Các quy định về thủ tục tranh luận

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thủ tục phiên tòa sơ thẩm dân sự và thực tiễn thực hiện tại tòa án nhân dân tỉnh bắc giang (Trang 65 - 71)

7. Kết cấu của luận văn

2.1. Thực trạng pháp luật Việt Nam về thủ tục phiên toà sơ thẩm

2.1.3. Các quy định về thủ tục tranh luận

Tranh luận là một hoạt động trung tâm của phiên tòa sơ thẩm dân sự được quy định từ Điều 232 đến Điều 235 BLTTDS. Bản chất của tranh luận là sự đối đáp giữa các bên đương sự về chứng cứ, lý lẽ và quan điểm về việc giải quyết vụ án dân sự [7, tr167]. Mục đích của hoạt động tranh luận tại phiên tòa là nhằm làm sáng tỏ thêm những tình tiết, sự kiện của vụ án. Việc tranh luận của đương sự, người bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được diễn ra tại phiên tòa về những vấn đề mà các đương sự chưa thống nhất hoặc còn mâu thuẫn. Những vấn đề mà các bên đưa ra đã được bên kia thừa nhận và không phản đối thì không cần phải tranh luận.

- Phát biểu của các bên đương sự khi tranh luận:

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn phát biểu, nguyên đơn có quyền bổ sung ý kiến. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện cơ quan, tổ chức trình bày ý kiến. Người có quyền và lợi ích hợp pháp được bảo vệ có quyền bổ sung ý kiến.

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn phát biểu ý kiến. Bị đơn có quyền bổ sung ý kiến.

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phát biểu ý kiến. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bổ sung ý kiến.

Trong trường hợp nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ thì họ tự mình phát biểu tranh luận.

Quy định về trình tự phát biểu khi tranh luận là quy định mới của BLTTDS. Trước đây theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, đương sự trình bày quan điểm của mình về việc đánh giá chứng cứ, hướng giải quyết vụ án trước, sau đó người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ trình bày bổ sung (nếu có). Sự thay đổi của BLTTDS đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của tranh luận và đề cao vai trò của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người hiểu biết pháp luật và có kinh nghiệm tranh luận tại phiên tòa. Vì thế quy định của BLTTDS sẽ giúp cho quá trình xác định sự thật của vụ án được nhanh chóng, chính xác hơn [7, tr168].

Điều 233 BLTTDS quy định về căn cứ và nội dung phát biểu khi tranh luận như sau: Khi phát biểu về đánh giá chứng cứ và đề xuất hướng giải quyết vụ án, người tranh luận phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và đã được xem xét, kiểm tra tại phiên tòa, cũng như kết quả hỏi tại phiên tòa. Người tham gia tranh luận có quyền đối đáp lại ý kiến của người khác.

Việc phát biểu, đối đáp của đương sự được tiếp diễn đến khi các đương sự đã làm rõ được nội dung vụ án, và đủ căn cứ để chấp nhận hay không chấp nhận các yêu cầu của đương sự. HĐXX phải tạo điều kiện tối đa cho những người tham gia tố tụng tranh luận và đối đáp với nhau trên cơ sở các tài liệu,

chứng cứ đã thu thập được và được xem xét, kiểm tra tại phiên tòa cũng như kết quả của việc hỏi tại phiên tòa. Điều 233 BLTTDS quy định chủ tọa phiên tòa không hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến của mình. Đây là quy định mới của BLTTDS, góp phần mở rộng tranh tụng, tạo điều kiện cho các đương sự có thêm nhiều cơ hội, nhiều quyền hơn để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo quy định tại Điều 51 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thì người tham gia tranh tụng chỉ được phát biểu một lần đối với mỗi ý kiến mà mình không đồng ý.

Về vai trò của HĐXX đối với tranh luận của các bên: HĐXX không phải là chủ thể tham gia vào hoạt động tranh luận, nhưng với vai trò là người tiến hành tố tụng, chủ tọa phiên tòa là người điều khiển quá trình tranh luận nhằm đảm bảo cho việc tranh luận diễn ra khách quan, toàn diện, đúng trọng tâm. Chủ tọa phiên tòa có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án theo quy định tại Điều 233 BLTTDS. Quy định này nhằm tránh việc kéo dài thời gian tranh luận không cần thiết, bảo đảm cho tranh luận của các bên đương sự đúng trọng tâm.

- Phát biểu của kiểm sát viên:

Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong chủ tọa phiên tòa đề nghị Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, HĐXX; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý vụ án đến trước thời điểm HĐXX nghị án (Điều 234, BLTTDS). Đây là quy định duy nhất về thủ tục phiên tòa sơ thẩm đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2011. Theo quy định tại Điều 234 BLTTDS năm 2004, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Quy định của BLTTDS năm 2004 là không phù hợp, làm mất tính độc lập của Tòa án. Bởi lẽ Tòa án mới là cơ quan xét xử, có quyền đưa ra phán quyết để giải quyết vụ án dân sự. Khi Kiểm sát viên đưa ra quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát khác với Tòa án, nếu Tòa án không theo ý kiến của Viện kiểm sát thì sẽ gây dị nghị trong nhân dân, hai cơ

quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước lại có quan điểm đối lập nhau, còn phức tạp hơn, nếu đương sự lại nghiêng về quan điểm của Viện kiểm sát. Ngược lại, nếu Tòa án quyết định theo ý kiến của Viện kiểm sát thì Tòa án không phải là cơ quan xét xử mà Viện kiểm sát mới là cơ quan xét xử. Do đó, khó có thể nói về vai trò độc lập của Tòa án khi mà hoạt động thực hiện chức năng xét xử là đối tượng kiểm sát của Viện kiểm sát [7, tr172]. Nhận thức được bất cập này, nên nhà làm luật đã sửa đổi Điều 234 của BLTTDS năm 2004, Kiểm sát viên chỉ có quyền phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán. Quy định này là phù hợp khi phân định chức năng, nhiệm vụ của Tòa án và Viện kiểm sát. Tòa án là cơ quan xét xử duy nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhiệm vụ của Viện kiểm sát là kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tó tụng.

- Qua tranh luận nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc xem xét chưa được đầy đủ hoặc cần phải xem xét thêm chứng cứ thì HĐXX quyết định trở lại việc hỏi; sau khi hỏi xong thì tiếp tục tranh luận [13, Điều 235].

- Nếu sau khi tranh luận không có ý kiến nào khác của người tham gia tố tụng và sau khi Kiểm sát viên phát biểu ý kiến xong, chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc phần tranh luận để HĐXX vào nghị án.

Mặc dù, các quy định về tranh luận trong BLTTDS đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc so với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, quy định về tranh luận còn mang tính hình thức và còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử quy định tại Hiến pháp năm 2013:

+ Những quy định về thủ tục xét hỏi tại phiên tòa từ Điều 217 đến Điều 231 BLTTDS cho thấy sau khi xét hỏi, nội dung vụ án đã được làm sáng tỏ. Ví dụ Điều 221 quy định về nghe lời trình bày của đương sự theo trình tự các bên trình bày yêu cầu, đề nghị của mình và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp. Đồng thời, quá trình hỏi sẽ kết hợp với việc công bố các tài liệu của vụ án; nghe băng, đĩa ghi hình; xem xét vật

chứng; hỏi người giám định. Bằng quy định này, qua trình bày của đương sự trong phần hỏi, nội dung vụ án không những đã đầy đủ, rõ ràng, sáng tỏ mà các bên đương sự cũng đã có dịp đối đáp với những nội dung trình bày của nhau. Như vậy, với quy định của BLTTDS, thì qua phần hỏi, nội dung vụ án đã đầy đủ nên phần tranh luận không còn nội dung và chỉ là sự lặp lại những nội dung đã trình bày ở phần hỏi. Mặt khác, việc tranh luận tại phiên tòa cũng chỉ được tiến hành sau khi hỏi. Có những vụ án dân sự, việc hỏi được thực hiện trong một thời gian dài (một buổi, một hoặc vài ngày) đến nỗi khi đến thời điểm tranh luận thì đương sự lại quên mất những nội dung và kết quả hỏi từng vấn đề vì họ không phải là những người am hiểu về luật [46].

+ BLTTDS chưa quy định cụ thể việc người tham gia tranh luận, đối đáp có thể vừa tranh luận, vừa đưa ra tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho lập luận, quan điểm của mình; có quyền yêu cầu người khác xuất trình, viện dẫn các tài liệu, chứng cứ mà người tranh luận dựa vào đó để phản bác yêu cầu của họ; chưa quy định về nguyên tắc và những tiêu chí để HĐXX đánh giá, kết luận về kết quả tranh luận. Bởi vậy, trong nhiều vụ án, việc tranh luận, đối đáp tại phiên tòa chưa mang tính thực chất, chưa hiệu quả và chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp về nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.

+ Quy định tại Điều 232 về trình tự phát biểu khi tranh luận có vấn đề cần xem xét là: Điều luật chỉ quy định quyền của đương sự được bổ sung ý kiến sau khi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phát biểu. Như vậy, nếu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phát biểu không đúng thì đương sự có quyền đính chính lại hay không. Nếu quy định như điều luật thì chỉ có thể hiểu là đương sự chỉ có quyền bổ sung. Mặt khác, Điều 232 chưa quy định trình tự phát biểu khi tranh luận mà vắng mặt một trong các bên đương sự. Trong trường hợp xét xử vắng mặt một trong các đương sự là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì diễn biến phiên toà có phần tranh luận không, nếu có thì Tòa án điều khiển tranh luận như thế nào? Cụ thể là nguyên đơn tranh luận với ai?

+ Điều 233 về phát biểu khi tranh luận và đối đáp quy định chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những

người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt những ý kiến liên quan đến vụ án. Quy định này là tiến bộ, nhưng thực hiện được đến đâu còn phụ thuộc vào năng lực tham gia tố tụng của những người tham gia tố tụng và việc thay đổi thói quen của người điều khiển phiên tòa. Mặt khác, quy định này có vấn đề không nhất quán: Pháp luật quy định khi xét xử thì Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán; các quy định khác đều quy định quyền hạn của HĐXX, nhưng quy định này chỉ nêu chủ tọa phiên tòa (loại trừ 02 Hội thẩm nhân dân khi xét xử sơ thẩm). Ngoài ra, quy định này cũng chưa chỉ rõ nếu đương sự tranh luận mà trùng lắp thì chủ tọa phiên tòa có quyền cắt hay không.

Dự thảo 5 BLTTDS đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về tranh luận, đã khắc phục được phần nào những hạn chế của BLTTDS hiện hành:

+ Bổ sung quy định: Các đương sự đối đáp theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.

+ Bổ sung quy định: Khi xét thấy cần thiết, HĐXX có thể yêu cầu các bên đương sự tranh luận bổ sung về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án”.

+ Bổ sung quy định: Trường hợp vắng mặt một trong các bên đương sự và người tham gia tố tụng khác thì chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của họ để trên cơ sở đó các đương sự có mặt tại phiên tòa tranh luận và đối đáp.

+ Có sự thay đổi về vai trò của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm. Nếu như Điều 39 BLTTDS 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng, Kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng. Thì Dự thảo 5 BLTTDS sửa đổi, tại Điều 46 quy định cơ quan tiến hành tố tụng chỉ bao gồm TAND và Kiểm sát viên không phải là người tiến hành tố tụng. Viện kiểm sát được xác định là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Mặc dù, xác định Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật, nhưng tại Điều 262 Dự thảo 5 lại quy định Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, nhưng không đề xuất quyết định giải quyết vụ án. Quy định này gần giống với quy định của Điều 234 BLTTDS 2004 “Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án”,

nhưng bổ sung thêm “không đề xuất quyết định giải quyết vụ án”. Theo tác giả, nếu đã xác định Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật thì không nên quy định Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án mà chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật như quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2011 là hợp lý. Mặt khác, Dự thảo khẳng định Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, không phải là cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng lại quy định tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án là không phù hợp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thủ tục phiên tòa sơ thẩm dân sự và thực tiễn thực hiện tại tòa án nhân dân tỉnh bắc giang (Trang 65 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)