không hẳn là tên riêng. Nùng (hoặc Nông) có thể cùng nhóm với các từ Phnom (Khơ me), BơNâm (Tây Nguyên)… đều có nghĩa là gò đất cao, đồi núi.. Ở các cư dân Đông Nam Á cổ đại, ngọn núi này thường ở vị trí trung tâm cộng đồng, trung tâm đô thị, thể hiện ý niệm trung tâm vũ trụ, đồng thời trên núi thường có đền là tụ điểm trung tâm của cộng dồng, là nơi giao tiếp giữa trời và người theo quan niệm thần thoại xưa. Khi nhà nước phong kiến ra

đời, thì ngọn này cũng là nơi trung tâm để xây dựng cung điện nhà vua”. Về sau xuất hiện thêm quan niệm “Nùng sơn chính khí” (ảnh hưởng lối nói của Nho gia), cho thấy ở núi này biểu tượng khí thiêng sông núi, tư thế của một cộng đồng [1,77].

Trong truyền thuyết người Việt, có rất nhiều truyện lặp lại dạng kể: đi lên đỉnh núi rồi bay về trời / hóa như “Sự tích sáu vị thần tướng thời Hùng Duệ Vương đánh giặc Nam Chiếu và giặc Thục”, “Sự tích Tản Viên Sơn thánh cùng các vị Hiển công, Minh công và Phạm Hiếu, Phạm Thành, Phạm Lương đánh Thục”, “Sự tích Đức Thiên Cang thời Hùng Vương”, “Sự tích Tiên Lạp Thạch tướng quân”, “Sự tích ông Cả Lợi, Hai Lợi”… Hành động đi lên núi của các nhân vật này đã chứng tỏ ý nghĩa gần với trời, là nơi lưu trú của thần linh ở các ngọn núi. Thuở hồng hoang, con người chưa giải thích được sự tồn tại lạ thường của sông, núi – khoảng lõm, khoảng lồi trên mặt đất nên sáng tạo ra hàng loạt những câu truyện về vị thần khổng lồ khai hoang, dựng trời, múc đất lên thành sông, dồn đất vào thành núi. Sau nữa, là trước sự bí hiểm của những ngọn núi mà sinh ra sùng bái, ngưỡng mộ Sơn thần. Tản Viên Sơn thánh hay Sơn Tinh là một ví dụ. Ngài có quyền năng vô tận, biến hóa khôn lường, có thể nháy mắt rời non, lấp bể, hô mây gọi gió…

Một số truyện như “Truyện cái khiên” - Cả Lạn bị Lãn Tương lừa hại, khiến khiên cháy rụi, liền quẳng khiên đi, chắp tay vái trời mà rằng: “Nếu trời bắt ta chết, hãy để cho ta chết đứng thế này”, vừa dứt lời thì dông tố nổi lên ầm ầm, trời chuyển đất rung, lát sau đã thấy chàng biến thành một ngọn núi lớn sừng sững giữa trời; “Chú voi què hóa núi”- vua Quang Trung quay trở lại tìm voi chẳng thấy đâu, lại thấy có một trái núi hình dáng như con voi của mình năm xưa, đang nằm phủ phục bên đường; “Nàng Vú thúng” – thất trận, nàng phi ngựa về phía làng Đùng, đôi vú đầy quân binh của nàng sưng tấy lên, đau đớn dữ dội, nàng gục xuống chết, hóa thành một dãy núi lớn tên là núi Vú …, lại biểu thị cho ý nghĩa vững bền, kiên định, không chuyển rời của núi. Các nhân vật ở đây đều mang trong mình một niềm ước vọng, họ chết khi ý chí còn đang rực lửa, khi quyết tâm còn đang chắc bền, nên khi chết, đã hóa thành ngọn núi,

tồn tại giữa non sông. Với nhân dân, sự tồn tại này là lời nhắc nhở muôn đời. Chỉ cần nhìn thấy ngọn núi là nhớ đến người anh hùng. Đây cũng là điểm khác biệt giữa dạng thức núi với các dạng thức khác của moip hóa thân.

Đi cùng với núi là đá. Trong truyền thuyết, đá chiếm một vị trí quan trọng. Nếu con người sinh ra từ chúa trời và trở về với chúa trời thì hòn đá thô từ trên trời rơi xuống, khi đã biến thái, đá cất mình lên trời. Những tảng đá từ trên trời rơi xuống thường được coi là biết nói, là công cụ truyền đạt một lời sấm truyền hay một bản thông điệp. Đá tồn tại, không thay đổi từ khi những vị tổ tiên xa xưa nhất đã dựng lên, hoặc khắc lên cho nó những bức thông điệp của mình. Đá là vĩnh cửu, là biểu tượng cho sự sống ở trạng thái tĩnh. Theo kinh Thánh, vì đá có tính cách không biến đổi, nên được coi là tượng trưng của tính khôn ngoan, anh minh. Đá được xem là có quan hệ với nước. Moise khi đi qua sa mạc đã gõ vào một tảng đá làm cho một nguồn nước tuôn ra. Đá trong đền thờ được coi mang tính thánh thiện không chỉ vì nó đã được thánh hóa trong nghi lễ cung tiến mà còn vì nó tương ứng với chức phận và đáp ứng với vị trí của mình. Nó nằm đúng chỗ, theo đúng trật tự của chính mình[11,268]. Ở Việt Nam, các tảng đá dựng đứng ở đây được coi là nơi tọa ngự của các thần bảo vệ, đó là những tấm chắn chống lại, ngăn chặn các ảnh hưởng độc hại…Vì những ý nghĩa trên mà Đá gần gũi với Núi, được xếp chung một nhóm dạng thức hóa thân với núi.

Nàng Mỵ Châu trong câu truyện “Thục An Dương Vương với đất Nghệ” vì không có lòng dạ nào, nên sau khi chết được trời chứng giám, biến thây thành đá. Con chim phượng hoàng bị thương, vì cảm tạ tấm lòng của hai chàng trai đã nén đau, không cất tiếng kêu xé lòng nữa, chết hóa thành đá trên đỉnh núi cao (Núi Phượng Hoàng). Con tuấn mã trung thành và bộ yên cương quý giá cũng hóa thành đá để kẻ thù không cướp được ( Mã Yên Sơn)… Tất cả đều là những minh chứng cho tấm lòng son sắc của các nhân vật. Motip hóa đá không phải motip của riêng truyền thuyết. Ý nghĩa của nó cũng gần tương tự như câu chuyện về nàng Tô Thị hóa đá chờ chồng, đều khắc họa cho sự một lòng, một

dạ, thủy chung, tình nghĩa, không đổi rời của nhân vật. Nên có thể nói, dạng thức đá- núi này có xuất phát điểm vô cùng gần gũi với nhân dân.

Một phần của tài liệu khảo sát motip hóa thân - hiển linh trong truyền thuyết người việt (Trang 59 - 63)