Tuy hai nước ở cách nhau đúng nửa vòng trái đất, Chile là mảnh đất có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Ở Nam bán cầu, đất nước Chile hẹp và dài, tựa lưng vào dãy núi Andes, hướng mặt ra Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là dải đất
tựa lưng vào dãy Trường Sơn, cũng hẹp và dài hướng mặt ra Thái Bình Dương ở Bắc bán cầu. Ngày nay, đất nước này đang từng ngày trỗi dậy một phần là nhờ vào các khu TMTD. Giữa một vùng mênh mông hoang mạc phía Bắc Chile, Khu TMTD Zofri với những chính sách thông thoáng, luật lệ rõ ràng đang trở thành một "miền đất hứa" của các nhà đầu tư. Từ khi có khu TMTD, hạ tầng cơ sở được xây dựng, các công trình bắt đầu mọc lên với sân bay, cảng biển, đường bộ. Từ Zofri, hàng hóa nhập vào Chile rồi tỏa đi muôn phương. Từ việc khảo sát và nghiên cứu mô hình của Chile, chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm cho việc xây dựng và phát triển Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo.
+ Quan hệ trong khu TMTD và nội địa phải là quan hệ xuất khẩu – nhập khẩu và nên xây dựng hàng rào cứng. Khu TMTD Zofri nằm trong vùng “hàng rào cứng”. Hàng hóa vào đây không bị một hạn chế nào, trừ hàng cấm. Ngoài phạm vi 200 ha (vòng 1) có một vùng đệm (vòng 2) chiếm khoảng 20 % diện tích của Chile với khoảng 40 vạn dân sinh sống, dân trong “vùng đệm” này được hưởng chính sách ưu đãi như: chỉ chịu 1,1% thuế nhập khẩu, trong khi đó hàng hóa nếu nhập vào nội địa (vùng 3) phải chịu 25% thuế (gồm 6% thuế nhập khẩu và 19% VAT). Ở các khu TMTD của các nước đều có “hàng rào cứng”, trong phạm vi 200 hecta nhưng Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo không có “hàng rào cứng” nên các ngành đều sợ trách nhiệm về công tác chống buôn lậu và tìm cách hạn chế một số mặt hàng nhập khẩu “nhạy cảm”. Cũng ở đây hàng các nước khác đưa vào lắp ráp, gia công đều được lấy xuất xứ (C/O) của nước đó. Đặc biệt hàng hóa các nước có thể nhập khẩu vào, thuê kho, ký gửi, chờ cơ hội bán hàng, chuyển đổi, hoàn thiện hoặc thương mại hóa mà không có sự hạn chế nào.
+ Quy mô khu TMTD phải rộng, mặt bằng đảm bảo cho hệ thống dịch vụ logistics vận hành thuận lợi, đảm nhận được vai trò trung chuyển. Zofri được coi là khu TMTD lớn nhất và thành công nhất ở Nam Mỹ. Chỉ trên một diện tích 200 ha, Zofri dành 80 ha cho thương mại với 400 điểm bán hàng sĩ và lẻ, giá trị hàng hóa bán trong năm 2006 là 115 triệu USD. Diện tích dành cho các khu công nghiệp là 128 ha, có 500 kho dự trữ hàng hóa. Tại đây 1600 công ty trong và ngoài nước hoạt động từ sản xuất đến kinh doanh thương mại, dịch vụ kho tàng, dịch vụ logistics.
+ Phải có Luật riêng về Khu TMTD thì mới đảm bảo tính pháp lý về cơ chế chính sách ưu đãi. Chile đã có luật cùng lúc với khu TMTD đầu tiên ra đời. Ngay từ năm 1975, Chile đã ban hành Luật (số 18.846) về hình thành Khu TMTD Zofri. Chuyến công tác của ông Lê Hữu Thăng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, kiêm trưởng BQL khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo đến Chile tháng 7/2007 vừa rồi cũng là nhằm nghiên cứu để xây dựng Nghị định Chính phủ về Khu TMTD, tiến đến xây dựng luật về khu TMTD tại Việt Nam. Ở ta, khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo ra đời nay đã hơn 10 năm nhưng vẫn chưa có luật, chính vì chưa có luật nên khi hướng dẫn thực hiện các ngành không thống nhất với quyết định của Chính phủ, thí dụ: Chính phủ cho miễn thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng Bộ Tài chính hướng dẫn có thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô.