Yêu cầu đối với quyết định quản lý nhà nước về kinh tế

Một phần của tài liệu Bài giảng quản lý nhà nước về kinh tế (Trang 76 - 78)

Chương 1 TỔNG QUAN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ

4.2. Quyết định quản lý nhà nước về kinh tế

4.2.4. Yêu cầu đối với quyết định quản lý nhà nước về kinh tế

- Tính khoa học:

Các quyết định là cơ sở cho việc bảo đảm tính hiện thực và hiệu quả của việc thực hiện chúng. Cho nên các quyết định không được chủ quan tùy tiện mà phải được xây dựng trên cơ sở của những luận cứ khoa học và thực tiễn vững vàng. Cụ thể là qua những đặc điểm sau đây:

+ Phù hợp với sự vận động của các quy luật khách quan; + Ra quyết định dựa trên cơ sở lý luận khoa học;

+ Ra quyết định phù hợp với hoàn cảnh thực tế bởi những người có năng lực và hết lòng vì sự nghiệp của đất nước.

Tính khoa học của các quyết định quản lý nhà nước yêu cầu nội dung các quyết định không được chồng chéo, mâu thuẫn, tản mạn, vụn vặt hoặc giải quyết

nhiều vấn đề trong một quyết định. Việc giải quyết trong các quyết định phải vận dụng các tri thức khoa học, dựa trên cơ sở khoa học. tính khoa học của quyết định còn thể hiện ở cách trình bày, bố cục của quyết định. Ngôn ngữ sử dụng cần rõ ý, nghiêm túc nhằm thể hiện rõ quyền lực nhà nước. Việc lựa chọn hình thức văn bản phù hợp với từng loại vấn đề cụ thể để thể hiện rõ nhất ý chí của cơ quan, cá nhân ban hành cũng là một biểu hiện của tính khoa học.

- Tính tối ưu:

Tính tối ưu của quyết định thể hiện ở khả năng lựa chọn được giải pháp làm giảm tới mức tối thiểu chi phí để đạt được mục tiêu mong muốn, hay nói cách khác là làm tăng đến tối đa lợi ích có được từ mức chi phí nhất định.

- Tính khả thi:

Trong quá trình ra quyết định phải xem xét các yếu tố bên trong và bên ngoài có ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của các đối tượng quản lý. Nghĩa là vừa xem xét về nhu cầu của sự phát triển vừa cân nhắc sát với khả năng và năng lực thực hiện; vừa suy nghĩ đến cơ hội và thành công vừa tính đến rủi ro và thất bại; đảm bảo sự hợp lý về kinh tế với sự tiên tiến về công nghệ, khả năng về tài nguyên và các điều kiện khác.

- Tính hệ thống:

Phải coi đối tượng của quyết định là một hệ thống, khi ra quyết định phải cố gắng đảm bảo sự phát triển đồng thời ba yếu tố là môi trường bên ngoài, điều kiện bên trong và mục tiêu của các đối tượng.

Các quyết định dù được xây dựng để giải quyết những vấn đề khác nhau nhưng vẫn cần phải được đặt trong một chỉnh thể thống nhất nhằm hướng tới những mục đích chung của đất nước, tránh tình trạng mâu thuẫn và đối lập giữa các quyết định mà nhà nước ban hành.

Các quyết định quản lý nhà nước cần được xây dựng và thực hiện trong sự phối hợp đồng bộ của các hệ thống tham gia vào quá trình quyết định như hệ thống thông tin, hệ thống tham mưu, hệ thống quyết định, hệ thống chấp hành, hệ thống phản hồi, hình thành một chỉnh thể hệ thống quyết định.

- Tính hợp pháp:

Quyết định quản lý nhà nước được ban hành phải phù hợp với nội dung và mục đích của luật, không trái với hiến pháp, luật, pháp lệnh và các quy định của cơ quan nhà nước cấp trên.

Quyết định quản lý nhà nước được ban hành trong phạm vi thẩm quyền của chủ thể ra quyết định quản lý. Các cơ quan (người có chức vụ) tuyệt đối không được ban hành những quyết định mà pháp luật không cho phép, vượt quá phạm vi quyền hạn được trao, thậm chí không được lẩn tránh và lạm quyền.

Quyết định quản lý nhà nước được ban hành phải xuất phát từ chính lợi ích thiết thực của người dân, đặc biệt là người dân lao động. Các chủ thể hành chính nhà nước chỉ được ban hành quyết định quản lý nhà nước để giải quyết những vấn đề xã hội một cách khách quan, khoa học, tránh tùy tiện, chủ quan duy ý chí.

Quyết định quản lý nhà nước phải bảo đảm trình tự, thủ tục, hình thức theo luật định.

- Tính cô đọng dễ hiểu:

Dù được biểu hiện dưới hình thức nào các quyết định đều phải ngắn gọn, dễ hiểu, để một mặt tiết kiệm được thông tin tiện lợi cho việc bảo mật và di chuyển, mặt khác, làm cho người thực hiện không thể hiểu sai lệch về mục tiêu, phương tiện và cách thức thực hiện

- Tính xác định về thời gian, đối tượng thực hiện và chủ thể chịu trách nhiệm tổ chức thực thi:

Tính xác định về thời gian cho biết quyết định đưa ra ngày nào, có hiệu lực từ ngày nào và sẽ được thực hiện trong bao lâu.

Một quyết định muốn có hiệu quả phải xác định rõ các chủ thể quản lý điều hành và các đối tượng thực hiện quyết định. Điều này đặt ra trách nhiệm cho từng người, từng bộ phận trong việc kiểm tra đôn đốc nhằm làm cho quyết định được thực hiện nhanh chóng, có hiệu quả cao.

Một phần của tài liệu Bài giảng quản lý nhà nước về kinh tế (Trang 76 - 78)