Đặc điểm phát triển tâm sinh lý của học sinh trung học phổ thông

Một phần của tài liệu căng thẳng của học sinh trung học phổ thông (Trang 52 - 57)

các nhà tâm lí học hiện đại cho rằng, cần phải có sự nghiên cứu phức hợp về lứa tuổi này từ các khía cạnh sinh học, tâm lí học và xã hội học với vị trí, vai trò của chúng, tìm ra những quy luật hoạt động bên trong cũng như mối tác động qua lại của chúng. Trong đó vai trò tích cực hoạt động của chủ thể trong hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của môi trường xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

* Sự phát triển về mặt thể chất:

Những kết quả nghiên cứu sự phát triển tâm, sinh lí của học sinh lứa tuổi này cho thấy đây là thời kì quan trọng của sự phát triển thể chất và đó là sự thay đổi có gia tốc. Biểu hiện cụ thể là: các tố chất thể lực như sức mạnh, sức bền, sự dẻo dai được tăng cường, có sự trưởng thành về giới tính, có sự ổn định và cân bằng hơn so với lứa tuổi trước đó trong các hoạt động của hệ thần kinh (hưng phấn, ức chế) cũng như các mặt phát triển khác về thể chất.

* Sự phát triển về mặt cảm xúc của học sinh THPT và căng thẳng

Ở lứa tuổi này, chất lượng các rung động trở nên phong phú hơn nhiều. Đi đôi với các đặc điểm đó là khả năng tự kiềm chế, tự điều chỉnh xúc cảm và hành vi của các em cũng được hình thành. Các em ngày càng nhạy cảm với những yếu tố mới và cởi mở hơn, được thể hiện ở chỗ: các em bắt đầu có những rung động sâu sắc với các quan hệ trong gia đình, trong nhà trường và đặc biệt là rất nhạy cảm với những rung cảm của người khác.

Trong giai đoạn này, thế giới tình cảm của các em cũng phát triển mạnh mẽ. Nó rất phong phú và đa dạng bao gồm: tình cảm thẩm mỹ, tình cảm lao động, tình cảm đạo đức, tình cảm trí tuệ, tình cảm mang tính thế giới quan… song nổi bật lên ở lứa tuổi này là quan hệ tình cảm gia đình, tình bạn và ở một số em đã xuất hiện tình yêu lứa đôi.

* Phát triển về mặt xã hội của học sinh trung học phổ thông và căng thẳng

- Mối quan hệ với bạn bè: bạn bè có ý nghĩa rất lớn đối với học sinh THPT. Thông qua bạn bè, các em tiếp thu cuộc sống xã hội, biết đến các giá trị mới như bình đẳng, sự chấp nhận, chia sẻ và quan tâm cũng như biết sâu sắc hơn các chuẩn mực xã hội và vai trò của bản thân.

Nhu cầu tâm tình chia sẻ với bạn cùng tuổi ở lứa tuổi này là rất lớn. Có thể thấy rằng, quan hệ với bạn cùng tuổi chiếm vị trí lớn hơn hẳn so với các mối quan hệ khác. Các nhà tâm lý học đã nghiên cứu và kết luận rằng: “Tình bạn ở lứa tuổi này là sự bình đẳng trao đổi ý kiến về mọi vấn đề băn khoăn, thầm kín – những điều mà các em khó tâm sự với cha mẹ và những người lớn xung quanh. Bởi vì với các em, bạn là người hiểu mình nhất và dễ dàng chia sẻ nhất”. Vì vậy, các em thường gắn bó với tập thể, với bạn bè hơn với bố mẹ và những xung quanh.

Một công trình nghiên cứu của Crickszent và cộng sự, năm 1977 đã cho thấy rằng: “thanh niên trò chuyện với bạn bè cùng trang lứa cao gấp 4 lần so với người lớn chuyên trò với bạn bè mình”, nhu cầu được trò chuyện với bạn bè cao hơn rất nhiều so với những người trong gia đình. Bởi khi trò chuyện với bạn bè cùng trang lứa các em dần dần xác định được bản sắc riêng của mình, xác định được mẫu hình cũng như kiểu quan hệ mình sẽ theo đuổi. Song song với nhu cầu kết bạn thì các em cũng lo lắng nhiều khả năng bị loại trừ khỏi nhóm, và đây cũng là nguyên nhân gây ra căng thẳng cho học sinh THPT [30].

- Mối quan hệ với cha mẹ: cùng với tình cảm bạn bè thì tình cảm với gia đình ở lứa tuổi này cũng có nhiều thay đổi. Các em dần dần bình đẳng và tự lập hơn trong các mối quan hệ với gia đình. Sự tự lập được thể hiện ở trên cả ba mặt tình cảm, nhận thức và hành vi. Mối quan hệ này phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, theo các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi này thì đây là lứa tuổi có nhiều xung đột nhất. Sở dĩ có sự xung

đột này do nhiều nguyên nhân. Trong đó có thể kể đến sự không nhất quán giữa phát triển thể chất với cương vị xã hội của các em đã tạo ra sự căng thẳng trong các em. Ở giai đoạn cuối tuổi vị thành niên, các em thường đã phát triển đầy đủ phẩm chất và thể lực của người lớn, thế nhưng theo nhiều cách khác nhau lại được ứng xử như một đứa trẻ.

Cũng trong mối quan hệ cha mẹ – con cái giai đoạn này xuất hiện mâu thuẫn giữa khả năng của các em và kỳ vọng của cha mẹ trong vấn đề học tập. Biểu hiện rõ nét nhất về kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái là cho con đi học thêm rất nhiều, hay so sánh con mình với những bạn học giỏi, coi thành công của những trẻ khác là chuẩn mực bắt con mình noi theo… tất cả những điều này đôi khi đã tạo ra những áp lực cho con cái khi chúng không đủ năng lực để thực hiện những kỳ vọng của cha mẹ.

Với học sinh THPT, các em thường cảm thấy mình đã lớn. Danh dự, lòng tự trọng xuất hiện trong các em. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ đã vô tình hay cố ý có những lời nói và hành động xúc phạm đến danh dự của các em bằng những lời đay nghiến, mắc nhiếc, sỉ vả… Khi phải đối mặt với những hành động này các em thường có những phản ứng tiêu cực như cãi lại, giận dỗi, khóc, bỏ đi… Đây có thể xem như tác nhân gây căng thẳng lớn ở học sinh THPT.

* Sự phát triển tự ý thức của học sinh THPT và căng thẳng

Sự phát triển tự ý thức là một quá trình lâu dài và trải qua những mức độ khác nhau, sự phát triển tự ý thức là một đặc điểm nổi bật trong sự phát triển nhân cách của học sinh THPT, đồng thời nó có ý nghĩ to lớn đối với sự phát triển tâm lý của các em. Quá trình này rất phong phú và phức tạp, mang đến không ít những khó khăn ngay trong chính bản thân các em.

Tuổi THPT là lứa tuổi phát triển mạnh “Tự ý thức”, phát triển mạnh “Cái tôi”, là lứa tuổi biểu hiện và ý thức về cá tính của mình rất rõ nét. Tự ý thức về cái tôi, về cá tính của mình là đặc điểm tâm lí quan trọng của lứa tuổi này và được thể hiện qua việc tự ý thức về mình trong thời điểm hiện tại; cố gắng để trở thành một người như thế nào đó; ý thức mình phải trở thành người như thế nào cho phù hợp với chuẩn mực xã hội; muốn trở thành một con người, mà, trên thực tế khó có thể trở thành hiện thực.

Ở thời kì đầu của lứa tuổi THPT, cảm giác mình đã trưởng thành và mong muốn trưởng thành của học sinh thể hiện rất rõ nét ở chỗ: các em không chỉ tự cảm nhận thấy mà còn đòi hỏi người lớn (cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo…) thừa nhận tính tự chủ, độc lập của mình, tính tự lập ở mình. Chính điều này làm nảy sinh mâu thuẫn giữa nhu cầu và khả năng hiện có; giữa địa vị mong muốn và địa vị thực tế. Tuy nhiên, các em mới chỉ trưởng thành về mặt thể chất, nhưng chưa trưởng thành về mặt xã hội một cách đầy đủ, và chưa thể được nhìn nhận như người lớn. Đa phần các em còn phụ thuộc và sống dựa vào cha mẹ. Trong khi đó các em lại muốn được nhìn nhận bình quyền như người lớn. Có thể nói đây là áp lực không nhỏ gây ra căng thẳng ở học sinh THPT.

Cùng với sự phát triển mạnh về cái tôi, học sinh THPT rất dễ bị kích động, lôi kéo, luôn muốn chứng tỏ mình là người lớn nhưng hành động nhiều khi mang tính trẻ con. Cũng ở tuổi này các em quan tâm nhiều đến hình ảnh về thân thể, đây là thành tố quan trọng của sự tự ý thức ở thanh niên mới lớn. Một số em có cảm giác lo lắng, bất an về một bộ phận nào đó trên cơ thể phát triển không được cân đối hoặc cảm thấy cơ thể mình nhỏ bé hơn so với bạn cùng trang lứa.

Có thể thấy những đặc điểm phát triển tâm sinh lý của học sinh THPT giai đoạn này có liên quan nhiều đến biểu hiện căng thẳng, các tác nhân gây căng thẳng và đánh giá của các em về các tác nhân này, cũng như cách ứng phó với căng thẳng mang đặc trưng hoạt động và phát triển của lứa tuổi này.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 1

Tổng quan các nghiên cứu về căng thẳng cho thấy có nhiều cách tiếp cận về vấn đề này như sinh học, môi trường và tâm lý học. Tiếp cận tâm lý học cũng bao gồm trong đó nhiều luận điểm lý thuyết khác nhau (phản ứng bên trong, ảnh hưởng của môi trường bên ngoài và tương tác). Trên cơ sở phân tích cách luận điểm lý thuyết khác nhau, luận điểm tương tác được chọn làm quan điểm tiếp cận cho luận án này. Cách tiếp cận này nghiên cứu căng thẳng của học sinh THPT như một sự tương tác giữa cá nhân và sự kiện bên ngoài thông qua đánh giá chủ quan của mỗi người.

Khái niệm cơ sở Căng thẳng của học sinh THPT đã được đưa ra dựa trên tổng hợp nhiều quan niệm khác nhau về căng thẳng và đặc điểm tâm lý của lứa tuổi học sinh THPT của các học giả trong nước và nước ngoài. Những chiều cạnh khác nhau của căng thẳng (các tác nhân gây căng thẳng, các biểu hiện của căng thẳng, mức độ

căng thẳng, đánh giá cá nhân, ứng phó với căng thẳng ...) cũng được phân tích, tổng hợp để hình thành cơ sở lý luận cho nghiên cứu thực tiễn, phù hợp với mục tiêu và giả thuyết nghiên nghiên cứu đã đề ra.

CHƯƠNG 2: TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. NGHIÊN CỨU LÝ LUẬN

Mục đích nghiên cứu

Một phần của tài liệu căng thẳng của học sinh trung học phổ thông (Trang 52 - 57)