Dạng thức “Mây, cầu vồng”.

Một phần của tài liệu khảo sát motip hóa thân - hiển linh trong truyền thuyết người việt (Trang 48 - 51)

2. CÁC DẠNG THỨC VÀ Ý NGHĨA CÁC DẠNG THỨC CỦA MOTIP HÓA THÂN TRONG TRUYỀN THUYẾT NGƯỜI VIỆT.

2.2. Dạng thức “Mây, cầu vồng”.

Trong motip hóa thân, mây và cầu vồng không phải là hai dạng đi kèm với nhau hay có ý nghĩa bổ sung cho nhau, mà do người viết nhận thấy những đặc điểm giống nhau trong tính chất của hai dạng thức nên kết hợp chúng cùng

nhau. Những đám mây kỳ lạ trong truyền thuyết luôn xuất hiện dưới dạng như sau: bỗng dưng trên không trung xuất hiện một đám mây vàng tựa như dải lụa rơi thẳng xuống (Truyện Trung Định công thời Hùng Vương), trời bỗng tối tăm, có đám mây vàng hiện lên như hình tấm lụa từ trời buông thõng xuống như đường lửa dài hàng vạn dặm (Sự tích Mục công thời Hùng Vương), có một đám mây sa xuống dinh ngài (Sự tích hai anh em sinh đôi Cao Sơn – Quý Minh), chợt thấy trên trời có một đám mây vàng to, trông như bó lụa đào tự trên trời rơi thẳng xuống trước cung điện (Sự tích Đường Hoàng thời vua Trưng), mọi người nhìn thấy một đám mây ngũ sắc như cỗ xe tự trên không trung giáng xuống để nghênh đón ba người (Truyện tam vị thiên thần thời Trưng Vương), trời nổi phong ba, một đám mây vàng xà xuống và hai người đều hóa (Bà Chén), một dải mây trắng rơi thẳng xuống giữa xe của Đô công (Sự tích Đô Quan thời Tiền )… Với dạng thức “cầu vồng”, sự hóa thân cũng diễn ra tương tự: bỗng cầu vồng năm sắc hiện xuống đưa năm ông bay về lên trời (Năm anh em làng Na), có một dải cầu vồng hiện ra rồi không thấy ông đâu nữa (Sự tích Chiêm Thành Cửa ải đại vương)… Những cách mô tả trên đây khiến người đọc dễ liên tưởng mây, cầu vồng với một cánh cửa liên thông hai thế giới thần linh và con người. Nhân vật anh hùng, sau khi nhận được thông điệp của thần linh- dạng thức nền – trời đất mù mịt, mưa to gió lớn, sẽ được “đón” đi thông qua cánh cửa ấy.

Thực vậy, các tác giả của cuốn “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới” đã chỉ ra rằng, mây, với bản tính tự nhiên của mình, thường được dùng để chỉ một trạng thái mơ hồ, không xác định. Theo cách diễn giải của phái bí truyền, những đám mây là cái vách ngăn cách giữa hai cấp của vũ trụ. Ở Trung Hoa ngày xưa, người ta truyền tụng rằng, trong các lễ tế thần ứng nghiệm, có những đám mây màu trắng hoặc mây màu bay xuống các gò nơi cúng tế, mây cũng bay lên từ mộ các vị Tiên, các vị đó cưỡi mây bay lên Trời. Mây màu hồng là dấu hiệu báo lành đặc biệt: từ con người Lão Tử có áng mây hồng bay ra. Trong sự tích lửa cháy Thiếu Lâm Tự, các nhà sư đã thoát nạn nhờ một áng mây thần kỳ màu vàng và màu đen. Theo quan niệm truyền thống của Trung Hoa, mây là dạng biến đổi của người hiền phải trải qua để tự diệt. Những đám mây tan ra trong

thinh không không chỉ là những kỳ tích của Habokis, mà còn là biểu tượng của sự hy sinh mà người hiền phải chấp nhận bằng cách từ bỏ con người phù sinh của mình để đạt tới cái vĩnh hằng [11,585].

Cầu vồng là con đường và trung gian giữa hạ giới và thượng giới. Nó là cái cầu cho các thần linh và các anh hùng đi giữa đi thế giới khác và thế giới chúng ta. Những dải mà các thầy pháp Shaman người Beuriate sử dụng gọi là cầu vồng, nói chung là biểu tượng của sự thăng thượng lên trời của Shaman. Người Pigmee ở Trung Phi thì tin rằng thượng đế biểu thị ý muốn quan hệ với họ bằng cầu vồng. Ở Hy Lạp, cầu vồng Iris là sứ giả nhanh chân của các thần linh, biểu trưng một cách bao quát những quan hệ giữa trời và đất, giữa các thần linh và con người, là tiếng nói của thánh thần. Ở Trung Hoa, sự kết hợp năm màu trong thiên nhiên thành cầu vồng là sự kết hợp âm – dương, là dấu hiệu của sự thuận hòa vũ trụ. Ngoài ra, cầu vồng còn có ý nghĩa biểu tượng gắn cả với trời và cầu. Do cầu vồng còn được gọi là cầu nổi của Trời ở Nhật Bản, cái thang bảy màu mà Đức Phật đi từ trên xuống. Ở Tây Tạng, cầu vồng không phải là cây cầu, mà là linh hồn của các đế vương thăng thiên, điều này khiến liên tưởng đến khái niệm Pontifex, nơi quá cảnh hay kanevedenn nghĩa là đường cong trên trời.[11,139]

Những quan niệm về mây và cầu vồng này, theo người viết, có lẽ bắt nguồn từ chính những hiện tượng có thật xảy ra trong tự nhiên. Mây và cầu vồng luôn ở vị trí cao nhất, gần với bầu trời nhất. Mây dù ít hay nhiều thì con người vẫn không thể nhìn xuyên qua được bầu trời. Cầu vồng xuất hiện không có điểm đầu, điểm cuối, đột ngột xuất hiện giữa bầu trời như một câu cầu vô tận bắc ngang hai chân trời. Những đặc điểm không thể lý giải này khiến họ gán cho nó là đại diện của đấng tối cao, lớp màn che phủ thế giới thần linh, cây cầu dẫn tới thế giới khác… Đặc biệt, người Việt Nam chúng ta sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, từ thuở xa xưa, họ đã quen với việc quan sát các hiện tượng tự nhiên để điều chỉnh cuộc sống hàng ngày của mình: Người ta đi cấy lấy công/ Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề / Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm; Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì

mưa; Mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa; Giời hôm mây kéo bối bừa/ Trời còn nắng ráo ta chưa vội gì/ Bao giờ kéo vảy tê tê/ Sắp gồng, sắp gánh ta về kẻo mưa…Mây, Mưa, Cầu vồng có thể ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động hàng ngày của họ, nên dần dần, trở thành một phần trong tín ngưỡng thờ tự nhiên với mục đích cầu mong sự yên ổn, ấm no, thuận hòa của họ.

Màu sắc của mây có thể mang tính dự đoán thời tiết rất hữu hiệu đối với họ. Mỗi màu mây tương ứng với một ý nghĩa khác nhau. Trong số các truyện có dạng thức mây – hóa thân, người viết thống kê được 15 truyện có cùng một dạng mô tả “áng mây màu vàng rơi thẳng xuống như một dải lụa dài” (15 trong tổng số 23 truyện). Ngoài ý nghĩa vẫn thường gặp là màu của vua chúa, của quyền lực, màu vàng, của sự bất tử ở Việt Nam, do được đồng nhất với màu của mặt trời (nắng vàng), còn là biểu hiện của sự no ấm, tốt lành, bội thu. Bên cạnh đó, hành động rơi thẳng xuống như một dải lụa của dạng thức này đã cho thấy sự tinh tế trong việc miêu tả sự việc của nhân dân ta. Mây, cầu vồng luôn đột ngột hiện ra, nhưng vẫn thể hiện được vẻ đẹp của riêng mình. Biện pháp so sánh càng khiến sự vật được so sánh trở nên khác lạ so với những sự vật tương đồng xung quanh. Hiện tượng hóa đi của nhân vật cũng vì vậy trở nên kỳ vĩ và nhẹ nhàng hơn.

Như vậy, từ tâm thức sùng bái hiện tượng tự nhiên và thói quen canh tác nông nghiệp, cùng những tầng ý nghĩa khác nhau về màu sắc, tác giả dân gian đã sáng tạo nên một dạng thức mới của motip hóa thân, khiến hình ảnh hóa thân của người anh hùng trở nên đẹp đẽ và kỳ vĩ hơn.

Một phần của tài liệu khảo sát motip hóa thân - hiển linh trong truyền thuyết người việt (Trang 48 - 51)