Tình hình phát triển HTX trên thế giới

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG của các hợp tác xã DỊCH vụ NÔNG NGHIỆP TRÊN địa bàn HUYỆN THẠCH THÀNH (Trang 34 - 39)

2.2.1.1 Lịch sử hình thành và phát triển HTX trên thế giới

HTX là hình thức tổ chức kinh tế có lịch sử lâu đời và phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vào những năm đầu thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tư bản bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, lực lượng sản xuất phát triển như vũ bão kéo theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Người sản xuất buôn bán nhỏ phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Để tồn tại được trong nền kinh tế thị trường, họ phải liên kết với nhau và HTX đầu tiên ra đời. Năm 1844, một nhóm công nhân ở Rochdale – vương quốc Anh- đã thành lập HTX đầu tiên lấy tên là “hội những người khởi đầu sự công bằng ở Rochdale”.

Việc thành lập HTX ở Rochdale đã lan rộng ra toàn nước Anh và các nước khác. Đến cuối thế kỷ XIX, HTX ở nhiều nước trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Đầu thế kỷ XX, tư tưởng HTX đã ảnh hưởng đến các nước Châu Á bằng nhiều con đường khác nhau. Kết quả là HTX được thành lập ở rất nhiều nước như Philipines (1896), Ấn Độ (1899), Nhật (1900), Thái Lan (1916). Sau khi xuất hiện, mô hình HTX ở các nước này phát triển cả về số lượng và chất lượng, buộc Chính phủ phải ban hành luật HTX để điều chỉnh hoạt động như Ấn Độ (1912), Philipines (1915), Thái Lan (1948).

Hiện nay, mô hình HTX trên thế giới hoạt động ở những lĩnh vực sau:

o Mở rộng thị trường vốn, thu hút tiền nhàn rỗi và cho vay đến hộ xã viên

o Cung ứng tư liệu sản xuất cho các thành viên

o Thực hiện các chức năng dịch vụ và hướng dẫn cho hoạt động kinh tế của thành viên

o Là chủ thể trung gian giải quyết mối quan hệ giữa các đơn vị kinh doanh nhỏ với nhà nước (Nguyễn Công Bình, 2007).

2.2.1.2 Bài học kinh nghiệm từ sự phát triển HTX trong nước và kinh nghiệm các nước

Nhật Bản

Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, các HTX nông nghiệp Nhật Bản được tổ chức theo ba cấp: Liên đoàn toàn quốc HTX nông nghiệp; Liên đoàn HTX nông nghiệp tỉnh; HTX nông nghiệp cơ sở.

Các HTX nông nghiệp cơ sở gồm hai loại: đơn chức năng và đa chức năng. Từ năm 1961 trở về trước, các HTX đơn chức năng khá phổ biến. Nhưng từ năm 1961 trở về đây, do chính phủ Nhật Bản khuyến khích hợp nhất các HTX nông nghiệp nhỏ thành HTX nông nghiệp lớn, nên mô hình hoạt động chủ yếu của HTX nông nghiệp Nhật Bản hiện nay là đa chức năng. Các HTX nông nghiệp đa chức năng chịu trách nhiệm đối với nông dân trên tất cả các lĩnh vực dịch vụ như cung cấp nông cụ, tín dụng, mặt hàng, giúp nông dân chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo hiểm cho hoạt động của nông dân.

Các HTX còn là diễn đàn để nông dân kiến nghị Chính phủ các chính sách hợp lý cũng như tương trợ lẫn nhau giữa các HTX và địa phương.

Ngoài ra, các HTXNN Nhật Bản còn tiến hành các nhiệm vụ giáo dục xã viên tinh thần HTX thông qua các tờ báo, phát thanh, hội nghị, đào tạo, tham quan ở cả ba cấp HTXNN cơ sở, tỉnh và Trung ương (Phan Trọng An, 2011).

Ấn Độ

Tổ chức HTX ra đời từ lâu và chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế của nước này. Trong đó, Liên minh HTX Quốc gia Ấn Độ (NCUI) là tổ chức cao nhất, đại diện cho toàn bộ HTX ở Ấn Độ. Mục tiêu chính của NCUI là hỗ

trợ và phát triển phong trào HTX ở Ấn Độ, giáo dục và hướng dẫn nông dân cùng nhau xây dựng và phát triển HTX. Do có các chính sách và phân cấp đào tạo hợp lý nên Ấn Độ đã có một đội ngũ cán bộ có trình độ cao, thúc đẩy khu vực kinh tế HTX phát triển, và mô hình HTX trở thành lực lượng vững mạnh, tham gia vào hầu hết các hoạt động kinh tế của đất nước.

Nhận thức rõ vai trò của các HTX chiếm vị trí trọng yếu trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, Chính phủ Ấn Ðộ đã thành lập công ty quốc gia phát triển HTX, thực hiện nhiều dự án khác nhau trong lĩnh vực chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, hàng tiêu dùng, lâm sản và các mặt hàng khác, đồng thời thực hiện các dự án về phát triển những vùng nông thôn còn lạc hậu. Ngoài ra, Chính phủ đã thực hiện chiến lược phát triển cho khu vực HTX như xúc tiến xuất khẩu; sửa đổi Luật HTX, tạo điều kiện cho các HTX tự chủ và năng động hơn; chấn chỉnh hệ thống tín dụng HTX; Thiết lập mạng lưới thông tin hai chiều giữa những người nghèo nông thôn với các tổ chức HTX; bảo đảm trách nhiệm của các liên đoàn HTX đối với các HTX thành viên (Nguyễn Hữu Tiến, 1996).

Thái Lan

HTX tín dụng nông thôn Thái Lan được thành lập từ lâu. Do hoạt động của HTX này có hiệu quả, nên hàng loạt HTX tín dụng được thành lập khắp cả nước. Cùng với sự phát triển của các HTX tiêu dùng, các loại hình HTXNN, công nghiệp cũng được phát triển mạnh, và trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế của đất nước cũng như giữ vững ổn định xã hội.

Liên đoàn HTX Thái Lan (CLT) được thành lập, là tổ chức HTX cấp cao quốc gia, thực hiện chức năng đại diện, hỗ trợ, giáo dục và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các HTX và xã viên theo luật định.

Hiện nay, Thái Lan có một số mô hình HTX tiêu biểu: HTXNN và HTX tín dụng. HTXNN được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu của xã viên

trong các lĩnh vực: Vay vốn, gửi tiền tiết kiệm và tiền ký quỹ, tiêu thụ sản phẩm, tiếp thị, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và các dịch vụ khác. Thông qua sự trợ giúp của Chính phủ, Ngân hàng Nông nghiệp và HTXNN, xã viên được vay vốn với lãi suất thấp với thời hạn ưu đãi thích hợp cho việc kinh doanh hoặc sản xuất của họ. Hoạt động của HTX tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu của xã viên về các lĩnh vực: Khuyến khích gửi tiền tiết kiệm của các xã viên; góp cổ phần; cung cấp các dịch vụ vốn vay cho xã viên.

Chính phủ Thái Lan đã ban hành nhiều chính sách thiết thực như chính sách giá, tín dụng nhằm khuyến khích nông dân phát triển sản xuất. Mục tiêu của chính sách giá cả là: Đảm bảo chi phí đầu vào hợp lý để có giá bán ổn định cho người tiêu dùng, đồng thời góp phần làm ổn định giá nông sản tại thị trường trong nước, giữ giá trong nước thấp hơn giá thị trường thế giới, khuyến khích xuất khẩu. Với chính sách tín dụng, các xã viên có thể vay tín dụng từ các HTXNN, các cơ quan chính phủ, các ngân hàng thương mại để đầu tư vào sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho nông nghiệp (Nguyễn Hữu Tiến, 1996).

Như vậy, cách thức quản lý và chiến lược phát triển HTX của các nước trên thế giới có rất nhiều ưu điểm mà trong quá trình phát triển và xây dựng HTX nước ta cần học tập. Từ những bài học kinh nghiệm rút ra qua các nước mà cơ quan nhà nước, chính phủ đưa ra được các cách thức quản lý, chiến lược, phương hướng hoạt động hợp lý và đúng đắn hơn để từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trong nước.

Một số vấn đề và bài học rút ra cho Việt Nam (Phan Trọng Anh, 2011)

Thứ nhất, để giúp các hộ nông dân cải thiện điều kiện sống và phát triển sản xuất, cần phải liên kết các hoạt động đầu ra, đầu vào cho họ dưới hình thức tốt nhất là HTXNN. Các giá trị cơ bản của HTX chỉ có được khi HTX thực sự hoạt động theo nguyên tắc tự lực, tự chịu trách nhiệm, quản lý dân chủ, hiệu quả hoạt động cao, có sự tương trợ lẫn nhau.

Thứ hai, để HTXNN ra đời và phát triển tốt rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về các mặt: tạo khuôn khổ luật pháp; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn nhất là đường giao thông, điện, nước; tuyên truyền, khuyến khích, quảng bá cho các HTX. Nhà nước cần giúp đỡ HTX thực thi kiểm soát bằng các chế định luật hạn chế ban lãnh đạo HTX lũng đoạn, trá hình doanh nghiệp tư nhân dưới lốt HTX để hưởng ưu đãi.

Thứ ba, tiêu thụ được sản phẩm cho hộ nông dân với giá phải chăng và chi phí thấp chính là sự hỗ trợ đáng giá mà các hộ nông dân Việt Nam đang cần.

Thứ tư, HTXNN phải được tổ chức ở những khâu nào mà HTX làm thì tốt hơn hộ gia đình, tốt hơn tư nhân, thậm chí tốt hơn cả doanh nghiệp Nhà nước. Do đó lựa chọn khâu nào để HTX làm là hết sức quan trọng. Kinh nghiệm của Nhật Bản chỉ ra rằng bốn khâu: cung ứng vật tư, hàng hoá tiêu dùng, tín dụng tương hỗ, tiêu thụ sản phẩm và khuyến nông là rất phù hợp với HTX. Nhưng để chiến thắng tư nhân thì HTX nên tổ chức theo kiểu đa năng và tuyển chọn người giỏi làm giám đốc để quản lý, điều hành. Cán bộ là khâu rất quan trọng, có tính chất quyết định đến sự tồn tại và hiệu quả hoạt động của HTX.

Thứ năm, theo kinh nghiệm của Nhật Bản cần đề cao vấn đề giáo dục đào tạo nhân lực cho HTX. Chú trọng đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ tư vấn cho HTX và nông dân. Đặc biệt, các HTX cần coi trọng hoạt động khuyến nông, coi đây là phương tiện cơ bản giúp nông dân vượt khó, xoá nghèo để vươn lên làm giàu. HTXNN phải coi cải tạo tư tưởng phong cách, lề lối, tập quán sản xuất của nông dân là mục tiêu của mình thì mới giúp ích nhiều cho nông dân và giúp hộ nông dân phát triển lực lượng sản xuất để cạnh tranh hiệu quả với nông dân thế giới trong nền kinh tế toàn cầu và chắc chắn 100% nông dân sẽ trở thành xã viên của HTX như ở Nhật Bản. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG của các hợp tác xã DỊCH vụ NÔNG NGHIỆP TRÊN địa bàn HUYỆN THẠCH THÀNH (Trang 34 - 39)