Chương 1 TỔNG QUAN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ
3.2. Công cụ quản lý nhà nước về kinh tế
3.2.2. Các công cụ quản lý chủ yếu của nhà nước về kinh tế
3.2.2.1. Hệ thống pháp luật
Đây là loại công cụ tác động mang tính chất bắt buộc. Pháp luật xác định hành lang vận động cho đối tượng quản lý, dựa trên cơ sở chức năng quản lý và uy quyền của nhà nước.
* Vai trò của pháp luật kinh tế trong quản lý nhà nước về kinh tế
Pháp luật kinh tế bao gồm tổng thể những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến sự tồn tại vận hành của nền kinh tế. Những văn bản pháp luật đó quy định cụ thể các quy tắc xử sự bắt buộc do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận mà mỗi cá nhân hay tổ chức kinh tế buộc phải tuân theo để hành vi ứng xử của họ phù hợp với những quan hệ kinh tế khách quan và với lợi ích chung của xã hội.
Đối tượng điều chỉnh của pháp luật kinh tế là các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực sản xuất, phân phối lưu thông, tiêu dùng và trong quá trình vận hành nền kinh tế. Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia những quan hệ đó được nhà nước quy định và được đảm bảo thực hiện bằng pháp luật. Bằng cách đó pháp luật tác động chi phối hành vi kinh tế của đối tượng quản lý cũng như chủ thể quản lý.
Do vậy, pháp luật tồn tại với tư cách là một công cụ quản lý đối với kinh tế và vai trò quan trọng thể hiện ở các khía cạnh sau đây:
Một là, pháp luật xác lập cơ sở pháp lý, bảo vệ và hỗ trợ cho việc hình thành, phát triển đồng bộ cơ chế thị trường. Dựa trên nhận thức đúng đắn, khách quan và khoa học các quy luật vận động của nền kinh tế theo cơ chế thị trường, nhà nước ban hành các văn bản pháp quy nhằm tổ chức có tính chất Nhà nước các quan hệ kinh tế khách quan phù hợp với cơ chế mới. Mặt khác nhờ sự hỗ trợ và bảo vệ của pháp luật mà ý thức tôn trọng, tuân thủ các quan hệ kinh tế khách quan của các bên tham gia sẽ điều chỉnh hành vi kinh tế của họ, tạo điều kiện để phát triển các mối quan hệ đã được luật pháp xác định. Như vậy, pháp luật giữ vai trò là yếu tố tạo dựng, hỗ trợ và bảo vệ cho sự hình thành và phát triển các quan hệ kinh tế theo định hướng của nhà nước.
Hai là, xác lập trật tự và môi trường kinh doanh lành mạnh cho các chủ thể kinh tế. Bằng việc tổ chức có tính chất nhà nước của các quan hệ kinh tế khách quan dưới hình thức quyền và nghĩa vụ cơ bản, về thực chất pháp luật đã xác định trật tự và môi trường kinh doanh lành mạnh cho mọi hoạt động kinh tế. Bởi vì quyền và nghĩa vụ thể hiện ở sự phân cấp và thẩm quyền, điều kiện thực hiện, phạm vi và trình tự thực hiện, những điều được làm và không được làm... mà pháp luật xác định luôn hàm chứa những yếu tố của một trật tự. Ví dụ: Trật tự và môi trường kinh doanh có thể bị phá vỡ bởi cạnh tranh không lành mạnh do thiếu luật bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, luật quảng cáo... hoặc một thị trường thống nhất có thể bị phá vỡ nếu thẩm quyền của các cấp, các ngành các địa phương không được pháp luật quy định rõ ràng.
Ba là, bảo vệ lợi ích chính đáng của các chủ thể kinh tế tham gia vào các quan hệ kinh tế. Việc bảo vệ lợi ích nói trên của các chủ thể kinh tế chỉ có thể thực hiện bằng cách ghi nhận, bảo vệ quyền và nghĩa vụ của các bên, ghi nhận hình thức và các thủ tục giải quyết tranh chấp trong kinh doanh... vào luật pháp. Nhờ vậy, lợi ích của các chủ thể kinh tế được tôn trọng và được giải quyết thỏa đáng. Nếu thiếu luật pháp thì việc giải quyết, xử lý các quan hệ lợi ích sẽ thiếu trật tự, gây lộn xộn không cần thiết có ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế.
* Đặc điểm của pháp luật kinh tế trong quản lý nhà nước đối với kinh tế:
Pháp luật kinh tế đảm bảo tính phổ biến và công bằng. Pháp luật kinh tế điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế, nhưng không phải tất cả mà chỉ những quan hệ kinh tế cơ bản nhất, quan trọng nhất và khái quát nhất. Trước pháp luật, mọi chủ thể đều bình đẳng và có cơ hội ngang nhau để phát triển kinh tế.
Pháp luật kinh tế tác động điều chỉnh mang tính chất gián tiếp; đưa ra các ra các quy phạm được phép hay không được phép trong hoạt động kinh tế trong lĩnh vực kinh tế, còn các chủ thể kinh tế lựa chọn, tự quyết định trong khuôn khổ của những điều kiện và phạm vi đã xác định của luật.
Công cụ pháp luật về quản lý nhà nước chủ yếu là quản lý hành chính kinh tế. Do vậy, pháp luật là công cụ quan trọng nhất để nhà nước điều hành kinh tế.
3.2.2.2. Kế hoạch
* Khái niệm kế hoạch
- Kế hoạch theo nghĩa hẹp là phương án hành động trong tương lai. Theo nghĩa rộng nó là quá trình xây dựng, quán triệt, chấp hành và giám sát, kiểm tra việc thực hiện phương án hành động trong tương lai.
- Kế hoạch là một hệ thống bao gồm nhiều nội dung hoạt động khác nhau như:
+ Chiến lược phát triển kinh tế xã hội: Là đường lối chung, tổng quát và giải
pháp chủ yếu, tổng thể để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 1 thời gian dài (thường là 10 năm);
+ Qui hoạch phát triển kinh tế xã hội: Là cụ thể hóa một bước chiến lược
phát triển kinh tế xã hội, là tập hợp các mục tiêu và sự bố trí, sắp xếp các nguồn lực tương ứng để thực hiện mục tiêu;
+ Kế hoạch trung hạn: Là phương tiện chủ yếu để cụ thể hóa các mục tiêu và
+ Kết hoạch hàng năm: Là sự cụ thể hóa của kế hoạch trung hạn nhằm thực
hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của kế hoạch trung hạn;
+ Chương trình: Được xây dựng và sử dụng nhằm xác định một cách đồng bộ
các mục tiêu cần đạt được, các bước phải tiến hành, các nguồn lực cần huy động để thực hiện ý đồ nào đó;
+ Dự án: Là tổng thể các hoạt động, các nguồn lực và các chi phí được bố trí
nhằm thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội cụ thể;
+ Ngân sách: Là bảng tường trình bằng con số về sự huy động và phân bổ các
nguồn lực cho việc thực hiện các chương trình, dự án trong một giai đoạn nhất định.
* Vai trò của quản lý kế hoạch
- Quản lý kế hoạch vĩ mô là căn cứ cơ bản của quản lý kinh tế quốc dân. Kế hoạch vĩ mô quy định mục tiêu cơ bản của phát triển kinh tế - xã hội trong một thời kỳ nhất định, quy định hàng loạt chỉ tiêu quan trọng về tốc độ, tỷ lệ, hiệu quả, bước đi cơ bản của sự điều tiết vĩ mô của nhà nước theo quỹ đạo và mục tiêu đã định. Tất cả mọi hoạt động kinh tế vĩ mô đều lấy việc thực hiện mục tiêu của kế hoạch vĩ mô làm mục tiêu.
- Quản lý kế hoạch vĩ mô là một khâu quan trọng và là một bộ phận cấu thành hữu cơ của quản lý kinh tế quốc dân.
Trong thực tiễn quản lý kinh tế quốc dân, hệ thống các cơ quan quản lý kinh tế vĩ mô bao gồm các ngành kế hoạch, tài chính, ngân hàng, lao động, tiền lương, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông, vận tải, kinh tế đối ngoại. Trong đó kế hoạch là khâu quan trọng là bộ phận cấu thành hữu cơ không thể chia cắt được của quản lý kinh tế quốc dân. Các vấn đề kinh tế trọng đại như chiến lược, quy hoạch, cơ cấu kinh tế, phân bố lực lượng sản xuất trên các vùng lãnh thổ, đầu tư trực tiếp của nhà nước, cân đối tổng hợp kinh tế quốc dân, chỉ có thể do cơ quan quản lý kế hoạch vĩ mô quyết định.
* Đổi mới công tác kế hoạch hóa vĩ mô
- Kết hợp kế hoạch với thị trường.
- Chuyển kế hoạch cụ thể, trực tiếp sang kế hoạch định hướng gián tiếp.
- Nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch đồng thời tăng cường chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch.
3.2.2.3. Chính sách
* Khái niệm và các yếu tố cơ bản của chính sách - Khái niệm chính sách:
Cụm từ chính sách được đề cập một cách khá phổ biến, thường xuyên hàng ngày trên các phương tiện thông tin truyền thông và trên mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm đầy đủ, tổng quát về cụm từ này. Theo các cách thức nghiên cứu và tiếp cận khác nhau mỗi tác giả đưa ra các quan điểm khác nhau về chính sách. Cụ thể:
- Theo Anderson (1984): Chính sách là một chuỗi (tập hợp) những hành động có mục đích nhằm giải quyết một vấn đề;
- Theo từ điển tiếng Việt: Chính sách là sách lược và kế hoạch cụ thể nhằm đạt một mục đích nhất định, dựa vào đường lối chính trị chung và tình hình thực tế mà đề ra;
- Theo Jones (1984): Chính sách bao gồm:
+ Dự định: Là mong muốn cần đạt được của người làm (hoạch định) chính sách; + Mục tiêu: Chính là việc cụ thể hóa những dự định thành tích cần đạt tới. Chẳng hạn với chính sách xóa đói giảm nghèo thì mục tiêu của chính sách được thể hiện ngay ở tên của chính sách đó là xóa đói, giảm nghèo. Cụ thể: Nâng cao mức thu nhập, nâng cao khả năng tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật của các hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo đói trong từng giai đoạn cụ thể...;
+ Đề xuất giải pháp: Chính là các cách thức tác động của chủ thể chính sách lên đối tượng chính sách để nhằm đạt được mục tiêu;
+ Quyết định lựa chọn giải pháp để triển khai thực hiện. Để giải quyết một vấn đề với những điều kiện ràng buộc cụ thể thì chúng ta có thể có nhiều cách thức, giải pháp thực hiện khác nhau, mỗi giải pháp đó sẽ có sử dụng những chi phí khác nhau và đem lại những kết quả khác nhau do vậy yêu cầu ở bước này là phải lựa chọn ra giải pháp tối ưu để thực hiện.
Tóm lại: Từ những quan điểm trên, chúng ta có thể hiểu khái niệm chính sách
như sau:
“Chính sách là tổng thể các quan điểm, giải pháp và công cụ mà chủ thể sử dụng để tác động vào các đối tượng quản lý nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể trong những giai đoạn nhất định”.
Mọi chủ thể kinh tế, xã hội đều có thể có chính sách của riêng mình như: + Chính sách của nhà nước;
+ Chính sách của doanh nghiệp; + Chính sách của địa phương; + Chính sách của cá nhân...
Trong môn học này, chính sách của nhà nước được coi là đối tượng nghiên cứu chính
- Các yếu tố cơ bản của chính sách:
Từ khái niệm về chính sách trên, chúng ta có thể nhận thấy một chính sách thường bao gồm các yếu tố cơ bản như sau:
- Chủ thể của chính sách: Chủ thể của chính sách là những người, tổ chức tham gia vào quá trình quản lý chính sách, gồm: người có thẩm quyền quyết định chính sách, người tổ chức thực thi chính sách, giám sát thực thi chính sách;
- Đối tượng của chính sách: Đối tượng (khách thể) của chính sách là những người, tổ chức chịu ảnh hưởng của chính sách;
- Mục tiêu của chính sách: Là đích mà chính sách cần đạt đến.
Tóm lại: Từ việc nghiên cứu về khái niệm và các yếu tố cơ bản của chính sách chúng ta nhận thấy mỗi chính sách được ban hành đều phục vụ cho một hoặc một số mục tiêu nhất định, do chủ thể nào đó đưa ra và tác động (ảnh hưởng) đến một hoặc một số khách thể (đối tượng hưởng lợi). Vì vậy, mỗi chính sách phải có: chủ thể, khách thể và mục tiêu của nó. Chính sách sẽ là vô nghĩa hay không khả thi khi nó không xác định được 3 yếu tố nói trên.
* Phân loại chính sách
Hệ thống chính sách luôn luôn mang tính hệ thống, tổng hợp, bao gồm nhiều chính sách cụ thể, có mối quan hệ chặt chẽ, lồng ghép vào nhau. Trên các góc độ và mục đích nghiên cứu khác nhau có thể phân loại chính sách theo các cách sau đây:
Căn cứ vào lĩnh vực tác động của chính sách:
- Chính sách kinh tế: Là chính sách tác động đến các mối quan hệ kinh tế nhằm tạo động lực phát triển kinh tế xã hội;
- Chính sách xã hội: Gồm những chính sách tác động đến các mối quan hệ xã hội, mục đích là làm cho xã hội phát triển theo hướng bình đẳng, công bằng, dân chủ, văn minh và tiến bộ xã hội;
- Chính sách văn hóa: Là các chính sách tác động đến các mối quan hệ về văn hóa với mục tiêu là phát triển văn hóa làm nền tảng tinh thần cho xã hội, tạo động lực để phát triển xã hội;
- Chính sách quốc phòng, an ninh: Là những chính sách hướng vào việc tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước;
- Chính sách đối ngoại: Là chính sách điều tiết các mối quan hệ đối ngoại của một quốc gia với các nước khác trên thế giới với mục tiêu mở rộng quan hệ ngoại giao với các tổ chức, quốc gia bên ngoài lãnh thổ qua đó thúc đẩy sự hợp tác phát triển kinh tế, xã hội…
Căn cứ vào phạm vi ảnh hưởng của chính sách, bao gồm:
- Chính sách vĩ mô: Là những chính sách được xây dựng nhằm vận hành nền kinh tế quốc dân, có những tác động đến những cân đối tổng thể của nền kinh tế xã hội, chi phối nhiều lĩnh vực, có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia và đông đảo quần chúng nhân dân;
- Chính sách vi mô: Là những chính sách tác động lên những chủ thể kinh tế - xã hội cụ thể như các tổ chức hay một nhóm người cụ thể trong xã hội.
* Căn cứ theo thời gian áp dụng, phát huy của chính sách
- Chính sách dài hạn: Là những chính sách được áp dụng lâu dài (lớn hơn 5 năm) nhằm thực hiện những mục tiêu chiến lược, dài hạn của đất nước.
- Chính sách ngắn hạn: Là những chính sách được áp dụng trong khoảng thời hạn (dưới 3 năm) nhằm vào những vấn đề có thể giải quyết tương đối nhanh chóng.
- Chính sách trung hạn: Là các chính sách có thời hạn từ 3 - 5 năm. Những chính sách này tập trung vào các vấn đề có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội, nhưng có thể giải quyết được trong trung hạn.
* Căn cứ vào cấp chủ thể quyết định ban hành chính sách.
Ở Việt Nam có các cấp ra quyết định chủ yếu như:
- Chính sách do Quốc hội ra quyết định: Các luật, nghị quyết được Quốc hội phê chuẩn, thông qua;
- Các chính sách của Chính phủ: Các Nghị định, các Quyết định, chỉ thị của thủ tướng, các thông tư của các bộ, đơn vị trực thuộc chính phủ...;
- Các chính sách của địa phương do Hội đồng nhân dân và UBND quyết định: Nghị quyết của HĐND, các Quyết định của chủ tịch UBND các cấp...
Thông qua việc nghiên cứu hệ thống chính sách kinh tế - xã hội theo các tiêu chí khác nhau, có thể rút ra một số nhận xét:
- Để quản lý xã hội, nhà nước cần xây dựng nhiều chính sách khác nhau, nhưng các chính sách đó phải tạo thành một thể thống nhất và bao trùm các lĩnh vực đời sống xã hội;
- Mỗi chính sách đều có mối liên hệ với các chính sách khác, đều có ảnh hưởng nhất định đến mục tiêu của các chính sách khác và mục tiêu chung của xã hội;