Thông tin quản lý nhà nước về kinh tế

Một phần của tài liệu Bài giảng quản lý nhà nước về kinh tế (Trang 71 - 74)

Chương 1 TỔNG QUAN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ

4.1. Thông tin quản lý nhà nước về kinh tế

4.1.1. Khái niệm về thông tin

* Khái niệm chung về thông tin

Theo cách chung nhất, thông tin là những tin tức về sự việc, hiện tượng hay quá trình phát triển của một sự vật, một hệ thống nào đó.

* Khái niệm về thông tin trong quản lý nhà nước về kinh tế

Thông tin là những tín hiệu được thu nhận và được sử dụng cho việc đề ra và thực hiện các quyết định quản lý của nhà nước về kinh tế.

Như vậy, trong lĩnh vực quản lý, thông tin được sử dụng chủ yếu nhằm phục vụ cho việc ra quyết định.

Điều kiện để tin tức trở thành thông tin trong quản lý kinh tế nhà nước: - Tính hiểu được và giải thích được;

- Có thể sử dụng được trong quá trình ra quyết định hoặc giải quyết nhiệm vụ nào đó;

- Mọi tin tức đều phải có người gửi và người nhận rõ ràng. Có nghĩa là nếu không có người nhận tin hoặc không có người sử dụng tin thì mọi tin tức đều không có ý nghĩa.

4.1.2. Vai trò của thông tin trong quản lý nhà nước về kinh tế

- Quá trình quản lý kinh tế là quá trình thu nhận, xử lý và truyền đạt thông tin giữa chủ thể quản lý và đối tượng quản lý. Vì vậy, mà để quản lý tốt và có hiệu quả thì phải có nguồn thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình huống phải ra quyết định.

- Thông tin được xem như là yếu tố đầu vào không thể thiếu của bất kỳ một tổ chức nào và nó còn là nguồn dự trữ tiềm năng đối với tổ chức đó.

4.1.3. Các yêu cầu đối với thông tin trong quản lý nhà nước về kinh tế

Để đảm bảo cho quá trình quản lý nhà nước về kinh tế có hiệu quả và chất lượng cao thì những thông tin phải đảm bảo những yêu cầu sau đây:

- Tính chính xác:

Thông tin phải phản ánh đúng bản chất, đúng nội dung, có căn cứ và sức thuyết phục. Nếu thông tin không đảm bảo được tính chính xác thì những quyết định của Nhà nước cũng sẽ không đúng đắn.

- Tính kịp thời:

Có nghĩa là những thông tin về diễn biến của sự việc, hiện tượng đang diễn ra hoặc sắp diễn ra phải được cung cấp đến cơ quan nhà nước trong thời gian sớm nhất. Vì có như vậy thì những quyết định của nhà nước mới đảm bảo tính kịp thời.

- Tính đầy đủ và hiện đại:

+ Tính đầy đủ: Là thông phải đáp ứng đủ về dung lượng, nêu rõ được bản chất và được phản ánh đầy đủ trên các các khía cạnh của sự vật - hiện tượng;

+ Tính hiện đại thể hiện: Là các thông tin phải mới và được cập nhật; phải thu thập thông tin bằng các phương tiện hiện đại và cũng phải xử lý thông tin bằng những phương tiện hiện đại nhất.

- Tính logic:

Tính logic thể hiện: Là các thông tin phải được thu thập, xử lý, truyền đạt, lưu trữ theo một trình tự và phương pháp khoa học. Vì có như vậy nó mới giúp cho người quản lý nắm rõ vấn đề cần nghiên cứu và ra quyết định.

- Tính kinh tế:

Thông tin phải đảm bảo yêu cầu về mặt kinh tế, tức là những thông tin đó có thể sử dụng triệt để vào quá trình quản lý kinh tế nhà nước để từ đó có những quyết định đúng đắn cho nền kinh tế.

- Tính bảo mật:

Thông tin kinh tế là một trong những nhân tố hàng đầu quyết định vận mệnh kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi quốc gia. Vì vậy, mà việc bảo mật thông tin trong quản lý kinh tế là hết sức quan trọng. Việc để lộ thông tin kinh tế có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả nền kinh tế của một quốc gia.

4.1.4. Các loại thông tin trong quản lý nhà nước về kinh tế

- Theo nguồn xuất xứ của thông tin:

+ Thông tin bên trong (thông tin nội bộ): Là thông tin xuất hiện bên trong hệ thống. Như vậy, mọi diễn biến trong nước về kinh tế, trính trị, xã hội... là những thông tin bên trong của nhà nước về kinh tế;

+ Thông tin bên ngoài: Là những thông tin xuất hiện từ môi trường của hệ thống. Tức là, những diễn biến trong khu vực và thế giới là những thông tin bên ngoài của nhà nước về quản lý kinh tế;

+ Để có quyết định đúng đắn nhà nước thường sử dụng cả thông tin bên trong và thông tin bên ngoài.

- Theo cách tiếp cận thông tin:

+ Thông tin có hệ thống: Là những thông tin được đưa đến cho người nhận theo những chu kỳ đã được đề ra từ trước;

+ Thông tin không có hệ thống: Là những thông tin được đưa đến cho người nhận tin một cách ngẫu nhiên. Những thông tin này thường phát sinh bất ngờ và thường không lường trước được trong quá trình thực hiện.

- Theo sự ổn định của thông tin:

+ Thông tin thường xuyên: Là những thông tin thường ít thay đổi như: chỉ tiêu kế hoạch trung và dài hạn, các định mức kinh tế - kỹ thuật...;

+ Thông tin biến đổi: Là những thông tin xuất hiện do sự biến đổi của hệ thống và môi trường như: những phát minh khoa học, tỷ giá hối đoái, các biến cố KT-TT.

- Theo hình thức thể hiện thông tin:

+ Thông tin văn bản: báo chí, tài liệu, văn kiện...; + Thông tin lời nói: phát thanh, truyền hình... - Theo kênh thu nhận thông tin:

+ Thông tin chính thống: Là các thông tin được thu nhận theo các kênh ngành dọc do Nhà nước qui định mà cấp dưới phải báo cáo lên như: báo cáo thường kỳ của các cấp bộ, ngành;

+ Thông tin không chính thống: Là các thông tin mà nhà nước không thể nhận được qua các kênh chính thức mà phải qua các đợt kiểm tra đặc biệt như: thanh tra các khiếu kiện của nhân dân và các vấn đề nổi cộm trong bộ máy quản lý của nhà nước...

- Theo nội dung thông tin:

+ Thông tin khoa học - kỹ thuật: Là những thông tin về khoa học công nghệ mới, kết quả nghiên cứu khoa học, những dự đoán phát triển của khoa học - kỹ thuật...;

+ Thông tin quản lý: Là những thông tin phát sinh trong quá trình quản lý như: sự thay đổi cơ cấu bộ máy quản lý nhà nước, luật pháp, văn bản pháp qui...;

+ Thông tin kinh tế: Là những thông tin phản ánh nguồn lực kinh tế, các quá trình sản xuất - kinh doanh, diễn biến của thị trường... trong và ngoài nước;

+ Thông tin chính trị - văn hóa - xã hội: Là những thông tin phản ánh tình hình chính trị - văn hóa - xã hội trong và ngoài nước;

+ Các thông tin hàng ngày khác. - Theo cấp độ và mức xử lý thông tin:

+ Thông tin sơ cấp (thông tin ban đầu): Là những thông tin có được từ sự theo dõi ghi chép trực tiếp;

+ Thông tin thứ cấp (thông tin thứ sinh): Là thông tin có được trên cơ sở chế biến thông tin sơ cấp.

Một phần của tài liệu Bài giảng quản lý nhà nước về kinh tế (Trang 71 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)