1.3.MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CĂNG THẲNG CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Các khái niệm cơ bản

Một phần của tài liệu căng thẳng của học sinh trung học phổ thông (Trang 40)

a. Khái niệm căng thẳng

Trong nhiều năm, thuật ngữ căng thẳng đã được sử dụng theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào các trường phái lý thuyết. Một vài người xem căng thẳng như một sự kiện kích thích trước những yêu cầu/ đòi hỏi khó khăn (ví dụ như ly hôn), trong khi đó một số người lại coi căng thẳng như một sự phản ứng căng thẳng của tinh thần từ những sự kiện khó khăn [79]. Sự đồng nhất giữa các nhà nghiên cứu về căng thẳng

không phải là tác nhân kích thích cũng không phải là sự phản ứng mà là sự tương tác đặc biệt giữa kích thích-phản ứng mà trong đó cá nhân cảm thấy bị đe dọa [59]. Tuy nhiên, các tác giả này cho rằng “Căng thẳng xuất hiện ở bất kể các hoàn cảnh đe dọa hoặc bị coi là đe dọa đến tinh thần và vượt quá khả năng ứng phó của một người”. Sự đe dọa có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn về mặt tinh thần, tự tin hoặc sự an bình trong tâm trí của con người.

Từ “căng thẳng” lần đầu tiên được sử dụng ở thế kỷ 14 để chỉ những khó khăn, nghịch cảnh, hoặc phiền não [57]. Theo tiếng Latinh, căng thẳng được bắt nguồn từ “strictus” và một phần của từ “stringere” có nghĩa là căng thẳng, nghịch cảnh, bất hạnh, đè nén.

Trong tiếng Anh, căng thẳng có nghĩa là nhấn mạnh. Thuật ngữ này được dùng trong vật lý học để chỉ sức nén mà vật liệu phải chịu. Sau đó, năm 1914 W.B.Cannon sử dụng trong sinh học với ý nghĩa là căng thẳng cảm xúc. Năm 1935 trong một công trình nghiên cứu về cân bằng môi trường bên trong ở các động vật có vú trong các tình huống gò bó, nhất là trong điều kiện thay đổi nhiệt độ, ông cũng mô tả các nhân tố cảm xúc trong quá trình phát triển một số bệnh và xác định vai trò của hệ thống thần kinh thực vật trong các tình huống khẩn cấp. Ban đầu, căng thẳng được dùng để chỉ phản ứng bình thường của cơ thể và miêu tả các trạng thái của cá nhân đối với các điều kiện bên ngoài ở các mức độ sinh lý, tâm lý và hành vi. Hiện nay, thuật ngữ căng thẳng được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.

- Theo Encarta và một số từ điển tâm lý học của Mỹ, danh từ căng thẳng có hai nghĩa: Thứ nhất, đó là “Lực kháng lại được hình thành trong cơ thể chống lại tác động bên ngoài” hoặc “Một tình trạng gây khó chịu hoặc gây những ảnh hưởng trái ngược bên ngoài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe thể lý, dễ nhận thấy qua dấu hiệu: nhịp tim tăng, huyết áp cao, cơ năng, cảm giác khó chịu và ưu phiền”. Thứ hai, “Căng thẳng là một kích thích thể lý hoặc tâm lý có thể gây ra sự căng thẳng tinh thần hoặc các phản ứng sinh lý - những phản ứng có thể dẫn đến các bệnh”; còn động từ căng thẳng chỉ việc “chịu áp lực, căng thẳng về thể lý và tinh thần” [dẫn theo 4].

- Từ điển tâm lý học của Nga, theo V.TR.Dintrenko và B.G.Mesiriakova, “Căng thẳng - trạng thái căng thẳng về tâm lý xuất hiện ở người trong quá trình hoạt động ở những điều kiện phức tạp, khó khăn của đời sống hàng ngày, cũng như trong những điều kiện đặc biệt” [7].

- Trong từ điển Tâm lý học của Andrew M. Colman, NXB Oxford Anh (2003) có cái nhìn tổng quát hơn: “Căng thẳng là trạng thái không thoải mái về thể lý và tâm lý, phát sinh do những tình huống, sự kiện, trải nghiệm, khó có thể chịu đựng được hoặc vượt qua, như những biến cố nghề nghiệp, kinh tế, xã hội, cảm xúc hoặc thể lý” [22].

- Còn theo từ điển Y học Anh-Việt (2007) NXB Bách Khoa: “Bất kỳ nhân tố nào đe dọa đến sức khoẻ cơ thể hay có tác động phương hại đến các chức năng cơ thể, như tổn thương, bệnh tật hay tâm trạng lo lắng thì đều gọi là căng thẳng” [1].

Dưới đây là một số định nghĩa theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu nước ngoài. Căng thẳng được cho là:

- Hans Selye (1907-1982), nhà sinh vật học Canada, coi căng thẳng là phản ứng sinh học không đặc hiệu của cơ thể trước những tình huống căng thẳng [51].

- Miller (1953) định nghĩa căng thẳng là bất cứ sự mạnh mẽ nào, quá khích hoặc những kích thích không thường xuyên trở thành mối đe dọa, nguyên nhân làm thay đổi có ý nghĩa đối với hành vi… [dẫn theo 51].

- Basowitz, Persky, Korchin và Grinker (1955) xem căng thẳng như kích thích tạo ra sự xáo trộn. Theo định nghĩa này kích thích trở thành tác nhân khi nó tạo ra hành vi căng thẳng hoặc phản ứng vật lý và phản ứng căng thẳng này được tạo ra bởi sự đòi hỏi, sự đe dọa hoặc sự quá tải [dẫn theo 51].

- M. Ferri ghi nhận mối liên hệ của con người với môi trường xung quanh, vừa là tác nhân kích thích, vừa là phản ứng của cơ thể trước tác nhân đó [5].

- Richard S. Lazarus (1966) Căng thẳng tâm lý là mối quan hệ đặc biệt giữa con người và môi trường. Trong đó mối quan hệ cá nhân đánh giá vượt quá các nguồn ứng phó của bản thân và có nguy hiểm với trạng thái tinh thần của cá nhân. Khái niệm này nhấn mạnh đế mối tương giao giữa con người và môi trường sống đồng thời ông cũng coi đây là một quá trình [dẫn theo 51].

- Bác sĩ Eric Albert, sự nỗ lực của cơ thể để thích nghi với những đổi thay. Căng thẳng còn là thuật ngữ chỉ sự quá tải về mặt thể chất và tinh thần.

- L.A.Kitaepxmưx nhận định nhưng nét không đặc hiệu của những biểu hiện sinh lý và tâm lý của cơ thể, nảy sinh trong mọi phản ứng của cơ thể [dẫn theo 8]. Theo ông, tính không đặc hiệu của các quá trình thích nghi tâm lý và sinh lý thể hiện - cả tiêu cực lẫn tích cực - khi gặp các tác động khác nhau về cường độ, trường độ và tầm quan trọng của nó đối với chủ thể.

- Philippe Loron, nhà thần kinh học người Pháp, đánh giá phản ứng thích nghi của cơ thể chúng ta với những ràng buộc bên ngoài. Nó cho phép tái lập sự cân bằng nội tại hoặc đảm bảo sự sinh tồn.

- Bruce Singh và Sidney Bloch coi các hoạt động hoặc các tình huống, gây ra cho con người những yêu cầu về cơ thể và tâm lý quá mức và đe dọa gây mất thăng bằng [dẫn theo 5].

- Cohen và Herbert (1996) và Lazarus (1993) đã đưa ra định nghĩa về căng thẳng (căng thẳng) “là một trạng thái cảm xúc tiêu cực xuất hiện nhằm phản ứng lại các sự kiện được xem là đòi hỏi sự cố gắng hoặc vượt quá các nguồn lực hay khả năng ứng phó của một người” [26; 47]. Các tác giả này đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhận thức và khả năng đánh giá của một người về các sự kiện gây ra căng thẳng. Một sự kiện có thể làm cho một số người bị căng thẳng nhưng người khác thì không.

Các sự kiện hay tình huống căng thẳng được gọi là các tác nhân gây căng thẳng (stressors). Căng thẳng xảy ra từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tâm lý học đã xác định một số nguyên nhân quan trọng chẳng hạn như các sự kiện cuộc sống hàng ngày, xung đột, và các yếu tố xã hội và văn hóa. Ngoài ra căng thẳng còn có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác.

Trên đây là định nghĩa về căng thẳng của các nhà nghiên cứu nước ngoài. Tại Việt Nam đa số các tác giả nghiên cứu căng thẳng sử dụng những khái niệm của các nhà nghiên cứu nước ngoài. Tuy nhiên cũng có một vài tác giả có ý kiến riêng của mình.

- Tác giả Tô Như Khuê quan niệm “căng thẳng chính là những phản ứng không đặc hiệu xảy ra một cách chung khắp, do các yếu tố có hại về tâm lý xuất hiện trong các tình thế mà con người chủ quan thấy là bất lợi hoặc rủi ro, ở đây vai trò quyết định không chủ yếu do các tác nhân kích thích, mà do sự đánh giá chủ quan về tác nhân đó”. Định nghĩa này đề cập đến vai trò của yếu tố nhận thức và thái độ của con người trong căng thẳng.

- Một số nhà tâm lý học khác như: Phạm Minh Hạc, Trần Trọng Thuỷ và Lê Khanh (1998) cho rằng: “Căng thẳng là những xúc cảm nảy sinh trong những tình huống nguy hiểm, hẫng hụt, hay trong những tình huống phải chịu đựng những nặng nhọc về thể

chất và tinh thần hoặc trong những điều kiện phải quyết định hành động nhanh chóng và trọng yếu” [14].

Có thể thấy, hiện nay có rất nhiều cách hiểu về căng thẳng. Có nhiều người nói đến căng thẳng như một nguyên nhân, có người nói đến như hậu quả. Có người nhìn nhận thuần tuý dưới góc độ sinh học, như là phản ứng mang tính sinh lý của cơ thể, trong khi các nhà tâm lý học đề cập đến cả yếu tố sinh học và tâm lý.

Trong luận án này, chúng tôi coi: Căng thẳng là trạng thái không thoải mái về mặt tâm lý xuất hiện khi cá nhân đánh giá chủ quan về sự kiện, hoàn cảnh bên ngoài như những tác nhân có tính chất đe dọa về mặt thể chất hoặc tinh thần.

b. Khái niệm căng thẳng của học sinh trung học phổ thông

Lứa tuổi học sinh THPT là thời kỳ muộn của tuổi vị thành niên. Đây là giai đoạn có sự chuyển giao lên giai đoạn phát triển lứa tuổi tiếp theo là tuổi trưởng thành. Chính vì vậy các hoạt động của lứa tuổi này cũng có sự giao hòa giữa những đặc điểm của tuổi vị thành niên với những hoạt động của tuổi trưởng thành. Vì thế căng thẳng của lứa tuổi này vừa mang đặc trưng chung của con người vừa mang đặc thù của lứa tuổi.

Sự phát triển tâm sinh lý của học sinh THPT mang đến không ít những khó khăn, mâu thuẫn cho lứa tuổi này. Bên cạnh đó học sinh THPT chưa có kỹ năng để ứng phó với những khó khăn của bản thân. Dựa vào khái niệm, đặc điểm của căng thẳng và đặc điểm lứa tuổi của học sinh THPT, theo chúng tôi, căng thẳng của học sinh THPT được hiểu là trạng thái không thoải mái về mặt tâm lý, xuất hiện khi học sinh đánh giá chủ quan sự kiện, biến cố có liên quan đến hoạt động sống và học tập, đòi hỏi các em sự nỗ lực cố gắng hoặc những biến cố này vượt quá các nguồn lực và gây hại cho các em.

Trong định nghĩa này có mấy điểm cần chú ý như sau: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Căng thẳng là một trạng thái tâm lý cá nhân được đặc trưng bởi tâm trạng không thoải mái. Sự không thoải mái có thể nhận thấy được về mặt thực thể, đồng thời vì đó là trạng thái tâm lý nên nó liên quan đến những quá trình tâm lý như cảm xúc, nhận thức, hành vi. Như vậy, cảm giác này có thể có những biểu hiện cả về mặt thực thể lẫn tâm lý (cảm xúc, nhận thức và hành vi).

- Theo dòng lý thuyết nhận thức hành vi thì căng thẳng xuất hiện khi cá nhân có những đánh giá chủ quan về sự kiện, biến cố từ môi trường bên ngoài mà các em thấy nó có thể gây hại cho mình. Những sự kiện này có thể xuất hiện từ toàn bộ hoạt động sống và học tập của các em, trở thành các tác nhân gây căng thẳng. Đây cũng là những sự kiện mà về mặt chủ quan các em cảm thấy có ý nghĩa và liên quan đến cuộc sống của cá nhân mình. Điều này có nghĩa, trong cùng một sự kiện có thể với một số học sinh là tác nhân gây ra căng thẳng, nhưng với học sinh khác thì không. Hay nói khác đi đây là những đánh giá mang tính chủ quan dựa trên những trải nghiệm cá nhân của các em học sinh.

- Một sự kiện có thể gây căng thẳng khi học sinh THPT đánh giá sự kiện này có thể mang tính đe dọa đối với mình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khi các em đánh một sự kiện không có gì đe dọa thì sẽ không cảm thấy căng thẳng. Mặt khác khi bị căng thẳng các em phải có nỗ lực hơn, cố gắng hơn mức bình thường để đối mặt với sự kiện. Nếu đối diện với 1 sự kiện mang tính đe dọa các em không có cảm giác mình phải nỗ lực, cố gắng hơn về mặt tâm lý hay nói khác đi khi không cảm thấy có áp lực về mặt tâm lý thì các em cũng không cảm thấy căng thẳng.

- Đánh giá một sự kiện có tính đe dọa nhưng các em thấy mình có đủ những nguồn lực có thể ứng phó với nó và các em nỗ lực cố gắng hơn để đối mặt, khi đó áp lực tâm lý có tác dụng tích cực và không dẫn tới căng thẳng. Khi các em đánh giá mình không có đủ nguồn lực hoặc vượt quá khả năng ứng phó, thì khi đó căng thẳng sẽ xuất hiện.

Như thế, định nghĩa này có thiên hướng nghiêng về các căng thẳng mang tính tiêu cực. Điều đó không có nghĩa là không tồn tại những căng thẳng mang tính tích cực, nhưng trong khuôn khổ luận án này chúng tôi tập trung vào những căng thẳng tiêu cực ở học sinh THPT.

Các biểu hiện của căng thẳng ở học sinh trung học phổ thông

Một phần của tài liệu căng thẳng của học sinh trung học phổ thông (Trang 40)