1.2. Phân loại biên giới
1.2.4. Các loại biên giới khác
Trong thực tiễn khoa học pháp lý hiện đại, quan niệm về các kiểu biên giới ngày càng đa dạng. Ngoài các loại biên giới đã đề cập ở trên, các học giả còn đưa ra những cách phân loại khác, bao gồm:
+ “Biên giới ngăn cách” và “biên giới hợp tác”: Đường biên giới ngăn cách là đường biên giới chỉ mang chức năng phân định chủ quyền lãnh thổ giữa hai hoặc
các quốc gia hữu quan, được khép kín với việc tuần tra canh gác ngày đêm của các lực lượng chức năng. Biên giới hợp tác ngoài chức năng phân định chủ quyền lãnh thổ còn thể hiện sự hợp tác, giao lưu giữa các quốc gia có chung đường biên giới.
+ “Biên giới địa lý” và “biên giới nhân văn”: Đường biên giới địa lý được xây dựng trên các điều kiện tự nhiên có sẵn. Đường biên giới nhân văn là sản phẩm do con người tạo ra dựa vào những tiêu chí nhân văn như ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo, bộ lạc, làng xã, thậm chí theo quyền sở hữu tư nhân [55,14].
+ Biên giới song phương [39,201], biên giới an ninh quốc gia, biên giới quân sự và phi quân sự, biên giới phức hợp hay đa hợp, biên giới hàng rào thương mại hay biên giới theo không gian ba chiều [56]...
Như vậy, cách thức phân loại biên giới hết sức đa dạng. Tuy nhiên, biên giới tự nhiên và biên giới nhân tạo là hai loại biên giới được sử dụng nhiều nhất. Và dù cách thức phân loại như thế nào thì trên thực tế, chỉ sau khi biên giới đã được hoạch định, phân giới cắm mốc, quốc gia mới thực sự có được một đường biên giới ổn định và chính xác của mình. Do vâỵ, đường biên giới mà các quốc gia đều hướng tới là một đường biên giới cụ thể, được hoạch định trên bản đồ và ghi nhận trong các điều ước quốc tế về biên giới, được vạch rõ ràng trên thực địa, được đánh dấu bằng hệ thống cột mốc và các dấu hiệu khác, là một đường biên giới thực sự được các bên hữu quan tôn trọng, thực hiện, duy trì quản lý tốt trong thực tế.