Các quy định về thủ tục bắt đầu phiên tòa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thủ tục phiên tòa sơ thẩm dân sự và thực tiễn thực hiện tại tòa án nhân dân tỉnh bắc giang (Trang 51 - 54)

7. Kết cấu của luận văn

2.1. Thực trạng pháp luật Việt Nam về thủ tục phiên toà sơ thẩm

2.1.1. Các quy định về thủ tục bắt đầu phiên tòa

Thủ tục bắt đầu phiên tòa là thủ tục đầu tiên của phiên tòa được quy định tại mục 2 Chương XIV từ Điều 213 đến Điều 216 BLTTDS, gồm các thủ tục sau:

- Khai mạc phiên tòa và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử:

Thủ tục bắt đầu phiên tòa được thực hiện bằng việc khai mạc phiên tòa. Trước khi HĐXX vào phòng nghị án, Thư ký phiên tòa ổn định trật tự trong phòng xử án, kiểm tra sự vắng mặt, có mặt của những người được triệu tập tham gia phiên tòa, nếu có người vắng mặt thì cần làm rõ lý do (Điều 212). Khi HĐXX vào phòng xử án thì Thư ký phiên tòa yêu cầu mọi người đứng dậy. Chủ tọa phiên tòa tuyên bố khai mạc phiên tòa và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.

- Chủ tọa phiên tòa kiểm tra lại sự có mặt của những người tham gia phiên toà theo giấy triệu tập, giấy báo của Toà án và kiểm tra căn cước của đương sự:

Sau khi đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử, chủ tọa phiên tòa đề nghị mọi người ngồi xuống và yêu cầu thư ký báo cáo với HĐXX về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án, nếu có người vắng mặt thì nêu rõ lý do. Sau khi nghe Thư ký Tòa án báo cáo, chủ tọa phiên tòa kiểm tra lại sự có mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án. Việc kiểm tra được thực hiện thông qua việc hỏi và đương sự trực tiếp trả lời các câu hỏi tên, tuổi, địa chỉ cư trú của mình (nếu là cá nhân); tên, địa chỉ trụ sở chính (nếu đương sự là tổ chức). Đối với người đại diện hợp pháp của đương sự, thì chủ tọa phiên hỏi về tên, tuổi, địa chỉ nơi cư trú, nghề nghiệp, mối quan hệ của họ với đương sự.

Nếu có đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì HĐXX phải vào phòng nghị án thảo luận việc hoãn phiên tòa và phải lập thành văn bản theo quy định

tại khoản 2 Điều 210 BLTTDS. Việc hoãn phiên toà được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 51, khoản 2 Điều 72, các Điều 199, 204, 205, 206, 207, 215, khoản 4 Điều 230 BLTTDS.

Điều 215 BLTTDS quy định, trong trường hợp có người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa mà không thuộc trường hợp phải hoãn phiên tòa thì chủ tọa phiên tòa phải hỏi xem có ai đề nghị hoãn phiên tòa hay không; nếu có người đề nghị thì HĐXX xem xét việc hoãn phiên tòa theo quy định của BLTTDS và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu hoãn phiên tòa của họ. Trường hợp không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do.

Trường hợp phải hoãn phiên tòa, chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX thông báo công khai quyết định hoãn phiên toà cho đương sự, người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa biết và giao ngay cho họ quyết định này. Đối với người vắng mặt là Viện kiểm sát cùng cấp thì Tòa án gửi ngay quyết định hoãn phiên tòa. Trong quyết định hoãn phiên tòa phải ghi rõ thời gian, địa điểm mở lại phiên toà. Nếu không thể mở lại phiên toà theo đúng thời gian, địa điểm quy định thì Toà án phải thông báo cho người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát biết. Thời gian hoãn phiên toà là không quá 30 ngày kể từ ngày toà án ra quyết định hoãn phiên toà.

- Chủ tọa phiên tòa tiến hành phổ biến quyền và nghĩa vụ của đương sự và những người tham gia tố tụng khác:

Khi đã kiểm tra xong căn cước của đương sự và những người tham gia tố tụng khác thì chủ tọa phiên tòa tiến hành phổ biến quyền và nghĩa vụ của đương sự và những người tham gia tố tụng khác theo quy định tương ứng tại các Điều 58, 59, 60, 61 BLTTDS. Tuy nhiên các điều luật này quy định về quyền và nghĩa vụ trong toàn bộ quá trình tố tụng, nên chủ tọa phiên tòa chỉ lựa chọn và phổ biến những quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.

- Chủ toạ phiên tòa giới thiệu họ, tên những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch:

Chủ tọa phiên tòa tiến hành giới thiệu thành viên HĐXX, đại diện Viện kiểm sát và thư ký phiên tòa. Đối với Thẩm phán chỉ giới thiệu họ, tên và

chức danh Thẩm phán mà không giới thiệu chức vụ; đối với Hội thẩm nhân dân không giới thiệu chức vụ và nghề nghiệp, nơi công tác (Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao) và giới thiệu người giám định, người phiên dịch.

Khi đã tiến hành xong phần giới thiệu, chủ tọa phiên tòa hỏi những người tham gia tố tụng có yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch không. Việc giải quyết yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch được quy định tại Điều 214 BLTTDS. Tại phiên toà việc yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch do HĐXX quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị thay đổi, HĐXX vào nghị án và quyết định theo đa số (khoản 2 Điều 51 BLTTDS). HĐXX có thể chấp nhận yêu cầu xin thay đổi người tiến hành tố tụng khi thỏa mãn một trong những căn cứ quy định tại Điều 46, 47, 48, 49 BLTTDS hoặc HĐXX có thể không chấp nhận yêu cầu xin thay đổi nếu đương sự không đưa ra được các căn cứ để chứng minh cho yêu cầu xin thay đổi của mình. Quyết định việc thay đổi hoặc không thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch phải được HĐXX công bố công khai tại phiên tòa. Trong trường hợp HĐXX quyết định chấp nhận yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, thì phải xem xét, nếu có người tiến hành tố tụng dự khuyết để thay thế thì phiên tòa được tiến hành bình thường, nếu không có người tiến hành tố tụng dự khuyết để thay thế thì HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.

Ngoài ra, đối với những vụ án có người làm chứng tham gia tố tụng, để bảo đảm tính khách quan trong lời khai của người làm chứng, HĐXX có thể áp dụng biện pháp cách ly người làm chứng khi lời khai của họ có thể bị ảnh hưởng bởi lời khai của những đương sự và người làm chứng khác (Điều 216 BLTTDS).

Có thể thấy, các quy định về thủ tục bắt đầu phiên tòa của BLTTDS rất chi tiết, cụ thể, thể hiện được vai trò điều hành của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Các quy định này đã bảo đảm cho việc quản lý vụ án của Tòa án được chặt chẽ, bảo đảm cho việc xét xử được đúng đối tượng, đúng thủ tục tố tụng

và những người tham gia tố tụng được biết rõ các quyền và nghĩa vụ của mình tại phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, quy định về thủ tục bắt đầu phiên tòa của BLTTDS vẫn còn có một hạn chế, đó là quy định tại Điều 214 về giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch chưa cho phép các đương sự được tranh tụng về yêu cầu mà họ đưa ra, nên chưa đảm bảo được nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự. Quyết định chấp nhận thay đổi hay không là quyền của HĐXX. Trường hợp HĐXX không chấp nhận và có đưa ra lý do, nhưng nếu các đương sự và những tham gia tố tụng khác chưa thật tâm phục, khẩu phục, họ không có quyền trình bày rõ các lý do không đồng ý với quyết định của HĐXX. Nếu đề nghị của đương sự về việc thay đổi những người tiến hành tố tụng đó là đúng, mà không được tranh tụng để làm cho rõ ràng sáng tỏ, dẫn đến quyết định của HĐXX thiếu khách quan thì hậu quả khó mà lường hết [4, tr45].

Dự thảo 5 BLTTDS chưa bổ sung quy định để khắc phục hạn chế nêu trên. Tuy nhiên, Dự thảo 5 đã bổ sung quy định tiến bộ là sau khi giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, Kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch, HĐXX “Yêu cầu người làm chứng phải cam kết khai báo đúng sự thật, nếu khai không đúng phải chịu trách nhiệm pháp luật, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên” và “Yêu cầu người giám định, người phiên dịch cam kết cung cấp kết quả giám định chính xác, phiên dịch đúng nội dung cần phiên dịch”. Quy định này có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao trách nhiệm của người làm chứng người giám định, người phiên dịch, đảm bảo tính chính xác của chứng cứ mà người làm chứng cung cấp, của kết luận giám định và của kết quả phiên dịch.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thủ tục phiên tòa sơ thẩm dân sự và thực tiễn thực hiện tại tòa án nhân dân tỉnh bắc giang (Trang 51 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)