Thủ tục tiến hành phiên tòa sơ thẩm dân sự

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thủ tục phiên tòa sơ thẩm dân sự và thực tiễn thực hiện tại tòa án nhân dân tỉnh bắc giang (Trang 30 - 33)

7. Kết cấu của luận văn

1.3. Nội dung và thủ tục tiến hành phiên tòa sơ thẩm dân sự

1.3.2. Thủ tục tiến hành phiên tòa sơ thẩm dân sự

Nội dung các hoạt động tại phiên tòa sơ thẩm sẽ được luật hóa bằng các thủ tục cụ thể. Tùy theo mô hình tố tụng của mỗi nước mà các hoạt động này được sắp xếp theo một trình tự nhất định, trong đó có sự khác nhau về việc đánh giá mức độ quan trọng của mỗi hoạt động. Hoạt động trình bày nội dung và cung cấp chứng cứ mới được lồng ghép với hoạt động hỏi, do đó thủ tục tiến hành phiên tòa sẽ được phân tích gồm: Thủ tục bắt đầu phiên tòa, thủ tục hỏi, thủ tục tranh tụng hoặc tranh luận, thủ tục nghị án và tuyên án.

- Thủ tục bắt đầu phiên toà:

Nội dung các hoạt động của thủ tục bắt đầu phiên tòa đã được nêu cụ thể tại mục 1.3.1. Trình tự thực hiện các hoạt động của thủ tục bắt đầu phiên tòa như sau: Trước tiên, chủ tọa phiên tòa tiến hành khai mạc phiên tòa. Sau đó, HĐXX tiến hành kiểm tra căn cước của những người tham gia tố tụng và phổ biến quyền và nghĩa vụ của các đương sự. Tiếp đến, HĐXX kiểm tra sự vắng mặt của các đương sự và xử lý việc hoãn phiên tòa nếu có đương sự vắng mặt thuộc trường hợp phải hoãn phiên tòa. HĐXX hỏi đương sự về việc thay đổi người tiến hành tố tụng, xử lý yêu cầu thay đổi người tiến hành tố

tụng, quyết định hoãn phiên tòa trong trường hợp không có người thay thế; hỏi các đương sự về việc thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu và xử lý việc thay đổi này, nếu đương sự rút toàn bộ yêu cầu thì đình chỉ giải quyết vụ án. Nếu các đương sự không rút toàn bộ yêu cầu, HĐXX thực hiện hỏi các đương sự có thỏa thuận với nhau được về việc giải quyết toàn bộ vụ án hay không, nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án thì HĐXX ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Trường hợp, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án, thì kết thúc thủ tục bắt đầu phiên tòa và chuyển sang thủ tục hỏi.

- Thủ tục hỏi:

Đối với mô hình tố tụng xét hỏi, thủ tục hỏi là một thủ tục độc lập tại phiên tòa sơ thẩm bao gồm các hoạt động: Trình bày của đương sự và hỏi. Sau khi thực hiện xong thủ tục bắt đầu phiên tòa, HĐXX sẽ điều hành phần trình bày nội dung vụ án của các đương sự. Về thứ tự trình bày, thì tùy theo pháp luật của mỗi nước quy định thứ tự khác nhau. Về nguyên tắc, nguyên đơn là người đưa ra yêu cầu, là căn cứ làm phát sinh quá trình tố tụng, nên nguyên đơn phải trình bày đầu tiên, sau đó đến bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng phiên tòa, pháp luật tố tụng của nhiều nước quy định để người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trình bày thay cho đương sự, đương sự có quyền bổ sung ý kiến.

Hoạt động hỏi được tiến hành sau khi các đương sự đã trình bày xong về nội dung của vụ án. Việc hỏi được thực đối với từng người và hỏi theo từng vấn đề. Thứ tự hỏi được xác định như sau: Các thành viên HĐXX hỏi trước, rồi đến người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự, Kiểm sát viên (nếu có), người tham gia tố tụng khác.

Đối với mô hình tố tụng tranh tụng, hỏi không được xác định là một thủ tục tại phiên tòa sơ thẩm, mà chỉ quy định về việc người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự, đương sự được quyền hỏi những người tham gia tố tụng

khác để làm rõ các tình tiết, chứng cứ mà họ đưa ra trong quá trình họ trình bày yêu cầu của mình hoặc tranh tụng. Thẩm phán không được quyền hỏi những người tham gia tố tụng để làm rõ nội dung của vụ án.

- Thủ tục tranh tụng hoặc tranh luận:

Thủ tục tranh tụng được áp dụng đối với mô hình tố tụng tranh tụng. Tại phiên tòa sơ thẩm dân sự được bắt đầu sau khi Luật sư các bên tuyên bố về nội dung vụ kiện và xác nhận tư cách tham gia tố tụng. Luật sư của nguyên đơn trình bày trước Tòa án về ý kiến của họ và chứng minh sự việc bằng các chứng cứ, tài liệu và người làm chứng. Luật sư của nguyên đơn sẽ hỏi người làm chứng. Các chứng cứ, người làm chứng của nguyên đơn có thể bị kiểm tra hoặc đối chất với Luật sư của bị đơn. Khi Luật sư của nguyên đơn trình bày xong, Luật sư của bị đơn cũng đưa ra các quan điểm của mình cùng với chứng cứ tài liệu, người làm chứng. Những người làm chứng này sẽ trả lời các câu hỏi của Luật sư bên bị đơn, trả lời các câu hỏi đối chất của Luật sư bên nguyên đơn. Sau đó, bên nguyên đơn đưa ra kết luận của mình và bên bị đơn cũng đưa ra kết luận để kết thúc phần tranh tụng. Trong quá trình tranh tụng của các bên, Thẩm phán có quyền bác bỏ yêu cầu của Luật sư hoặc buộc người làm chứng phải trả lời các câu hỏi của Luật sư của các bên nếu câu hỏi đó được chấp nhận.

Thủ tục tranh luận được áp dụng đối với mô hình tố tụng xét hỏi. Thủ tục tranh luận được thực hiện sau khi kết thúc thủ tục hỏi. Trình tự phát biểu khi tranh luận: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn phát biểu trước, nguyên đơn có quyền bổ sung ý kiến. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn phát biểu ý kiến, bị đơn có quyền bổ sung ý kiến. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền và nghĩa vụ liên quan phát biểu, người có quyền và nghĩa vụ liên quan có quyền bổ sung ý kiến.

- Thủ tục nghị án và tuyên án:

Thủ tục nghị án được thực hiện sau khi kết thúc thủ tục tranh tụng (hoặc tranh luận). Thủ tục nghị án được thực hiện tại phòng nghị án và chỉ có

sự tham gia của các thành viên HĐXX. Các thành viên HĐXX thảo luận về các vấn đề: Quan hệ pháp luật cần phải giải quyết; xác định đối tượng chứng minh, đánh giá giá trị chứng minh của các chứng cứ; chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc bác yêu cầu khởi kiện; xác định quyền và nghĩa vụ của các đương sự. Sau khi thảo luận, HĐXX tiến hành biểu quyết theo đa số đối với từng vấn đề. Việc nghị án phải được lập thành biên bản nghị án có chữ ký của tất cả các thành viên HĐXX. Sau nghị biểu quyết xong, HĐXX thông qua bản án, quyết định.

Sau khi nghị án xong, HĐXX trở lại phòng xét xử để tuyên án. Một thành viên HĐXX đọc toàn bộ nội dung bản án, quyết định cho mọi người trong phòng xử án cùng nghe. Chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc phiên tòa.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thủ tục phiên tòa sơ thẩm dân sự và thực tiễn thực hiện tại tòa án nhân dân tỉnh bắc giang (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)