7. Cấu trúc của khóa luận
1.4. Về tác giả Nguyễn Minh Châu và truyện ngắn của ông
1.4.2. Sự nghiệp sáng tác
Kể từ khi truyện ngắn đầu tay Một buổi tập (năm 1960), con đường văn học của Nguyễn Minh Châu qua gần 30 năm với hai giai đoạn chính mà cái mốc phân chia là năm 1975.
1.4.2.1. Sáng tác từ trước năm 1975
Trước khi cuộc kháng chiến chống Mĩ bùng nổ trong cả nước, Nguyễn Minh Châu đã có hơn 10 truyện ngắn và bút kí in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhưng phải đến tiểu thuyết Cửa sông (1967) thì con đường văn học của Nguyễn Minh Châu mới thực sự định hình. Tiếp đó, tập truyện ngắn Những vùng trời khác nhau (1970) và nhất là tiểu thuyết Dấu chân người lính (1972) đã đưa ông trở thành một trong số những cây bút văn xuôi hàng đầu của văn học chống Mĩ.
Một điều rất đáng chú ý trong hai cuốn tiểu thuyết ở thời kì này của Nguyễn Minh Châu là cùng với việc thể hiện cảm hứng sử thi bao trùm cả thời đại, nhà văn cũng đã bộc lộ sự nhạy cảm trước những câu chuyện tình đời, những số phận éo le của con người, dù đó mới chỉ là những âm trầm, nốt lặng xen vào bản giao hưởng hào hùng. Ngoài ra một số truyện còn được xây dựng theo mạch kể chuyện khá đơn giản. Đặc sắc hơn cả là truyện Mảnh trăng (về sau, khi in trong tuyển tập truyện ngắn 1945-1975 có tên là Mảnh trăng cuối rừng). Ở tập truyện ngắn này cũng đã bộc lộ một số đặc điểm trong bút pháp của Nguyễn Minh Châu là sử dụng hình ảnh biểu tượng: nhành mai, mảnh trăng trong những truyện ngắn cùng tên, dòng suối (trong Nguồn suối).
1.4.2.2. Sáng tác sau năm 1975
Nguyễn Minh Châu là nhà văn nhạy cảm với những biến đổi của đời sống xã hội ngay sau chiến tranh. Hai cuốn tiểu thuyết Miền cháy và Lửa từ những ngôi nhà cùng xuất bản năm 1977 đã mang đến sắc điệu mới trong sáng tác của nhà văn. Trong những năm 80, Nguyễn Minh Châu còn có hai
tiểu thuyết được xuất bản là Những người đi từ trong rừng ra (1982) và Mảnh đất tình yêu (1987).
Ngay từ năm 1976, nhà văn đã đặt bút viết truyện ngắn Bức tranh mà mãi đến năm 1982 mới được ra mắt công chúng. Từ đó hàng loạt truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu lần lượt được công bố, tạo nên một sự kiện có tiếng vang trong đời sông văn học những năm 1980. Hầu hết các truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu trong giai đoạn này được tập hợn in trong ba tập: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1985) và Cỏ lau (1989).
Trong giai đoạn này, ông còn viết nhiều bài về văn học, hoặc dưới dạng sổ tay ghi chép suy nghĩ tản mạn, kinh nghiệm sáng tác của các nhà văn, lại có những chân dung nhà văn quen thuộc. Phần lớn các bài này, được tập hợp trong cuốn Trang giấy trước đèn (1994).