Bể nuôi và chuẩn bị bể nuôi

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm nguồn giống và ảnh hưởng của mật độ nuôi, thức ăn đến lươn đồng ( monopterus albus) nuôi tại ba tri, bến tre (Trang 52)

b. Thí nghiệm về vật liệu trú ẩn

3.7.2. Bể nuôi và chuẩn bị bể nuôi

Lươn là loài sống chui rúc dưới bùn nên điều kiện tiên quyết để nuôi lươn là phải đảm bảo lươn không bò trốn đi mất và tạo môi trường sống tương tự với chúng như ở ngoài tự nhiên.

Bể nuôi được làm bằng bạt không thấm nước, bể có kích thước 1,6 x 2,5 x 0,8 m với tổng diện tích bề mặt 4 m2. Trong thực tế sản xuất, tùy điều kiện đất đai và đầu tư của từng nông hộ mà thiết kế bể nuôi lớn nhỏ khác nhau. Diện tích bể có thể lên đến 50 m2, miễn sao phải đảm bảo được độ cao cần thiết, khoảng 0,8-1m. Có thể tận dụng các loại cây gỗ sẵn có như tre, trúc, bạch đàn, trâm bầu, tràm …để cố định hình dáng bể nuôi. Đáy bể có lỗ thoát nước hình tròn, đuợc làm bằng ống nhựa P VC, có đường kính 8-10 cm, hoặc lớn hơn nếu diện tích bể nuôi lớn. Lỗ thoát nước được đóng chặt bởi bộ van khóa hay đơn giản hơn chỉ với nút cây quấn nylon.

Chuẩn bị bể nuôi: các vật liệu làm nơi trú ẩn cho lươn chỉ được sắp xếp ở ½ bể, phần còn lại để trống, cụ thể như sau:

Dưới đáy bể đặt một lớp đất sét dày khoảng 10 cm, loại đất này được lấy từ mặt ruộng. Sau đó, xếp 10 cm rơm đã được thả ngâm trong ao khoảng một tuần lên phía trên. Tiếp theo là lớp thân chuối dày 10 cm. Các thân chuối này đã được chặt trước 2 tuần, cắt nhỏ và phơi khô. Kế đến là lớp phân bò khô, cũng dày 10 cm và trên cùng là lớp đất ruộng dày 10-20cm.

Cho nước vào bể, nguồn nước mặt lấy từ ao lắng, mực nước cao hơn lớp đất trên cùng 15-20 cm, và để cho các vật liệu trong bể phân hủy trong 1 tuần.

Tháo cạn nước và cho nước mới vào. Việc này được lặp đi lặp lại trong khoảng 4 tuần, cho đến khi váng bọt không còn xuất hiện.

Trước khi thả lươn vào nuôi thì kiểm tra các yếu tố môi trường nước (pH, nhiệt độ, NH3, NO2, H2S) hay thả thử cá (rô phi, chép, sặc rằn, mè...) vào bể để kiểm tra xem bể nuôi có thể sử dụng được chưa. Sau 3 ngày, nếu cá không chết và các yếu tố môi trường nước (pH, nhiệt độ, NH3, NO2, H2S) trong giới hạn cho phép thì bắt đầu thả lươn vào nuôi. Nếu cá chết thì tiếp tục thực hiện quy trình thay nước và ngâm bể cho các vật liệu phân hủy hoàn toàn.

Sau khi thả lươn vào, giữ mức nước trong bể 40-50 cm và mức nước này thấp hơn mô đất làm chỗ trú ẩn cho lươn từ 10-20 cm. Trồng rau muống, cỏ nước lên mô đất, để chúng phát triển che kín toàn bộ mô đất, giúp che mát cho bể. Ngoài ra bể nuôi còn được che mát bằng lưới ruồi vào buổi trưa vào những ngày nắng gắt từ 10 h-15 h.

3.7.3. Nguồn nước và chế độ thay nước

Sử dụng nguồn nước mặt từ sông, suối, kênh, mương, chất lượng nước tốt để thay nước cho bể lươn. Tốt nhất, nếu có ao lắng nên lấy nước vào ao và sử dụng nguồn nước mặt từ ao lắng để thay nước.

Chế độ thay nước: 2-3 lần/tuần, vào buổi sáng và khi cần thiết. Mỗi lần thay 100% nước.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm nguồn giống và ảnh hưởng của mật độ nuôi, thức ăn đến lươn đồng ( monopterus albus) nuôi tại ba tri, bến tre (Trang 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(71 trang)