Nội dung cơ bản của Hiệp ước

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề hoạch định đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia (Trang 95 - 98)

2.3. Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt

2.3.2. Nội dung cơ bản của Hiệp ước

Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 là điều ước quốc tế được ký kết nhân danh hai nhà nước. Hiệp ước bao gồm phần mở đầu và 5 điều khoản, trong đó có 3 điều khoản liên quan đến vấn đề hoạch định biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Phần mở đầu, hai Bên cùng khẳng định mục đích của việc ký kết Hiệp ước là "Để xác định chính thức đường biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia, nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị lâu dài giữa hai nước", "trên cơ sở những nguyên tắc: hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không ngừng tăng cường tình đoàn kết chiến đấu và sự giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt để xây dựng đất nước phồn vinh và cuộc sống hạnh phúc của nhân dân hai nước". Đồng thời, nêu rõ đại diện toàn quyền của Nhà nước mỗi bên tham gia ký kết hiệp ước: phía Việt Nam, đại diện toàn quyền do Hội đồng nhà nước nước CHXHCN Việt Nam ủy nhiệm là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch; phía Campuchia, đại diện toàn quyền do Hội đồng Nhà nước nước CHND Campuchia ủy nhiệm là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hun Xen.

Điều 1 của Hiệp ước là điều khoản trọng tâm nhất liên quan đến vấn đề hoạch định đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia, ghi nhận những nội dung chính sau:

+ Cơ sở và căn cứ pháp lý để hai bên cùng tiến hành thỏa thuận hoạch định đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Campuchia, gồm Điều 1, Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia ký ngày 20/7/1983, các biên bản giữa Đoàn đại biểu Chính phủ hai nước trong UBLHHĐBG ký ngày 13/7/1984 và ngày 08/12/1984.

+ Mô tả cụ thể chi tiết đường biên giới, hướng đi từ Bắc xuống Nam, xuất phát từ điểm giao nhau của biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào và kết thúc ở vịnh Thái Lan, được xác định bằng các điểm cụ thể có ghi rõ tọa độ. Theo đó, toàn bộ đường biên giới được chia thành 18 đoạn, mỗi đoạn bao gồm những đoạn nhỏ với chiều dài ước lượng cụ thể, theo hướng đi và địa hình đặc trưng, được hoạch định bằng những phương thức phù hợp khác nhau.

Qua sự mô tả cụ thể, chi tiết này chúng ta có thể thấy: điểm khởi đầu từ giao điểm của đường biên giới giữa ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào chưa được xác định bằng tọa độ cụ thể (về giao điểm này cả ba nước sẽ cùng nhau xác định sau); đường biên giới ở vùng núi đi theo sống núi; ở những nơi bản đồ bỏ trắng địa hình và tiếp biên không khớp đã được chỉnh sửa; đường biên giới đi qua khu vực Mộc Bài (Tây Ninh) là đi vào giữa bùng binh, cù lao Khánh Hòa (An Giang) thuộc về phía Campuchia (theo đúng bản đồ Bonne); ở sông Sở Thượng (Đồng Tháp) đường biên giới đi giữa sông; ở điểm mút Hà Tiên, lấy số đo xác định tọa độ điểm mút theo số đo của vệ tinh Liên Xô.

+ Đường biên giới được thể hiện trên hai loại bản đồ đính kèm Hiệp ước: bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 của Sở địa dư Đông Dương thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 nhất (gồm 26 mảnh kèm theo được hai bên xác nhận) thể hiện bằng ký hiệu chữ thập màu đen (+) đối với những đoạn biên giới được hai bên công nhận là hợp lý và được thể hiện bằng chữ thập màu đỏ (+) ở những đoạn biên giới có sửa đổi; bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 (gồm 40 mảnh bản đồ kèm theo được hai bên xác nhận) thể hiện đường biên giới bằng ký hiệu (— ‐ —) màu đen. Hai bộ bản đồ này có giá trị như nhau, đều là bộ phận cấu thành của hiệp ước. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý ở đây là các tọa độ mô tả đường biên giới trong lời văn Hiệp ước được ghi theo bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 chứ không phải theo bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000.

Điều 2 của Hiệp ước quy định nguyên tắc xác định đường biên giới theo các sông, suối, rạch biên giới: sông, suối biên giới dù có đổi dòng, đường biên giới vẫn giữ nguyên; những cù lao, bãi bồi ở hai bên đường biên giới trên các sông, suối,

rạch biên giới ở phía bên nào sẽ thuộc chủ quyền bên đó; cầu bắc qua các sông, suối, rạch biên giới, đường biên giới đi chính giữa cầu, không phụ thuộc vào đường biên giới đi dưới sông, suối, rạch đó.

Điều 3 của Hiệp ước đề cập đến việc giải quyết biên giới trên biển, tuy nhiên chỉ nêu nguyên tắc chung là căn cứ theo bản đồ của Pháp do cơ quan đo đạc thủy văn hải quân Pháp in năm 1955 và 1956, tỷ lệ 1/182.650 để nghiên cứu giải quyết.

Điều 4 của Hiệp ước, hai bên thỏa thuận thành lập Uỷ ban liên hợp phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới (UBLHPGCM) đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia. UBLHPGCM có các nhiệm vụ cụ thể sau:

+ Tiến hành công việc phân vạch trên thực địa toàn bộ đường biên giới quốc gia trên đất liền giữa hai nước.

+ Dự kiến vị trí các mốc quốc giới.

+ Tiến hành chính thức cắm mốc quốc giới.

+ Lập bản đồ quốc giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia có ghi vị trí các mốc quốc giới.

+ Soạn thảo Nghị định thư cuối cùng để kết thúc công tác phân giới trên thực địa và cắm mốc.

Nghị định thư cuối cùng sẽ là một bộ phận không thể tách rời của hiệp ước. Bản đồ đường biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia do UBLHPGCM lập sau khi hoàn thành phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới sẽ thay thế cho các bản đồ đính kèm Hiệp ước.

Điều 5 là điều khoản cuối cùng, qui định thể thức điều ước và thời điểm có hiệu lực của Hiệp ước. Căn cứ vào tầm quan trọng đặc biệt của Hiệp ước, phù hợp với luật pháp của mỗi quốc gia và thông lệ quốc tế, Việt Nam và Campuchia cùng thỏa thuận Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước phải được cơ quan có thẩm quyền của hai nước phê chuẩn và sẽ có hiệu lực kể từ ngày trao đổi thư phê chuẩn.

Như vậy, hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia chủ yếu tập trung giải quyết vấn đề hoạch định biên giới trên đất liền. Đối với đường biên giới trên biển, Hiệp ước chỉ nêu nguyên

tắc giải quyết. Đính kèm hiệp ước là hai bảng danh mục (một bảng gồm 26 mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 và một bảng gồm 40 mảnh bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 (cụm từ "Bonne" hay "UTM" là các chữ cái đầu - viết tắt của một loại hệ quy chiếu (lưới chiếu) bản đồ - TG).

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề hoạch định đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia (Trang 95 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)