Các quy định về thủ tục nghị án và tuyên án

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thủ tục phiên tòa sơ thẩm dân sự và thực tiễn thực hiện tại tòa án nhân dân tỉnh bắc giang (Trang 71 - 75)

7. Kết cấu của luận văn

2.1. Thực trạng pháp luật Việt Nam về thủ tục phiên toà sơ thẩm

2.1.4. Các quy định về thủ tục nghị án và tuyên án

- Thủ tục nghị án:

Thủ tục nghị án được quy định tại Điều 236, Điều 237 BLTTDS, với những nội dung thể hiện tinh thần đổi mới hoạt động tư pháp được đề ra trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2001 của Bộ chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX về một số nhiệm vụ trọng tâm công tư pháp trong thời gian tới: Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện, các chứng cứ, ý kiến của nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục trong thời hạn pháp luật quy định. Việc xem xét, đánh giá để đưa ra phán quyết được HĐXX thực hiện thông qua thủ tục nghị án.

Thủ tục nghị án được quy định như sau:

Việc nghị án được thực hiện tại phòng nghị án và chỉ có thành viên HĐXX mới có quyền nghị án. Như vậy, việc nghị án là bí mật, được tiến hành tại phòng riêng và không ai có quyền vào phòng nghị án. Đây là quy định ngoại lệ của nguyên tắc xét xử công khai, nhằm đảm bảo việc nghị án của các thành viên HĐXX được tập trung, tránh bị chi phối, tác động của các cá nhân, tổ chức khác khi đưa ra phán quyết.

Khi nghị án, các thành viên của HĐXX phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số từng vấn đề. Hội thẩm nhân dân biểu quyết trước, Thẩm phán biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có

quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án. Như vậy, khi nghị án, các thành viên HĐXX độc lập, có quyền ngang nhau khi thảo luận và biểu quyết từng vấn đề của vụ án. Việc ưu tiên cho Hội thẩm nhân dân phát biểu trước là nhằm giúp cho Hội thẩm nhân dân có thể đưa ra quan điểm khách quan, vô tư về vụ án, không bị phụ thuộc vào ý kiến của Thẩm phán hoặc tránh trường hợp Thẩm phán áp đặt ý kiến của mình cho các Hội thẩm nhân dân. Mặt khác, quy định này còn có ý nghĩa phát huy vai trò và trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân, buộc Hội thẩm nhân dân phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và phải tập trung tư duy khi tham gia phiên tòa, thì mới có thể đưa ra quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án.

Về nội dung và căn cứ nghị án, Điều 236 BLTTDS quy định, khi nghị án các thành viên HĐXX chỉ được căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả việc hỏi tại phiên tòa và phải xem xét đầy đủ ý kiến của những người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên.

Khi nghị án phải có biên bản ghi lại ý kiến đã thảo luận và quyết định của HĐXX, biên bản nghị án phải có đầy đủ chữ ký của thành viên HĐXX tại phòng nghị án.

Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp đòi hỏi thời gian nghị án dài thì HĐXX quyết định kéo dài thời gian nghị án nhưng không quá 05 ngày làm việc kể từ khi kết thúc tranh luận tại phiên tòa. HĐXX phải thông báo cho những người có mặt tại phiên tòa, người vắng mặt tại phiên tòa biết ngày, giờ và địa điểm tuyên án.

Ngoài ra, Điều 237 BLTTDS có quy định trường hợp qua nghị án mà HĐXX phát hiện có những vấn đề chưa được xem xét và hỏi chưa đầy đủ hoặc cần phải xem xét thêm chứng cứ thì HĐXX có quyền trở lại việc hỏi và tranh luận.

Trên cơ sở kết quả của thủ tục hỏi, tranh luận và nội dung nghị án, HĐXX ra bản án quyết định về việc giải quyết toàn bộ nội dung vụ án theo quy định tại Điều 210 BLTTDS. Nội dung của bản án được quy định tại Điều 238 BLTTDS gồm bốn phần: phần mở đầu, phần nội dung vụ án, phần nhận định và phần quyết định của Tòa án.

Quy định của BLTTDS về thủ tục nghị án đã tương đối đầy đủ và phù hợp, nhưng vẫn có sự bất cập ở các nội dung:

+ Điều 237 BLTTDS về vấn đề trở lại việc hỏi và tranh luận khi nghị án quy định “Qua nghị án, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc hỏi chưa đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì HĐXX quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận”,quy định này chưa rõ về số lần được phép trở lại việc hỏi và thời hạn trở lại việc hỏi, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau trong thực tiễn xét xử. Quan điểm thứ nhất cho rằng khi đã kết thúc thời hạn nghị án 05 ngày làm việc theo khoản 5 Điều 236 BLTTDS nhưng vì một lý do nào đó mà không thể ra bản án ngay được nên HĐXX đã trở lại phần hỏi để từ đó đưa quá trình xét xử trở lại từ đầu theo Điều 237 BLTTDS; trên cơ sở đó, khi đã trở lại và kết thúc phần hỏi, phần tranh luận thì HĐXX lại tiếp tục kéo dài thời gian nghị án thêm 05 ngày nữa và nếu khi kết thúc 05 ngày nghị án (của lần này) mà vẫn chưa ra bản án thì có thể tiếp tục cách làm như vừa nêu trên. Quan điểm thứ hai lại cho rằng qua thời hạn nghị án, nếu xét thấy cần thiết thì HĐXX có thể quyết định trở lại phần hỏi và phần tranh luận và chỉ được trở lại một lần; sau đó thì phải tuyên án nhưng phải đảm bảo việc tuyên án vẫn còn trong thời hạn 05 ngày kể từ khi kết thúc phần tranh luận đầu tiên. Do có nhiều quan điểm khác nhau về quy định tại điều luật này nên cần phải có sửa đổi, bổ sung để có cách hiểu thống nhất, góp phần nâng cao vai trò của Tòa án trong việc bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm dân sự [4, tr57].

+ Chưa quy định đầy đủ về thủ tục ban hành bản án sơ thẩm: Điều 210 BLTTDS có quy định “Bản án phải được HĐXX thảo luận và thông qua tại phòng nghị án” nhưng chưa quy định rõ, việc thông qua bản án có được thể hiện trong biên bản nghị án hay không, bản án do tất cả các thành viên HĐXX ký hay Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ký thay mặt HĐXX. Trường hợp khi nghị án, một thành viên HĐXX biểu quyết khác với ý kiến của các thành viên còn lại thì họ có phải ký tên vào bản án hay không.

Dự thảo 5 BLTTDS sửa đổi đã sửa đổi quy định tại Điều 236 BLTTDS năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 như sau: “Khi nghị án, các thành viên

của HĐXX phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa các quy định của pháp luật, án lệ dân sự có liên quan, tập quán, tương tự pháp luật, lẽ công bằng để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề”. Quy định mới này trong Dự thảo đã đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp về vấn đề áp dụng án lệ và thẩm quyền xét xử vụ án dân sự, Tòa án án không được từ chối thụ lý vụ án vì lý do chưa có luật áp dụng.

- Thủ tục tuyên án:

Thủ tục tuyên án được quy định tại Điều 239 BLTTDS: Sau khi đã nghị án xong, HĐXX trở lại phòng xử án và yêu cầu mọi người trong phòng xử án đứng dậy. Nếu có người không đứng dậy thì Thư ký yêu cầu họ đứng dậy trừ trường hợp người đó vì lý do sức khỏe không đứng dậy được thì chủ tọa phiên tòa cho phép họ ngồi tại chỗ sau đó mới tuyên án. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên HĐXX đọc bản án. Nếu bản án dài thì các thành viên HĐXX có thể thay nhau đọc bản án. Sau khi đọc xong có thể giải thích cho đương sự và những người tham gia tố tụng biết việc thi hành bản án hoặc quyền kháng cáo bản án sơ thẩm. Trong trường hợp có đương sự không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án người phiên dịch phải dịch lại cho họ nghe toàn bộ bản án sang ngôn ngữ mà họ biết. Đây là quy định mới của BLTTDS nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của các đương sự, đương sự không biết tiếng việt có quyền được nghe tuyên án bằng tiếng của mình. Sau khi tuyên án xong, chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX tuyên bố kết thúc phiên tòa.

Ngoài ra trong mục về tuyên án của BLTTDS còn có quy định về những công việc sau phiên tòa bao gồm: Sửa chữa, bổ sung bản án [13, Điều 240] và cấp trích lục bản án [13, Điều 241].

Như vậy, các quy định của BLTTDS về thủ tục phiên tòa sơ thẩm thể hiện ba điểm nổi bật: Một là, đã khắc phục được một số bất cập của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự; hai là quy định khá đầy đủ, chi tiết quyền và nghĩa vụ của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; ba là quy định đầy đủ, cụ thể và chi tiết từng hoạt động và trình tự thực hiện các hoạt động tại phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, các quy định của BLTTDS còn nhiều

bất cập, chưa đảm bảo thực hiện quyền tự định đoạt của đương sự, cũng như chưa đảm bảo nguyên tắc tranh tụng theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật TCTAND năm 2014, chưa đảm bảo để Tòa án ra một phán quyết tốt nhất giải quyết vụ án dân sự. Mặt khác, các quy định về bảo đảm quyền tranh luận tại phiên tòa chưa phát huy hết hiệu quả trên thực tế; chưa phát huy được sự tham gia tích cực và chủ động của những người tham gia tố tụng. Đồng thời, BLTTDS hiện hành vẫn còn thiếu sót, chưa quy định cụ thể một số nội dung quan trọng như vấn đề giám định tại phiên tòa, vấn đề tạm ngừng phiên tòa. Đặc biệt quy định của BLTTDS hiện hành chưa thể hiện được vai trò của Luật sư. BLTTDS chưa quy định quyền và nghĩa vụ của Luật sư giám sát việc tuân thủ các quy định về thủ tục phiên tòa sơ thẩm của những người tiến hành tố tụng, để đưa ra những yêu cầu cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích tối đa cho thân chủ của mình, đảm bảo quá trình tố tụng tại phiên tòa được diễn ra theo đúng các quy định của pháp luật. Điều 232 BLTTDS quy định Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phát biểu ý kiến, trình bày quan điểm bào chữa của mình để bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự nhưng chưa có quy định để đảm bảo quyền tranh luận của luật sự. Thực tế cho thấy có nhiều phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa can thiệp vào quá trình tranh tụng của Luật sư như liên tục ngắt lời Luật sư hoặc không nghe đầy đủ ý kiến tranh luận của Luật sư. Điều này làm ảnh hưởng đến kết quả tranh luận của Luật sư. Do đó, cần phải cân nhắc sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTDS để bảo đảm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử [45].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thủ tục phiên tòa sơ thẩm dân sự và thực tiễn thực hiện tại tòa án nhân dân tỉnh bắc giang (Trang 71 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)