Thứ nhất, phải xây dựng các quy định pháp luật hoàn chỉnh về tuyển
dụng công chức, phải đảm bảo được sự thống nhất và hợp lý, không gây mâu thuẫn hay quy định chồng chéo khó hiểu, khó áp dụng.
Là công cụ điều chỉnh của nhà nước, các quy định của pháp luật phải theo sát với thực tiễn, hỗ trợ cho hoạt động tuyển dụng. Những điểm bất hợp lý cần được nghiên cứu sửa đổi, những vấn đề chưa được quy định cụ thể trong Luật Cán bộ Công chức cần nhanh chóng cụ thể hoá tại các văn bản dưới luật. Đồng thời, các quy định của pháp luật phải đảm bảo được sự thống nhất và hợp lý, không gây mâu thuẫn hay quy định chồng chéo khó hiểu, khó áp dụng.
Thứ hai, phải nhất quán tuân thủ nghiêm túc được nguyên tắc công
bằng, minh bạch, cạnh tranh trong tuyển dụng công chức.
Với tính chất của nền công vụ, khó có sự thay đổi nhanh chóng từ tất cả các cơ quan, đơn vị trong việc tự nâng cao chất lượng tuyển dụng mà phải cần thời gian nghiên cứu và thực hiện đồng bộ. Vì vậy, trong hoàn cảnh hiện tại, cần phải xây dựng những quy định chặt chẽ đảm bảo cho việc tuyển dụng diễn ra một cách công bằng, minh bạch hơn. Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách khi tuyển dụng phải theo những bước bắt buộc, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, lựa chọn được người xứng đáng, có khả năng đảm nhiệm công việc công vụ; mọi hành vi lợi dụng chức vụ trong tuyển dụng công chức phải được xử lý nghiêm khắc, kịp thời.
Thứ ba, việc trao quyền cho người đứng đầu trong tuyển dụng phải gắn với trách nhiệm và có cơ chế giám sát hiệu quả.
Người đứng đầu Hội đồng tuyển dụng công chức phải chịu trách nhiệm về thực hiện các hoạt động về tuyển dụng công chức. Quy định về trao quyền cho người đứng đầu phải gắn liền với trách nhiệm pháp lý nếu vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ. Người đứng đầu cần được chủ động hơn trong quyết định biên chế, ký kết hợp đồng làm việc, quyết định về tiền lương... nhưng phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu để xảy ra tiêu cực trong tuyển dụng hoặc tuyển công chức kém chất lượng.
Thứ tư, xác định được mục tiêu của tuyển dụng và có kế hoạch tuyển
dụng chặt chẽ, nghiêm túc và đúng quy trình pháp luật.
Hiệu quả của công tác tuyển dụng công chức chính là tuyển chọn được đúng người đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm. Cho nên, đảm bảo chất lượng tuyển dụng công chức cũng là việc xác định được mục tiêu của tuyển dụng và có kế hoạch tuyển dụng chặt chẽ, nghiêm túc và đúng quy trình pháp luật. Việc lên kế hoạch tuyển dụng từ khâu xác định số lượng, vị trí, cách thức thực hiện tuyển dụng sẽ giúp cho chất lượng của việc tuyển dụng công chức được đảm bảo. Bên cạnh đó, để công chức phát huy tốt khả năng của mình, lãnh đạo cơ quan đơn vị cần cân nhắc bố trí công việc cho phù hợp. Các tổ chức Đảng, sở, ngành, địa phương cần chú ý đến trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm liên đới từng thành viên trong bộ máy trong thực thi nhiệm vụ. Muốn có đội ngũ công chức ngang tầm thì việc tuyển dụng phải được đặt trong môi trường bình đẳng để mọi người có cơ hội phấn đấu vào làm việc cho nền công vụ. Việc quy hoạch, sử dụng công chức dài hạn, có tầm nhìn xa, trong đó thi tuyển công chức là một cách làm khoa học và tích cực. Cần có hướng xây dựng tiêu chuẩn tuyển chọn công chức có tính chặt chẽ và đầy đủ, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, có chính sách thỏa đáng
Thứ năm, việc đảm bảo chất lượng trong tuyển dụng công chức không
thể không phụ thuộc vào tâm lý và thái độ của tất cả mọi người.
Bất kể là người đã là công chức hay thí sinh dự tuyển công chức đều phải có thái độ và suy nghĩ nghiêm túc đối với tuyển dụng công chức, tức là xác định được vai trò của công chức là phụng sự cho nền công vụ, cho nhân dân. Nếu vì suy nghĩ trở thành công chức để ổn định, nhàn thân hay lo ngại việc tuyển dụng chỉ là hình thức và “con vua thì lại làm vua” thì thiết nghĩ việc tuyển dụng công chức sẽ khó mà đạt hiệu quả.