6. Cấu trúc khóa luận
2.1. Nguyễn Ái Quốc với cách mạng Trung Quốc giai đoạn 1924-1927
2.1.1. Con đường đến Quảng Châu (Trung Quốc) của Nguyễn Ái Quốc
Trong những năm 1923 -1927, Quảng Châu là thủ đô của “cách mạng Tôn Dật Tiên”, một trung tâm của cách mạng dân chủ mới ở Trung Quốc, cũng là nơi nhiều nhà cách mạng trên thế giới lui tới hoạt động, nên Quảng Châu một thời đã được mệnh danh là “Mátxcơva của phương Đông”.
Nguyễn Ái Quốc đã biết đến Quảng Châu khi còn ở Pari qua nhóm thanh niên Trung Quốc đang “cần công kiệm học” tại đây. Chính Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp Anbe Xarô (Albert Saraut) đã mời Nguyễn Ái Quốc lên gặp và đe trước rằng: “Hiện nay có những kẻ ngông cuồng hoạt động ở Pháp. Họ liên lạc với bọn Bônsêvích ở Nga. Từ Nga họ liên lạc với Quảng Đông. Và từ Quảng Đông họ liên lạc với Việt Nam. Chính phủ Pháp biết rõ hết những dây liên lạc đó” [18;44]. Nguyễn Ái Quốc thầm khen tên cáo già thuộc địa đã đoán đúng ý định của mình. Cũng tại Pháp, tháng 5-1921, trên tờ báo La Revue Communiste, Nguyễn Ái Quốc đã viết : “Sự thành lập của chính quyền cách mạng Tôn Dật Tiên ở phía Nam , đã hứa hẹn với chúng ta một nước Trung Hoa được tổ chức lại và vô sản hóa” [18;45]. Thời gian làm việc ở Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc đã kết thân với Trương Thái Lôi, một chiến sĩ cộng sản nổi tiếng ở Trung Quốc, quê tại Quảng Đông. Những mối quan hệ đó tạo điều kiện cho Nguyễn Ái Quốc tìm hiểu sâu hơn về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ đang diễn ra ở Trung Quốc.
Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc dân Đảng họp tháng 1- 1924 ở Quảng Châu, chủ nghĩa Tam dân mới của Tôn Dật Tiên đã được giải thích lại. Chủ nghĩa dân tộc mới chủ chương chống đế quốc tự giải phóng nước Trung Hoa, các dân tộc trong nước đều bình đẳng như nhau. Chủ nghĩa dân quyền mới chủ chương dân quyền là của chung nhân dân, không để cho thiểu số người tư sản chiếm làm của riêng, tất cả những ai chống đế quốc và phong kiến đều được hưởng quyền dân chủ. Chủ nghĩa dân sinh mới chủ chương “bình dân địa
quyền” , “người cày có ruộng”, “ tiết chế tư sản”, cải thiện đời sống công nhân, không để cho thiểu số tư bản và địa chủ thao túng quốc kế dân sinh.
Nội dung mới của chủ nghĩa Tam dân về cơ bản phù hợp với nhiệm vụ của thời kỳ cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, nên được Nguyễn Ái Quốc chú ý và ủng hộ cho cách mạng Trung Quốc.
Ngay từ thời điểm ở Nga, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch lên đường đến Trung Quốc, phù hợp với tình hình mới. Nhìn tổng thể những hoạt động chủ yếu của Người bao gồm:
Một là, tranh thủ sự giúp đỡ của Quốc tế cộng sản. Để chuẩn bị cho kế hoạch đi Trung Quốc, theo kế hoạch dự kiến phải được sự đồng ý của Quốc tế Cộng sản, nên tháng 9-1923 Nguyễn Ái Quốc chính thức thông báo với Quốc tế Cộng sản về chương trình hành động bao gồm những hoạt động sắp tới ở Trung Quốc như sau:
“1. Xuất bản một tờ báo nhỏ tiếng Việt 2. Tập hợp những phần tử dân tộc cách mạng
3. Cố gắng đư những thanh niên người bản xứ đi Mátxcơva 4. Xây dựng liên lạc Mátxcơva – Đông Dương – Pari” [23;14-15]
Hai là, liên hệ với cách mạng Trung Quốc. Để chuẩn bị cho chuyến đi, Nguyễn Ái Quốc đã chú tâm tìm hiểu cách mạng tại Trung Quốc, nhất là tình hình chuyển biến trong sự hợp tác giữa Đảng Cộng sản và Quốc dân đảng. Được biết Quốc dân đảng cử một đoàn mang tên Đoàn đại biểu của bác sĩ Tôn Trung Sơn, do Tưởng Giới Thạch làm trưởng Đoàn và có Trương Thái Lôi cùng đi đến Mátxcơva để nghiên cứu về chính trị, quân sự và đảng vụ, đồng thời bàn về vấn đề Liên Xô viện trợ cho cách mạng Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành liên hệ với đoàn để tìm hiểu tình hình. Ngày 3-10-1923 Nguyễn Ái Quốc đã có một cuộc hội kiến với Tưởng Giới Thạch và Trương Thái Lôi nhằm chuẩn bị cho sự liên hệ và giúp đỡ khi Người tới Trung Quốc và những hoạt động sau đó.
Ba là, khẳng định vị trí vai trò của mình trong các hoạt động quốc tế. Để chuẩn bị cho các hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc rất nỗ lực trong các hoạt động quốc tế. Từ ngày 10 đến ngày 17-10-1923, Nguyễn Ái Quốc dự Hội
nghị lần thứ nhất Quốc tế nông dân, những phát biểu có ý nghĩa lý luận và thực tiễn của Nguyễn Ái Quốc ở hội nghị đã được đánh giá cao và giành được sự tín nhiệm của các đại biểu. Người được Đại hội bầu chọn thành Ủy viên của Hội đồng Quốc tê nông dân (gồm 52 ủy viên), được hội đồng này bầu là Ủy viên đoàn Chủ tịch của Hội đồng Quốc tế Nông dân (gồm 11 ủy viên). Tháng 12- 1923 Nguyễn Ái Quốc được cử làm việc trong Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Ngày 17-6-1924, Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản với tư cách là đại biểu tư vấn. Những hoạt động trong các tổ chức quốc tế đã nâng tầm của Nguyễn Ái Quốc trên mọi phương diện trước khi đi Trung Quốc.
Ngày 11-11-1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu vào lúc không khí cách mạng đang sôi sục khắp thành phố, các cuộc mít tinh, biểu tình, diễn thuyết, tuần hành hô khẩu hiệu ủng hộ chính phủ Tôn Dật Tiên liên tục diễn ra suốt ngày đêm. Dư âm của tiếng bom Phạm Hồng Thái vẫn còn sôi nổi trong những người Việt Nam có mặt tại Quảng Châu. Đó là những dấu hiệu thuận lợi cho cách mạng Trung Quốc.
Nguyễn Ái Quốc có mặt ở Quảng Châu trên danh nghĩa công khai là cán bộ phiên dịch của phái bộ Bôrôđin. Người sẽ hoàn thành nhiệm vụ với Hội quốc tế Nông dân trên cương vị Ủy viên Đoàn chủ tịch của tổ chức này phụ trách và chỉ đạo phong trào nông dân ở châu Á, vừa phải bắt tay vào chuẩn bị những tiền đề chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Đồng thời Nguyễn Ái Quốc còn tham gia tích cực những hoạt động giúp đỡ phong trào cách mạng các nước trong khu vực, đặc biệt là phong trào cách mạng Trung Quốc những năm 1924-1927, với tinh thần Quốc tế vô sản trong sáng.