Chương 1 TỔNG QUAN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ
2.1. Chức năng quản lý nhà nước về kinh tế
2.1.3. Các chức năng quản lý nhà nước về kinh tế theo giai đoạn tác động
2.1.3.1. Chức năng hoạch định phát triển kinh tế
Hoạch định phát triển kinh tế là quyết định trước những nhiệm vụ, những mục tiêu và các giải pháp phát triển kinh tế đất nước trong khoảng thời gian dài thường là 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn.
Vai trò của chức năng hoạch định:
- Hoạch định quyết định sự vận động và phát triển đất nước, đồng thời xác định một hệ thống mục tiêu phát triển và phương thức đạt tới mục tiêu đó;
- Hoạch định tạo điều kiện cho việc thực hiện các chức năng khác của quản lý nhà nước về kinh tế. Không thực hiện tốt chức năng định hướng, các chức năng khác không thể thực hiện tốt và vì vậy toàn bộ quá trình quản lý sẽ kém hiệu quả;
- Hoạch định đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định, khai thác huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển, tránh được những rủi ro kinh tế và xã hội cho đất nước.
Nội dung của chức năng hoạch định:
- Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; - Xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; - Lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; - Lập kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm;
- Xây dựng các chương trình quốc gia.
2.1.3.2. Chức năng tổ chức điều hành nền kinh tế
Chức năng tổ chức điều hành nền kinh tế của nhà nước là tập hợp những nhiệm vụ mà nhà nước phải thực hiện nhằm thiết lập một hệ thống quản lý và hệ thống sản xuất của nền kinh tế quốc dân cũng như vận hành hệ thống đó hoạt động theo định hướng của kế hoạch.
Nội dung của chức năng tổ chức và điều hành nền kinh tế:
- Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế từ trung ương đến địa phương: + Xây dựng và hoàn thiện thể chế hành chính kinh tế;
+ Thiết lập cơ cấu tổ chức và cơ cấu vận hành của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế các cấp;
+ Xây dựng đội ngũ công chức hành chính - kinh tế. - Tổ chức bộ máy sản xuất nền kinh tế quốc dân: + Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế;
+ Thiết lập hệ thống kinh tế bao gồm các đơn vị kinh tế theo ngành, theo thành phần kinh tế, theo vùng và theo loại hình sản xuất kinh tế cũng như các trung tâm khoa học, đào tạo và các đơn vị sự nghiệp, phục vụ cho phát triển kinh tế;
+ Đào tạo nhân lực cho các đơn vị, các ngành kinh tế;
+ Hình thành và hoàn thiện hệ thống chuẩn mực cho hoạt động kinh tế của các đơn vị và cá nhân.
- Đảm bảo sự vận hành bộ máy quản lý và sản xuất hoạt động theo hướng kế hoạch:
+ Phối hợp hoạt động giữa các đơn vị trong hệ thống quản lý và hệ thống sản xuất nhằm đạt mục tiêu chung của nền kinh tế quốc dân;
+ Hướng dẫn đôn đốc những đơn vị trong hệ thống quản lý và sản xuất thực hiện theo định hướng và pháp luật;
+ Xử lý những trục trặc thực tế để đảm bảo cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân theo định hướng kế hoạch;
+ Tìm những giải pháp mới cho phát triển kinh tế.
2.1.3.3. Chức năng kiểm soát sự phát triển kinh tế
Chức năng kiểm soát sự phát triển nền kinh tế quốc dân là tổng thể những hoạt động của nhà nước nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những sai sót, ách tắc, khó khăn vướng mắc cũng như những cơ hội phát triển kinh tế nhằm đảm bảo cho nền kinh tế hoạt động đúng định hướng kế hoạch và có hiệu quả.
* Nội dung chức năng kiểm soát sự phát triển kinh tế
- Kiểm soát việc sử dụng các nguồn lực của đất nước.
- Kiểm soát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước. - Kiểm soát việc thực hiện các chức năng của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý kinh tế.
- Kiểm soát tính hợp lý của các công cụ, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực kinh tế để đảm bảo tính chất thúc đẩy kinh tế của chúng, kiểm soát lạm phát và biến động kinh tế trong nước.
* Hình thức của chức năng kiểm soát
- Giám sát:
Giám sát là chức năng kiểm định của cơ quan quyền lực nhà nước. Chức năng này xuất phát từ địa vị chính trị - pháp luật của Quốc hội, Hội đồng nhân dân là cơ quan trực tiếp nhận quyền lực từ nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện mọi quyền của Nhà nước. Mặt khác, chức năng giám sát còn xuất phát từ quyền ban hành luật (Quốc hội) và những nghị quyết mà những cơ quan hành chính nhà nước phải chấp hành. Ngoài chức năng lập hiến, lập pháp, Quốc hội còn thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước, thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội.
- Kiểm tra:
Kiểm tra được hiểu là hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước cấp trên với cơ quan nhà nước cấp dưới nhằm xem xét, đánh giá mọi hoạt động của cấp dưới khi cần thiết hoặc kiểm tra cụ thể một quyết định nào đó. Hoạt động kiểm tra trong cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế bao gồm kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chung, kiểm tra chức năng và kiểm tra nội bộ.
- Thanh tra:
Thanh tra là phạm trù để chỉ hoạt động của các tổ chức thuộc Tổng thanh tra Chính phủ và Thanh tra Nhà nước chuyên ngành (Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở). Trong quá trình thanh tra, cơ quan thanh tra có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế để đảm bảo công tác thanh tra, kể cả các biện pháp trách nhiệm kỉ luật như tạm đình chỉ công tác và xử lý vi phạm hành chính...
- Kiểm sát:
Kiểm sát là hoạt động bảo đảm pháp chế đặc biệt của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp. Hoạt động kiểm sát chung của Viện Kiểm sát nhằm đảm bảo tính hợp pháp
trong các hành vi, văn bản pháp quy của các cơ quan hành chính nhà nước; sự tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật của những người có chức vụ và công dân trong xã hội.
- Kiểm toán nhà nước:
Kiểm toán nhà nước là hoạt động kiểm tra nhằm xác định tính đúng đắn, hợp pháp của các tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế nhà nước và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp. Hoạt động kiểm toán nhà nước gồm: kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ.