Các phương pháp quản lý nhà nước về kinh tế

Một phần của tài liệu Bài giảng quản lý nhà nước về kinh tế (Trang 52 - 57)

Chương 1 TỔNG QUAN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ

3.1. Các phương pháp quản lý nhà nước về kinh tế

3.1.1. Khái niệm và đặc điểm phương pháp quản lý nhà nước về kinh tế

* Khái niệm

Phương pháp quản lý nhà nước về kinh tế là tổng thể những cách thức tác động của nhà nước đến quá trình kinh tế - xã hội nhằm đạt được các mục tiêu do nhà nước đặt ra.

Các phương pháp được hình thành dựa trên cơ sở yêu cầu của các quy luật khách quan. Các phương pháp quản lý có vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý. Mục tiêu, nhiệm vụ của quản lý chỉ được thực hiện thông qua tác động của các phương pháp quản lý; phương pháp quản lý còn có tác động khơi dậy những động lực, kích thích tính năng động sáng tạo của con người và tiềm năng của hệ thống cũng như các cơ hội có lợi bên ngoài.

* Đặc điểm

Phương pháp quản lý nhà nước về kinh tế có tính năng động, linh hoạt và thường xuyên thay đổi trong từng tình huống cụ thể, tùy thuộc vào đặc điểm của đối tượng cũng như năng lực và kinh nghiệm của nhà nước và đội ngũ cán bộ viên chức nhà nước.

Tác động của phương pháp quản lý luôn luôn là tác động có mục đích nhằm phối hợp hoạt động, bảo đảm sự thống nhất. Trong quá trình quản lý, tùy từng tình huống cụ thể mà chủ thể quản lý phải biết lựa chọn phương pháp quản lý phù hợp. Tài năng, nghệ thuật quản lý phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sử dụng phương pháp quản lý có phù hợp hay không.

Trong quản lý nói chung và quản lý nhà nước nói riêng, có rất nhiều phương pháp quản lý, giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nên việc sử dụng các phương pháp quản lý một cách đồng bộ cũng là một yếu tố nâng cao hiệu quả của việc sử dụng phương pháp quản lý.

3.1.2. Các phương pháp quản lý nhà nước về kinh tế cơ bản

Trong thực tế tổ chức và quản lý đối với nền kinh tế, nhà nước cần phải thực hiện các phương pháp chủ yếu là: phương pháp hành chính, phương pháp kinh tế, phương pháp giáo dục.

3.1.2.1. Phương pháp hành chính

Phương pháp hành chính trong quản lý kinh tế của nhà nước là cách thức tác động trực tiếp bằng các quyết định mang tính chất bắt buộc của nhà nước đối với đối tượng quản lý nhằm thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

* Đặc điểm

Phương pháp này mang tính bắt buộc và tính quyền lực.

- Tính bắt buộc đòi hỏi các đối tượng quản lý (các doanh nghiệp, các doanh nhân…) phải chấp hành nghiêm chỉnh các tác động hành chính, nếu vi phạm sẽ bị xử lý kịp thời, thích đáng.

- Tính quyền lực đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước chỉ được phép đưa ra các tác động hành chính đúng thẩm quyền của mình.

Sử dụng phương pháp hành chính thường mang lại kết quả nhanh vì thế nó đặc biệt cần thiết cho trường hợp hệ thống quản lý ở trong tình huống phức tạp, nhiều biến động.

Phương pháp hành chính cũng là một trong những hình thức thể hiện sự quản lý thống nhất, tập trung của nhà nước đối với toàn bộ nền kinh tế - xã hội

Thực chất của phương pháp này là sử dụng quyền lực nhà nước để tạo sự phục tùng của đối tượng quản lý trong hoạt động quản lý của nhà nước.

* Hướng tác động

- Tác động về mặt tổ chức:

Nhà nước xây dựng và không ngừng hoàn thiện khung pháp luật tạo ra hành lang pháp lý cho các chủ thể kinh tế hoạt động bình đẳng, an toàn và trật tự. Những chủ trương, chính sách lớn, dài hạn của nhà nước đều phải được thể chế hóa bằng các đạo luật nhằm đảm bảo được chấp hành nhất quán. Nhà nước phải ban hành các văn bản quy định về quy mô, cơ cấu, điều lệ hoạt động, tiêu chuẩn nhằm thiết lập tổ chức và xác định những mối quan hệ hoạt động trong nội bộ.

- Tác động điều chỉnh:

Nhà nước ban hành các chỉ thị, quy định các thủ tục hành chính buộc tất cả các chủ thể từ cơ quan nhà nước, các đơn vị kinh tế đến các hộ gia đình đều phải tuân thủ. Điều này giúp nhà nước cụ thể hóa khung pháp luật và các kế hoạch hướng dẫn thị trường, tác động trực tiếp vào các chủ thể như xét duyệt cấp giấy phép đầu tư, thành lập đơn vị, thủ tục đăng kí kinh doanh, đăng ký chất lượng, nhãn hiệu hàng hóa, thủ tục cấp giấy phép xuất nhập khẩu...

* Các phương pháp hành chính trong quản lí kinh tế vĩ mô

Thông qua hệ thống pháp luật quản lý đất nước nói chung, hệ thống kinh tế nói riêng và hoạt động kiểm tra, kiểm soát của nhà nước thông qua các tòa án kinh tế, viện kiểm sát nhân dân các cấp, và hệ thống các cơ quan an ninh quốc phòng; công an; bộ đội biên phòng; hải quan; kiểm lâm; thanh tra các cấp…

Nhà nước huy động sự tham gia giám sát của nhân dân về các hành vi kinh tế bất minh của các doanh nghiệp, dựa vào sự giám sát của nhân dân để kịp thời ngăn chặn, xử lý các sai phạm trong kinh tế.

Nhà nước tiến hành thể chế hóa, tiêu chuẩn hóa và trong sạch hóa bộ máy và đội ngũ viên chức nhà nước trong các cơ quan quản lý chức năng điều hành nền kinh tế hoạt động.

* Yêu cầu khi sử dụng phương pháp hành chính

Các phương pháp hành chính đòi hỏi chủ thể quản lý phải có quyết định dứt khoát, rõ ràng, dễ hiểu có địa chỉ người thực hiện. Đối với những quyết định hành chính thì cấp dưới bắt buộc phải thực hiện không có quyền lựa chọn, chỉ có cấp có thẩm quyền mới có quyền thay đổi quyết định.

Sử dụng phương pháp hành chính phải có căn cứ, có luận chứng khách quan, hợp lý, tránh sử dụng một cách chủ quan, tùy tiện, hành chính quan liêu. Người ra quyết định phải hiểu rõ tình hình thực tiễn, nắm vững tình huống cụ thể và phải có đủ thông tin cần thiết cho việc ra quyết định.

Khi sử dụng phương pháp hành chính phải gắn chặt quyền hạn và trách nhiệm của cấp ra quyết định.Mỗi bộ phận, cán bộ khi sử dụng quyền hạn của mình ở cấp càng cao, phạm vi ra quyết định càng rộng nếu càng sai thì tổn thất càng lớn. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về quyết định của mình.

3.1.2.2. Phương pháp kinh tế

Phương pháp kinh tế là cách thức tác động gián tiếp của nhà nước, dựa trên những lợi ích kinh tế có tính huớng dẫn lên đối tượng quản lý, nhằm làm cho đối tượng quản lý tự giác, chủ động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

* Đặc điểm

Phương pháp kinh tế là phương pháp tác động lên đối tượng quản lí không bằng cưỡng chế hành chính mà bằng lợi ích, tức là nhà nước chỉ đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phải đạt, đặt ra những điều kiện khuyến khích về kinh tế, những phương tiện vật chất có thể sử dụng để họ tự tổ chức việc thực hiện nhiệm vụ. Có thể thấy

đây là phương pháp quản lí tốt nhất để thực hành tiết kiệm và nâng cao hiệu quả kinh tế. Phương pháp này mở rộng quyền hoạt động cho các chủ thể kinh tế, đồng thời cũng tăng trách nhiệm kinh tế của họ.

Phương pháp kinh tế tác động gián tiếp và không mang tính bắt buộc. Người thực hiện căn cứ vào tính toán lợi ích qua đó tự quyết định góp phần phát huy tính chủ động sáng tạo cho người thực hiện.

* Hướng tác động.

- Đề ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội qui định nhiệm vụ mục tiêu phù hợp với thực tế.

- Sử dụng các định mức kinh tế (mức thuế, lãi suất…), các biện pháp đòn bẩy, kích thích kinh tế để lôi cuốn, thu hút, khuyến khích các chủ thể kinh tế phát triển sản xuất theo hướng ích nước, lợi nhà.

- Sử dụng chính sách ưu đãi kinh tế như chế độ thưởng phạt vật chất, trách nhiệm kinh tế chặt chẽ để điều chỉnh hoạt động của các bộ phận, các cá nhân, xác lập trật tự kỷ cương, xác lập chế độ trách nhiệm cho mọi bộ phận, mọi phân hệ, từng người lao động trong hệ thống.

* Phương pháp kinh tế trong quản lý kinh tế vĩ mô

- Chính sách thuế trong quản lý các ngành, các khu vực, các sản phẩm cần được ưu tiên phát triển sẽ được ưu đãi thuế.

- Hệ thống lãi suất ngân hàng nhằm thực hiện ý đồ quản lý của nhà nước hướng các hoạt động kinh tế theo mục tiêu mong muốn của đất nước.

- Sử dụng các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, các chính sách kinh tế cho các đối tượng xã hội cụ thể (miền núi, nông nghiệp, người nghèo…).

- Sử dụng quỹ dự trữ quốc gia để điều tiết sản xuất, đặc biệt để ổn định tiền tệ, giá cả và mức sống dân cư.

- Chính sách đối với các doanh nghiệp nhà nước để có thể kiểm soát nền kinh tế phát triển.

- Sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước, tạo môi trường kinh tế tốt cho các doanh nghiệp hoạt động.

* Yêu cầu của phương pháp kinh tế

Phải hoàn thiện hệ thống các đòn bẩy kinh tế, nâng cao năng lực vận dụng các quan hệ hàng hóa - tiền tệ, quản lý thị trường.

Phải thực hiện sự phân cấp quản lý đúng đắn theo hướng mở rộng quyền hạn cho cấp dưới, tạo điều kiện cho họ phát huy tính chủ động sáng tạo trong công việc.

Sử dụng tốt phương pháp kinh tế đòi hỏi cán bộ quản lý phải có kiến thức và kinh nghiệm quản lý, đồng thời phải có tác phong quản lý dân chủ.

Phương pháp kinh tế có độ bão hòa nhanh do đó phải thường xuyên hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chuẩn.

3.1.2.3. Phương pháp giáo dục

Phương pháp giáo dục là cách thức tác động của nhà nước vào nhận thức và tình cảm trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Phương pháp giáo dục có ý nghĩa to lớn trong quản lý kinh tế vì đối tượng quản lý là con người - một thực thể năng động và tổng hòa của nhiều mối quan hệ xã hội. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu tinh thần càng tăng, do đó phương pháp giáo dục càng có ý nghĩa quan trọng.

* Đặc điểm

Phương pháp giáo dục dựa trên cơ sở vận dụng các quy luật tâm lý, quy luật xã hội. Sử dụng phương pháp này nhằm nâng cao tính tự giác, tích cực của người lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Phương pháp giáo dục thể hiện sự gắn bó, quan tâm, động viên khích lệ kịp thời phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng, khơi dậy lòng tự hào, tự giác, tự tin.

Phương pháp giáo dục là sự nâng cao khí chất và tinh thần cho người lao động để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, bao gồm giáo dục đạo đức, nhân cách, tri thức, kỹ năng...

* Các phương pháp giáo dục trong quản lý vĩ mô

- Thông qua phương tiện thông tin đại chúng nhà nước tác động lên doanh nghiệp, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần tự cường trong kinh tế, tự giác tuân thủ kỷ cương pháp luật, nghĩa vụ đối với đất nước... Đối với người lao động và toàn thể xã hội thông qua phương tiện thông tin đại chúng nhà nước dẫn dắt, tổ chức cộng đồng nhân dân hăng hái thi đua sản xuất, phát triển công nghệ, giữ gìn truyền thống và bản sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc

- Tuyên truyền giáo dục thông qua hoạt động của các đoàn thể, các tổ chức trong xã hội nhằm thực thi và giám sát tốt các hoạt động sản xuất trong nước và nước ngoài.

- Tuyên truyền giáo dục thông qua các hoạt động và chiến lược phát triển văn hóa - xã hội, gắn phát triển với văn hóa và xã hội bằng các chính sách cụ thể.

- Tuyên truyền giáo dục trong việc rèn luyện, giáo dục đội ngũ cán bộ viên chức nhà nước thuộc các cơ quan quản lý chức năng về kinh tế để họ làm tròn nhiệm vụ quản lý được giao; không bị thoái hóa hư hỏng gây tổn thất và thiệt hại cho các doanh nghiệp hoạt động.

* Yêu cầu của phương pháp giáo dục

Sử dụng tốt phương pháp giáo dục đòi hỏi cán bộ quản lý kinh tế phải nắm vững các quy luật kinh tế, tâm lý và quy luật xã hội.

Phương pháp giáo dục thường được sử dụng kết hợp với các phương pháp khác một cách uyển chuyển, linh hoạt, đặc biệt là phương pháp kinh tế, khuyến khích về tinh thần phải gắn với khuyến khích về vật chất.

Một phần của tài liệu Bài giảng quản lý nhà nước về kinh tế (Trang 52 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)