Ngôn ngữ sinh thái

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ sinh thái trong truyện ngắn của nguyễn minh châu (Trang 26 - 28)

7. Cấu trúc của khóa luận

1.3. Ngôn ngữ sinh thái

1.3.1. Quan niệm về ngôn ngữ sinh thái

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với sự phát triển mạnh mẽ của đô thị, phê bình sinh thái nhanh chóng lan truyền khắp thế giới và trở thành một chuyên ngành nổi bật. Phê bình sinh thái đặt ra cảnh báo về sự hủy hoại tự nhiên, sự biến đổi của môi trường sinh thái. Nó có thể không đưa ra được những giải pháp trực tiếp cho những vấn đề môi trường nghiêm trọng hiện nay nhưng bằng cách phân tích các diễn ngôn về thiên nhiên và môi trường, nó có thể tác động đến tâm thức con người, điều chỉnh nhận thức, khắc phục những ngộ nhận về môi trường, để từ đó, có những hành động đúng đắn hơn, hướng đến sự phát triển bền vững và xa hơn. Đồng thời là quan trọng hơn cả, là hình thành một chủ nghĩa nhân văn mới, chỉ ra thế giới tự nhiên không chỉ là một cái gì hoàn toàn câm lặng mà có tiếng nói, ở đó con người biết nghe tiếng nói của thiên nhiên để đối thoại với nó thông qua ngôn ngữ.

Có thể nói, ngôn ngữ cụ thể mà chúng ta sử dụng để giao tiếp hàng ngày, chính nó cũng mang các dấu vết của cái môi trường tự nhiên mà trong đó nó đã được tạo ra. Hơn nữa, rất nhiều các sử dụng ngôn ngữ cũng biểu thị một sự vận động hai chiều giữa thế giới và ngôn ngữ. Chẳng hạn như trong truyền thống truyền miệng của các dân tộc bản địa, thế giới được kiến tạo thông qua các văn bản nói của các câu chuyện, những bài hát và những nghi lễ; nó liên quan đến sự ghi nhớ cái thế giới vật chất mà trong đó, những cộng đồng cất tiếng nói ấy đang cư ngụ; nó cũng chính là sự mã hóa những thông điệp quan trọng về việc làm thế nào để tồn tại trên mảnh đất với sự tôn trọng đối với thế giới động vật, thực vật. Trong văn học, còn dẫn đến lập luận xa hơn khi cho rằng việc sử dụng ngôn ngữ một cách đặc biệt trong văn học

hoàn toàn có khả năng kết nối con người với thế giới tự nhiên. Chẳng hạn, thơ trở thành một “nơi trú ẩn của tự nhiên, là nơi chốn của tồn tại”. Điều này không nhất thiết phải được thể hiện qua những phát biểu rõ ràng nhằm bảo vệ quyền sẵn có của tự nhiên. Mà thơ ca phải mang “thi tính sinh thái” (ecopoetic) một cách giản dị (nhưng không giản đơn) thông qua việc vạch trần cái vương quốc của những biểu tượng (logos) về trái đất cũng như về nơi sống (oikos). Theo nghĩa này, địa hạt thơ ca sẽ được hình thành như là “một nơi chốn để chúng ta cứu vớt thế giới”; nó nhắc nhở con người điều chỉnh hành vi của mình với tự nhiên, môi trường. Cũng vì lẽ đó nên mới hình thành một thuật ngữ mới - ngôn ngữ sinh thái. Ngôn ngữ sinh thái trở thành công cụ đắc lực để những người nghệ sĩ ngôn từ – những người có năng lực hướng chúng ta đến cái Đẹp, tới việc nhận ra sự mong manh tiềm ẩn của Trái đất, hòa giải “những tiếng nói” của những “kẻ khác phi nhân” – những kẻ mà chúng ta gần nhưng chẳng bao giờ hiểu được sự tồn tại và ý nghĩa của chúng một cách đầy đủ.

Nói là như vậy, song ngôn ngữ sinh thái là lĩnh vực mới mà chính các nhà nghiên cứu cũng chưa đưa ra được một khái niệm chính xác về thuật ngữ “ngôn ngữ sinh thái”. Để phụ vụ cho đề tài này, người viết xin mạnh dạn đưa ra quan niệm của mình về thuật ngữ ngôn ngữ sinh thái. Ngôn ngữ sinh thái là yếu tố, là công cụ tái hiện lại môi trường sinh thái mà ở đó, qua ngôn ngữ, làm rõ cho mối quan hệ biện chứng giữa tự nhiên và con người; cách ứng xử giữa con người với con người, con người với tự nhiên và thái độ của tự nhiên với con người. Đồng thời, mặt khác, ngôn ngữ sinh thái cũng chính là công cụ để thể hiện tư tưởng phê bình sinh thái của tác giả như sự tàn phá của con người, truy vấn về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên; hơn hết là thay đổi cách ứng xử của con người với tự nhiên, với môi trường sinh thái. Cũng vì thế, trong khóa luận này, quan niệm ngôn ngữ sinh thái của người viết luôn gắn chặt với tư tưởng phê bình sinh thái phê bình sinh thái.

1.3.2.Các biểu hiện của ngôn ngữ sinh thái

Để nghiên cứu đạt hiệu quả, ngôn ngữ sinh thái cần lưu ý những điểm: Thứ nhất, chọn văn bản hợp lí, thông minh. Thứ hai, khảo sát các yếu tố ngôn ngữ sinh thái; quan niệm chủ sinh thái (hình tượng thiên nhiên, quan hệ tương sinh – tương khắc giữa con người với môi trường, tình yêu đối với thế giới tự nhiên, lý giải nguyên nhân của nguy cơ sinh thái…các yếu tố này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp, hiển lộ hoặc hàm ẩn); khảo sát hệ chủ đề và chú ý đến đạo đức sinh thái. Thứ ba, cần lý giải vấn đề dưới góc nhìn phê bình sinh thái và tránh việc nghiên cứu ngôn ngữ trong tác phẩm theo lối phê bình truyền thống, dẫn đến kết cục bình mới rượu cũ. Thứ tư, khi nghiên cứu lí thuyết, lý luận tránh hiểu nhầm tính liên ngành trong văn học sinh thái (các vấn đề văn hóa, nữ quyền, sinh thái học;..) với tính liên ngành của sinh thái học trong các ngành khoa học khác (như kiến trúc, giáo dục….)

Như vậy, khi nêu ra các biểu hiện của ngôn ngữ sinh thái như vậy bạn đọc sẽ có cái nhìn cụ thể hơn khi tiến hành khảo sát, phân tích ngôn ngữ sinh thái trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu. Các biểu hiện của ngôn ngữ sinh thái khá phong phú trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu nhưng chủ yếu tập trung: qua không gian, thời gian nghệ thuật; ngôn ngữ - giọng điệu/ diễn ngôn sinh thái; qua thủ pháp tu từ và nghệ thuật tự sự.

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ sinh thái trong truyện ngắn của nguyễn minh châu (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)