Một trong những nước đã thành công trong việc tiên phong phát triển các ĐKKT phải kể đến Trung Quốc. ĐKKT là hạt nhân cho sự phát triển thần kì của vùng ven biển miền Đông, xét về tất cả các mặt như công nghiệp hoá và hiện đại hoá, hội nhập và đầu tư, tạo công ăn việc làm và chiếm lĩnh thị trường thế giới. Tất cả những khu này đều có chung một xuất phát điểm từ bốn thí điểm đầu tiên. Đó là Thẩm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu và Hạ Môn. Bốn đặc khu này được thành lập từ năm 1979 và 1980 với sứ mệnh như những “phòng thí nghiệm” về chính sách đổi mới. Sự thành công của các thí điểm này đã vượt trên mức kì vọng, để đến ngày nay Trung Quốc có hơn một ngàn khu kinh tế mở, khu phát triển kinh tế công nghệ, khu chế xuất hay các khu mang tên khác nhau nhưng có cùng bản chất.
Qua nghiên cứu có thể rút ra một số kinh nghiệm của Trung Quốc có thể áp dụng cho Việt Nam trong việc xây dựng các đặc khu kinh tế như sau :
+ Nắm vững tình hình trong nước và xu hướng phát triển của thế giới để xác định thời cơ thuận lợi: Cuối những năm 1970, trước hiện trạng nền kinh tế nước nhà lâm vào suy thoái nghiêm trọng và trào lưu kinh tế mới đang xuất hiện trên thế giới, chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng nhìn nhận lại con đường phát triển của mình. Đây là thời điểm mà các nền kinh tế phát triển trên thế giới sau thời gian tập trung cho công nghiệp nặng đã chuyển sang xu hướng đưa vốn đầu tư ra nước ngoài, chủ yếu tới các nước kém phát triển hơn, nhằm chuyển giao những công nghệ đã phần nào lạc hậu, và lợi dụng nguồn lao động, nguyên liệu tại chỗ với giá rẻ. Nhận thức được tình hình đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tiến hành cải cách kinh tế, mở cửa thị trường, phá bỏ hình thức “bế quan toả cảng” trong quan hệ kinh tế đối ngoại, chính thức khẳng định định hướng xây dựng một nền kinh tế hướng ngoại, ưu tiên số một cho các ngành liên quan tới xuất khẩu hoặc có sử dụng công nghệ cao. Nhiều biện pháp khác nhau đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc đề ra, trong đó đã sử dụng một mô hình kinh tế hoàn toàn mới để kết hợp tiềm năng trong
nước và xu thế quốc tế – mô hình ĐKKT. ĐKKT xuất hiện ở Trung Quốc trong những năm đầu thập kỷ 80 đã nhanh chóng trở thành chiếc cầu nối những luồng tư bản khổng lồ từ các nước tư bản và các nước công nghiệp mới. Mặc dù ĐKKT chỉ được triển khai với tư cách là một mô hình thử nghiệm nhưng nó đã giành được nhiều thành công lớn. Có được điều này là do Đảng Cộng sản Trung Quốc đã rất nhạy bén, nắm vững tình hình trong và ngoài nước, đón được xu hướng vận động của thời đại, từ đó đề ra chiến lược phát triển đúng đắn và kịp thời.
+ Lựa chọn vị trí địa lí thuận lợi: Với ý đồ xây dựng các ĐKKT thành những “Hồng Kông xã hội chủ nghĩa”, Trung Quốc đặc biệt chú trọng tới việc lựa chọn địa điểm xây dựng đặc khu. Các khu vực được chọn đều ở gần các tuyến giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không, tạo nên cửa ngõ hữu hiệu nối liền kinh tế nội địa với kinh tế thế giới: Thẩm Quyến là điểm gần nhất đến Hồng Kông, Chu Hải ngay cạnh Ma Cao, Hạ Môn là điểm gần nhất đến Đài Loan, và Sán Đầu là nơi tập trung Hoa Kiều với mật độ cao nhất. Hơn nữa, dân cư ở những vùng này có truyền thống buôn bán với bên ngoài, có trình độ phát triển kinh tế khá cao, giá trị tổng sản lượng công nghiệp chiếm trên 50% của cả nước, nên đã được xác định là vùng có điều kiện đi đầu trong chính sách mở cửa. Ngoài ra, các khu vực xây dựng đặc khu nằm ở vùng ven biển, là nơi tiếp giáp với các nền kinh tế năng động như Nhật Bản, ASEAN. Điều này có thể tạo thuận lợi rất lớn trong việc nắm bắt thời cơ, đón nhận thời cơ và chớp lấy thời cơ của chính phủ Trung Quốc trước xu thế khu vực hoá và toàn cầu hoá đang diễn ra ở mọi nơi trên thế giới.
+ Tận dụng nguồn lực bên ngoài: Xác định được hướng đi của mình, Trung Quốc phải đối mặt với vấn đề nguồn lực. Đó chính là nguồn vốn đầu tư, công nghệ, và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của nước ngoài. Không những thế, Trung Quốc còn xác định rõ những nhà đầu tư tiềm năng: trước hết đó 57 triệu người Hoa đang sinh sống ở hải ngoại, là những nhà đầu tư Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao, tiếp sau đó là tất cả những doanh nhân có khả năng cung cấp công nghệ cao và kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Trung Quốc vừa thức tỉnh tinh thần dân tộc, vừa chứng tỏ cho Hoa kiều và thế giới biết rằng hơn 30 năm xây dựng kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp đã qua. Trung Quốc hôm nay sẵn lòng và quyết tâm mở cửa chào đón
thế giới, sẵn sàng dành những thuận lợi nhất cho những ai góp công, góp của xây dựng Trung Quốc.
+ Xây dựng cơ sở hạ tầng : Chính phủ Trung Quốc đã mạnh dạn đầu tư vào cơ sở hạ tầng như hệ thống điện nước, đường sá, sân bay bến cảng, bưu chính viễn thông từ con số không ban đầu, chấp nhận chi phí và rủi ro. Từ năm 1980 – 1983, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 1,9 tỷ NDT (khoảng 980 triệu USD) vào việc xây dựng các công trình ở Thâm Quyến. Để đẩy nhanh quá trình xây dựng ĐKKT trong giai đoạn đầu thành lập, chính quyền các đặc khu đã nghĩ ra nhiều cách thức huy động vốn bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Các ngân hàng được khuyến khích tối đa trong việc huy động các nguồn vốn trong và ngoài đặc khu, đồng thời cũng tiến hành cho vay vốn trong đặc khu. Các công ty xây dựng cũng ra sức huy động vốn qua các hình thức tín dụng tài trợ dự án hoặc yêu cầu người có nhu cầu sử dụng cơ sở hạ tầng ứng trước một phần vốn để xây dựng. Và những kết quả cuối cùng về xây dựng cơ sở hạ tầng ở ĐKKT đã được các nhà đầu tư đánh giá là có chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu đầu tư và giao dịch của ĐKKT.
+ Hoàn thiện hệ thống chính sách
• Hoàn thiện các chính sách ưu đãi: Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào đặc khu, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các chính sách ưu đãi hấp dẫn các nhà đầu tư, nhằm tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng và thuận lợi. Trong số những chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế có lẽ là quan trọng nhất. Các chính sách ưu đãi không chỉ dừng lại ở các ưu đãi về thuế, mà còn ở các ưu tiên về thị trường tiêu thụ sản phẩm, chính sách thuê mướn lao động bản địa và quy định các mức lương, các ưu đãi về sử dụng đất, phân chia thu nhập tài chính, đơn giản hoá thủ tục hành chính đối với việc xuất nhập cảnh của nhà đầu tư nước ngoài… Tất cả những chính sách đó tạo thành một mô hình chung cho việc khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, mô hình đó biến tướng ở mức độ khác nhau khi nó được thực thi ở các địa phương. Các quan chức ở những tỉnh, huyện có ĐKKT được quyền vận dụng linh hoạt những chính sách của chính phủ.
• Mạnh dạn thực hiện việc phân cấp quản lý: Chủ trương trao quyền tự chủ cho địa phương được xem như biện pháp mấu chốt tạo nên thành công của mô
hình ĐKKT của Trung Quốc. Trung Quốc trao toàn quyền tự chủ cho các ĐKKT, cho phép các ĐKKT hoàn toàn độc lập về tài chính với trung ương và có quyền đề ra những ưu đãi riêng đối với các nhà đầu tư, miễn là những ưu đãi đó nằm trong khuôn khổ pháp lý của nhà nước. ĐKKT được coi như trung gian giữa chính quyền trung ương và các nhà đầu tư. Trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc không vi phạm chính sách chung, không mâu thuẫn với lợi ích toàn cục, chính quyền đặc khu được trao quyền rất lớn, nhiều khi còn ngang bằng hoặc cao hơn cả cấp chính quyền tỉnh, trong đó có cả quyền lập pháp, hành pháp, quyền cấp giấy phép đầu tư, quyền quy hoạch và bán quyền sử dụng đất, quyền có ngân sách riêng và lập kế hoạch tài chính trực tiếp với Trung ương… Chính quyền đặc khu cũng là nơi tiếp nhận, quản lý, giải quyết những khúc mắc của các nhà đầu tư trong suốt thời gian thực hiện dự án theo mô hình “dịch vụ một cửa”. Chính vì vậy, năng lực quản lý của các ĐKKT được nâng cao, góp phần vào việc điều tiết nền kinh tế đặc khu theo đúng cơ chế thị trường. Việc trao quyền cho chính quyền các đặc khu để các cấp quản lý này chủ động linh hoạt trong công tác quản lý, kịp thời đưa ra những chủ trương chính sách phù hợp với yêu cầu thực tế, đã góp phần tạo nên thành công lớn của các ĐKKT.
• Chú trọng công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực: Không chỉ xây dựng được một hệ thống cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn mà đội ngũ cán bộ quản lý và những người lao động trực tiếp sản xuất cũng được tuyển chọn rất kỹ càng. Trong quá trình làm việc, đội ngũ cán bộ không ngừng được bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp thu những kinh nghiệm quản lý mới. Các cán bộ có năng lực còn được gửi đi học chuyên tu ở các trường đại học trong nước và nước ngoài. Đội ngũ công nhân sản xuất cũng luôn được tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề. Chính yếu tố con người đã quyết định phần lớn tới sự thành công của các ĐKKT.