b. Thí nghiệm về vật liệu trú ẩn
3.7.4. Thả lươn giống
Chọn lươn giống khỏe mạnh, không bị xây xát do quá trình đánh bắt hay vận chuyển, kích cỡ giống tương đối đồng đều 40-50 con/kg. Mật độ thả: 1 kg/m2.
Do con giống được khai thác từ tự nhiên nên chất lượng thường không ổn định. Vì vậy, cần có quá trình nuôi hồi phục lươn trước khi chính thức thả nuôi. Nuôi hồi phục kéo dài khoảng 1 tháng, lươn được thả nuôi với mật độ từ 75-100 con/m2. Có thể
sử dụng mô đất (như trình bày bên trên) hoặc dây nylon buột thành túm thả vào trong bể làm vật liệu trú ẩn. Những con lươn yếu thường không qua khỏi giai đoạn này. Thực hiện thêm giai đoạn nuôi hồi phục sẽ giúp người nuôi chủ động trong việc bổ sung con giống trong trường hợp chất lượng con giống kém, hao hụt nhiều và đỡ mất công chăm sóc hơn so với việc sớm bố trí ra bể lớn. Sau quá trình nuôi hồi phục, những con lươn khỏe mạnh được thả nuôi trong các bể nuôi thương phẩm. Như vậy, chất lượng lươn giống trong bể nuôi sẽ ổn định.
3.7.5. Phương pháp cho ăn và chế độ chăm sóc quản lý
Có thể sử dụng 2 loại thức ăn là thức ăn tươi hoặc thức ăn chế biến để nuôi lươn. Thức ăn tươi có thể là ốc bươu vàng, cá tạp, hến .... tùy thuộc vào nguồn thức ăn sẵn có, rẻ tiền ở từng địa phương mà chọn lựa. Không cho lươn ăn thức ăn đã ương thối. Vùng nông thôn có nhiều ốc bươu vàng, giá thành hạ, thì người nuôi nên cho lươn ăn loại thức ăn này. Vì ngoài góp phần diệt địch hại cho cây lúa, ốc bươu vàng còn là loại thức ăn giàu dinh dưỡng và ít làm ô nhiễm môi trường nước. Có thể cho lươn ăn thức ăn chế biến gồm ốc bươu vàng và thức ăn công nghiệp dành cho cá với tỉ lệ 2:1. Thức ăn được xay nhuyễn, trộn với chất kết dính (bột gòn hoặc bột keo) trước khi cho vào sàng ăn. Bổ sung vitaminC, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho lươn và giúp tiêu hóa thức ăn tốt. Liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất (liều lượng 5 g vitamin C/kg thức ăn, liều lượng 1-2 g men tiêu hóa /kg thức ăn).
Lươn chịu đói được lâu, nhưng trong quá trình nuôi không thể để lươn bị lúc no, lúc đói. Cho lươn ăn mỗi ngày một lần vào lúc chiều tối. Khẩu phần thức ăn 5-8% khối lượng thân. Có sự điều chỉnh thức ăn theo nhu cầu sử dụng. Thức ăn dư thừa phải được loại bỏ khỏi bể vào lúc sáng sớm để tránh làm ô nhiễm môi trường nước.
Thường xuyên theo dõi những dấu hiệu bất thường của lươn để có biện pháp xử lý kịp thời.