Chương 1 TỔNG QUAN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ
5.1. Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế
5.1.2. Các nguyên tắc tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế
* Những nhân tố có tính quyết định chi phối tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế
Một là, tổ chức bộ máy nhà nước về kinh tế trước hết phải xuất phát từ yêu cầu kinh kinh tế, vì kinh tế, phục vụ cho kinh tế. Bất kì nhà nước nào trong việc thực hiện chức năng kinh tế, khi xây dựng pháp luật kinh tế đều phải dựa trên cơ sở kinh tế, xuất phát từ kinh tế. Do đó, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế như thế nào nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống có hiệu lực, hiệu quả cao nhất là vấn đề đặt ra mà các nhà nước phải quan tâm.
Đối tượng quản lý của nhà nước hiện nay là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, nguyên tắc tổ chức bộ máy quản lý kinh tế của nhà nước là xuất phát từ đặc điểm của nền kinh tế để tổ chức quản lý, không áp đặt, không chủ quan, tùy tiện trong tổ chức quản lý kinh tế.
Hai là, tính chính trị chi phối cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý kinh tế của nhà nước. Tổ chức bộ máy quản lý kinh tế của nhà nước là một tổ chức có tính chính trị, bị chính trị chi phối vì nhà nước là một cơ thể chính trị.
Tính chính trị của tổ chức bộ máy quản lý kinh tế nhà nước thể hiện:
+ Các tổ chức quản lý kinh tế đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo;
+ Các tổ chức quản lý kinh tế điều hành nền kinh tế theo đúng mục tiêu định hướng đã xác định;
+ Các tổ chức quản lý kinh tế xuất phát từ lợi ích của nhân dân, của cộng đồng dân tộc.
* Những nguyên tắc chung của tổ chức bộ máy quản lý
- Chuyên môn hóa và phân nhóm chức năng:
Mỗi hệ thống luôn có mục tiêu nhất định. Để đảm bảo cho mục tiêu được thực hiện, các hoạt động trong hệ thống phải được chuyên môn hóa theo chức năng. Tùy thuộc vào mục tiêu, quy mô của hệ thống, số lượng các chức năng nhiệm vụ có thể rất lớn và phải có những bộ phận, con người để đảm nhiệm các chức năng đó.
Để tinh giản bộ máy cần tiến hành phân nhóm chức năng có quan hệ gần gũi thành các bộ phận, phân hệ. Phân nhóm theo chức năng được xem là mô hình phổ biến để xây dựng cơ cấu của mọi hệ thống.
Quá trình chuyên môn hóa và phân nhóm chức năng trong tổ chức hệ thống phụ thuộc vào các yếu tố:
+ Mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống;
+ Đối tượng quản lý: Số lượng; qui mô; tính phức tạp của đối tượng; + Trình độ cán bộ quản lý, phương tiện, phương pháp, công cụ quản lý.
- Phân định phạm vi quản lý và phân cấp quản lý:
Phạm vi quản lý dùng để chỉ số lượng nhất định các đơn vị trực tiếp quản lý, còn phân cấp là chỉ số lượng các cấp quản lý từ trên xuống được qui định trong hệ thống tổ chức. Đây là nguyên tắc nhằm định hướng thích hợp cho phân quyền quản lý, sắp xếp bộ máy đồng thời cũng thích hợp cho việc bố trí số lượng và chất lượng nhân viên trong nội bộ mỗi cơ quan.
Muốn xác định được phạm vi quản lý và số cấp bậc quản lý cần tìm hiểu những mối quan hệ:
Trong tình hình đối tượng quản lý không thay đổi, giữa phạm vi quản lý và cấp bậc quản lý có mối quan hệ tỷ lệ nghịch; tức là phạm vi quản lý càng lớn thì số cấp bậc quản lý càng nhỏ và ngược lại;
Tính phức tạp của quản lý và phạm vi quản lý có quan hệ tỷ lệ nghịch; Phạm vi quản lý và trình độ của cán bộ quản lý có mối quan hệ tỷ lệ thuận.
- Nguyên tắc hoàn chỉnh, thống nhất:
+ Mục tiêu của các bộ phận, phân hệ, con người trong hệ thống phải phục tùng mục tiêu chung;
+ Sự phân định chức năng giữa các bộ phận phân hệ phải rõ ràng, rành mạch để đảm bảo tất cả các công việc quản lý đều có người đảm nhiệm nhưng cũng không xảy ra tình trạng chồng chéo, chức năng, nhiệm vụ;
+ Mối quan hệ giữa các phân hệ phải hợp lý về thông tin, con người và nguồn vật chất, đảm bảo sự thống nhất cao để thực hiện mục tiêu chung;
+ Thống nhất chỉ huy: Đảm bảo một đầu mối chỉ huy, kết hợp chế độ làm việc tập thể với trách nhiệm cá nhân rành mạch.
- Nguyên tắc tương hợp giữa chức năng, nhiệm vụ với quyền hạn; giữa quyền hạn với trách nhiệm; giữa trách nhiệm với phương tiện:
Nguyên tắc hiệu lực và hiệu quả:
Hiệu lực của bộ máy quản lý thể hiện ở khả năng ra các quyết định đúng đắn, kịp thời mang lại kết quả cao và ít tốn kém.
Bộ máy có hiệu quả là hoàn thành được các mục tiêu với chi phí nhất định. Đối với bộ máy quản lý Nhà nước hiệu quả được xét trên phương diện hiệu quả kinh tế - xã hội.
* Các nguyên tắc chính trị - xã hội
- Nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân:
Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là nguyên tắc tổ chức cao nhất, quan trọng nhất của nhà nước. Theo nguyên tắc này, nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Để thực hiện nguyên tắc này cần có những điều kiện sau đây:
+ Có chế độ thực sự dân chủ để bầu cử các đại biểu của nhân dân, bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử, vận động bầu cử và cung cấp thông tin cần thiết cho nhân dân để nhân dân lựa chọn người đại diện của mình;
+ Đại diện nhân dân là người có đức, có tài, có năng lực và trình độ để tham gia quyết định các vấn đề trọng đại của quốc gia;
+ Các cơ quan nhà nước do dân bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Có nhiệm vụ quyền hạn rõ ràng và chịu sự giám sát của nhân dân.
- Nguyên tắc quyền lực nhà nước:
Quyền lực nhà nước được thực hiện theo nguyên tắc ba quyền (lập pháp; hành pháp; và tư pháp). Quyền lực là thống nhất, không phân chia nhưng có sự phân công rành mạch trong việc thực hiện giữa các quyền.
Sự thống nhất quyền lực nhà nước được thể hiện ở vai trò Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp và giám sát toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước, quyết định những vấn đề quan trọng về chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước. Quốc hội do nhân dân bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân Các cơ quan khác như Chính phủ, tòa án nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân tối cao đều do quốc hội lập ra, được tổ chức và hoạt động theo qui định của quốc hội và chịu trách nhiệm trước quốc hội.
Mặc dù quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta có sự phân công trách nhiệm rành mạch để thực hiện quyền lực nhà nước: Quốc hội là cơ quan lập pháp, Chính phủ là cơ quan hành pháp, còn tòa án và viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tư pháp. Mỗi cơ quan nói trên có chức năng, quyền hạn, trách nhiệm khác nhau, nhưng có sự phối hợp chặt chẽ với nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp thực thi quyền lực nhà nước.
- Nguyên tắc tập trung dân chủ:
Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc chủ đạo trong việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta. Nguyên tắc đó có những biểu hiện cụ thể sau:
+ Cơ quan quyền lực nhà nước do dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân;
+ Cơ quan nhà nước cấp dưới phải phục tùng cơ quan nhà nước cấp trên; + Quyền quản lý nhà nước tập trung và thống nhất ở trung ương đồng thời tăng cường phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương;
+ Thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tập thể, cấp dưới phục tùng người chỉ huy trong các cơ quan nhà nước theo chế độ thủ trưởng.
- Nguyên tắc nhà nước pháp quyền:
Nguyên tắc nhà nước pháp quyền khẳng định tính tối cao của pháp luật. Nguyên tắc đó được thể hiện trong quá trình tổ chức bộ máy nhà nước như sau:
+ Mọi sự tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước phải được pháp luật quy định và có sự đảm bảo bằng chế tài cho các quy định đó có hiệu lực pháp lý;
+ Hệ thống pháp luật thống nhất trong cả nước;
+ Hệ thống cung cấp dịch vụ công dù được ai cung cấp đều được quản lý thống nhất theo những văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền trung ương;
+ Mọi người đều phải tuân thủ pháp luật và bình đẳng trước pháp luật; + Nhà nước thực hiện việc quản lý đất nước bằng pháp luật.