2.1. Đánh giá các quy định pháp luật về tuyển dụng công chức
2.1.2. Bất cập trong quy định về nguyên tắc tuyển dụng công chức
2.1.2.1. Việc quy định nguyên tắc công khai trong tuyển dụng còn chưa cụ thể
Theo đó, Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Nghị định số 24/2010/NĐ-CP có quy định việc thông báo công khai tuyển dụng, nhưng thông báo bao nhiêu lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, mỗi lần cách nhau bao lâu thì không cụ thể. Mặt khác, tại Thông tư 13/2010/TT- BNV ngày 30/12/2010 quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP đã quy định:
Thông báo tuyển dụng của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức phải được đăng tải ít nhất trên một trong các
phương tiện thông tin đại chúng là báo viết, báo nói, báo hình; đồng thời phải đăng trên trang thông tin điện tử và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức trong thời hạn nhận hồ sơ của người đăng ký dự tuyển [3].
Thiết nghĩ, nếu quy định bắt buộc việc thông báo thông tin tuyển dụng trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng sẽ đảm bảo tính công khai và đảm bảo được tối đa quyền tiếp nhận thông tin tuyển dụng đến các đối tượng dự tuyển.
2.1.2.2. Bất cập trong quy định về nguyên tắc ưu tiên
Nghị định 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức đã quy định chế độ ưu tiên bằng hình thức cộng thêm điểm vào tổng kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển. Chẳng hạn: Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh sẽ được cộng 30 điểm vào tổng kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển. Hay những người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, con liệt sĩ, con thương binh… được cộng 20 điểm vào tổng số điểm thi tuyển hoặc xét tuyển.
Những trường hợp đối tượng ưu tiên – họ là những người, hoặc người thân của họ đã hi sinh xương máu cho Tổ quốc, hoặc họ là những người có tài hay là tấm gương điển hình trong lao động. Họ thực sự có công với đất nước và là người có tài năng. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, công chức giữ một vị trí rất quan trọng trong bộ máy hành chính nhà nước, nhân danh nhà nước để thực thi công vụ, nhất là trong tình hình hiện nay, yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ cũng như phẩm chất đạo đức khá là cao. Do vậy, đối với những đối tượng trên, nếu họ có đủ tài năng, phẩm chất thì mới được tuyển dụng. Ngược lại, nếu họ chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì chúng ta nên xem xét bằng hình thức ưu tiên khác để bù đắp sự cống hiến của họ chứ không nên
ưu tiên bằng hình thức cộng điểm. Bởi lẽ, nếu áp dụng hình thức cộng điểm như vậy e rằng sẽ gây ra sự thiếu cạnh tranh, công bằng trong tuyển dụng và phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công chức được tuyển dụng.