Vị trí và những đóng góp của Nguyễn Minh Châu trong nền văn học

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ sinh thái trong truyện ngắn của nguyễn minh châu (Trang 31 - 36)

7. Cấu trúc của khóa luận

1.4. Về tác giả Nguyễn Minh Châu và truyện ngắn của ông

1.4.3. Vị trí và những đóng góp của Nguyễn Minh Châu trong nền văn học

đương đại

Với hai chặng đường sáng tác ở hai giai đoạn văn học trước và sau 1975, Nguyễn Minh Châu có những đóng góp to lớn cho nền văn học hiện đại. Những đóng góp của Nguyễn Minh Châu trong vai trò người mở đường cho công cuộc đổi mới văn học được thể hiện chủ yếu ở các phương diện:

1.4.3.1. Đổi mới ý thức nghệ thuật

Sau chiến tranh, Nguyễn Minh Châu sớm ý thức được đòi hỏi phải đổi mới văn học và ông đã trực tiếp bày tỏ những suy nghĩa đầy tinh thần trách nhiệm của một nhà văn trước xã hội và con người.

Thứ nhất, mở rộng quan niệm về hiện thực và mối quan hệ giữa văn học với đời sống. Trong bài báo gây tiếng vang sâu rộng đương thời - Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa (1987), Nguyễn Minh Châu đã chỉ ra giới hạn chật hẹp của quan niệm về hiện thực trong văn học của ta suốt một thời kì dài, mà nhà văn dùng hình ảnh “cái hành lang hẹp và thấp” và đó là “thứ văn nghệ minh họa”. Cái nhìn hiện thực không còn bị bó

hẹp trong những khuôn khổ có sẵn mà mở ra trong một hiện thực đa chiều, luôn biến động và đầy bất ngờ.

Quan niệm về mối quan hệ giữa văn học và đời sống của Nguyễn Minh Châu là một quan niệm đặt trên nền tảng tinh thần nhân bản: “Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”(Phỏng vấn đầu xuân 1986 của báo Văn nghệ), “Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường, những con người cả tâm hốn và thế xác bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con ngươi và cuộc đời, để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực” (Ngồi buồn viết mà chơi).

Thứ hai, về bản lĩnh và trách nhiệm của nhà văn. Với một tinh thần nghiêm khắc tự nhìn lại mình và đội ngũ nhà văn, Nguyễn Minh Châu đã thẳng thắn chỉ ra sự thiếu hụt về bản lĩnh, thói quen che chắn, rào đón do một cái sợ cố hữu luôn ám ảnh, đến nỗi không ít người tự đánh mất mình. Cùng với việc thức tỉnh ý thức về bản thân và tự do sáng tạo của người cầm bút, ông luôn nhắc nhởvề trách nhiệm cao cả của nhà văn. Cuối cùng, về tự do sáng tạo của người nghệ sĩ. Ông là người sớm nói lên khát vọng dân chủ trong đời sống văn nghệ và tự do sáng tạo của người nghệ sĩ.

1.4.3.2. Đổi mới cách nhìn và sự khám phá về con người

Với cái nhìn mới của nhà văn, con người hiện ra không còn đơn thuần nhất mà trong tính lưỡng diện, đa diện và luôn biến động không ngừng. Dù vậy, nhà văn vẫn đặt niềm tin ở con người, muốn dùng ngòi bút tham gia trợ lực cho con người trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, thức tỉnh con người ý thức tự vấn để hướng tới hoàn thiện nhân cách.

Từ sự đổi mới cách nhìn con người, Nguyễn Minh Châu đã đạt đến nhiều thành công trong sự khám phá và thể hiện con người. Thế giới nhân vật trong sáng tác của ông sau 1975, mà chủ yếu ở các truyện ngắn, gồm ba kiểu loại chính: nhân vật tư tưởng, nhân vật thế sự và nhân vật tính cách - số phận.

Mỗi kiểu loại nhân vật ấy đều có khả năng và giá trị riêng trong việc khám phá và thể hiện con người.

1.4.3.3. Những tìm tòi đổi mới trong nghệ thuật tự sự

Cùng với những đổi mới trong quan niệm và cách tiếp cận hiện thực và con người, ngòi bút Nguyễn Minh Châu đã có nhiều tìm tòi, thể nghiệm để đổi mới cách viết, mà nổi lên là nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật trần thuật.

Tương ứng với sự mở rộng các loại hình nhân vật trong các sáng tác sau 1975, Nguyễn Minh Châu đã thành công trong việc sử dụng nhiều thủ pháp khắc họa nhân vật, mà đặc sắc hơn cả là miêu tả tâm lí, sử dụng độc thoại nội tâm. Từ những nhân vật được định hình, luôn “trùng khít với chính nó” trong tác phẩm mang âm hưởng sử thi, nhà văn đã đi tới khám phá “con người bên trong”, phát hiện ra “con người không trùng khít với bản thân mình” và những quy luật rất phức tạp của đời sống tâm lí của các nhân vật những xung đột bên trong, thầm lặng mà gay gắt, với những diễn biến quanh co, những bất ngờ khó đoán định được. Độc thoại nội tâm được khai thác như một thủ pháp quan trọng nhất để các nhân vật tự hiện diện đời sông bên trong của nó, đặc biệt là loại nhân vật tư tưởng, nhưng cũng không thiếu ở các nhân vật tính cách, các nhân vật đời tư. Thủ pháp này đạt đến sự thuần thục, nhuần nhuyễn và hiệu quả cao trong Phiên chợ Giát. Nghệ thuật trần thuật của Nguyễn Minh Châu cũng có nhiều tìm tòi. Đáng chú ý là sự nới lỏng cốt truyện, tạo tình huống, việc thay đổi linh hoạt điểm nhìn trần thuật, sử dụng thường xuyên các biểu tượng và đổi mới giọng điệu trần thuật.

1.4.3.4. Truyện ngắn NMC và tư tưởng sinh thái trong truyện ngắn của ông

Nguyễn Minh Châu được coi là “người mở đường tinh anh tài năng nhất”, ngay cả ở việc ý thức rất sớm các vấn đề sinh thái. Bằng nhạy cảm của người cầm bút, ông viết Một lần đối chứng (1982). Tác giả muốn nhìn đời sống qua con mắt chính loài vật, như bản chất tự nhiên hoang dã, bên ngoài mọi tình cảm cao thượng, trong sáng tác của con người. Việc “mèo vẫn hoàn

mèo” thể hiện “khát vọng khôn cùng muốn nắm bắt tâm hồn muôn loài” để thấy được “cuộc sống vượt ra ngoài phạm vi thói quen “tưởng tượng” “liên tưởng”, “nhân cách hóa thường tình”. Chính cách nhìn này đã giúp Nguyễn Minh Châu phát hiện ra một hiện thực bề sâu, mở ra chủ đề phát hiện chân lý qua những chi tiết dường như trái ngược nhưng lại phù hợp theo logic đời sống. Việc tha bổng con bò Khoang (Phiên chợ Giát) về rừng, nhưng con vật lại quay trở về là một cách nhìn như thế. Chưa xét đến tính biểu tượng đằng sau nó, chỉ tính riêng việc biểu hiện tập tính của loài vật thì đây là một cái nhìn thấu suốt. Loài vật có lẽ sẽ xa lạ với ý niệm “được thả tự do” của lão Khúng, nó về nhà như một thói quen của giống loài, xử sự theo quy luật muôn đời, bất chấp mọi ý định cao đẹp, trong sáng của con người. Tiếp theo là Sống mãi với cây xanh (1983), tác giả đề cập từ rất sớm “niềm tin pha lẫn âu lo” về tương lai đô thị hóa. Những đề xuất này của Nguyễn Minh Châu vẫn được các nhà văn viết về sinh thái khẳng định.

Tiểu kết chương 1

Những vấn đề khát quát chung trên đây là cơ sở cho khóa luận tiến hành tìm hiểu ngôn ngữ sinh thái trong các truyện ngắn Nguyễn Minh Châu. Trên cơ sở đó có thể rút một số kết luận ban đầu làm nền để giải quyết các vấn đề trong quá trình tìm hiểu đề tài. Thứ nhất, sự ra đời của Văn học sinh thái với những quan điểm mới mẻ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thay đổi trong cách thể hiện mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau 1975. Tiêu biểu với các sáng tác Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Duy Phiên, …….tuy nhiên với mỗi tác phẩm các nhà văn đều đem đến cho người đọc sự mới lạ của riêng mình. Thứ hai, Nguyễn Minh Châu là tác giả ý thức rất sớm các vấn đề sinh thái, đặc biệt là Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Minh Châu nói lên tư tưởng sinh thái, tạo cơ sở tiền đề cho sự phát triển văn học ở mảng ngôn ngữ sinh thái trong các tác phẩm văn xuôi. Đồng thời, việc đặt đề tài trong toàn bộ tiến trình phát triển cũng là tiền đề quan trọng để tìm hiểu vấn đề trong các đề tài nghiên cứu sau này.

Chương 2

BIỂU HIỆN/ CÁC PHƯƠNG DIỆN CỦA NGÔN NGỮ SINH THÁI TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MINH CHÂU

Biểu hiện của ngôn ngữ sinh thái trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu khá phong phú nhưng qua khảo sát chủ yếu được ngôn ngữ sinh thái tự

nhiên, hoang dã và ngôn ngữ sinh thái đô thị.

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ sinh thái trong truyện ngắn của nguyễn minh châu (Trang 31 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)