Giải pháp đàm phán

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề hoạch định đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia (Trang 120 - 126)

3.2. Xây dựng một đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và ổn

3.2.1. Giải pháp đàm phán

Thực tế, có ba nhân tố dẫn đến yêu cầu phải tiếp tục đàm phán về vấn đề hoạch định biên giới:

+ Ngay từ đầu năm 1989, chính phủ Campuchia do đảng CPP cầm quyền đã chủ động đình chỉ việc phân giới cắm mốc theo Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 vì lý do kỹ thuật bản đồ. Ngay với các đoạn biên giới đã phân giới cắm mốc xong, phía Campuchia cũng lảng tránh việc ký kết các biên bản, sơ đồ để chính thức hoá.

+ Trong thời kỳ hai Bên nối lại đàm phán từ năm 1999 đến năm 2001 phía Campuchia vẫn tiếp tục né tránh thảo luận công việc phân giới cắm mốc (viện cả lý do chính trị và kỹ thuật bản đồ mà chỉ tập trung vào việc nêu ra các yêu sách lãnh thổ).

+ Hiện tại, với cương lĩnh của Chính phủ mới, phía Campuchia sẽ không đơn giản đồng ý tiếp tục tiến trình phân giới cắm mốc theo Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 như phía Việt Nam đề nghị.

Từ những nhân tố trên, đàm phán là một yêu cầu bắt buộc để giải quyết dứt điểm những yêu sách lãnh thổ mà Campuchia đưa ra, lúc đó quá trình phân giới cắm mốc mới có khả năng được tiếp tục thực hiện. Với tình hình chính trị nội bộ Campuchia và cơ chế mới giám sát đàm phán (thành phần hai Đảng tham gia Uỷ ban quốc gia về biên giới và lập Hội đồng dân tộc tối cao về biên giới) việc đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trong thời gian tới sẽ quanh co, phức tạp hơn trước đây. Không loại trừ khả năng phía Campuchia do tác động của các lực lượng cánh hữu phản động có thể đưa ra lập trường quá khích và tìm cách đảo ngược lại tiến trình đàm phán đi đôi với việc kiên trì chính sách cứng rắn.

3.2.1.1. Đánh giá đúng lập trường của Campuchia trong quá trình đàm phán về biên giới với Việt Nam.

Từ năm 2001 đến nay, mặc dù tình hình chính trị nội bộ của Campuchia không ổn định, nhưng với nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy đàm phán và tăng cường mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đặc biệt giữa các tỉnh dọc đường biên giới, chính quyền địa phương của Campuchia đã tích cực phối hợp cùng Việt Nam duy trì ổn định khu vực biên giới. Tuy nhiên, trong đàm phán giải quyết vấn đề biên giới với Việt Nam, các phe phái của Campuchia kể cả đảng nhân dân (CPP) do lợi ích dân tộc và đấu tranh cục bộ mà cùng thống nhất trong mục tiêu giành lợi ích tối đa về biên giới lãnh thổ thông qua việc đòi điều chỉnh đất đai vượt quá khuôn khổ của Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985, còn quan điểm về giải quyết vấn đề biên giới hoàn toàn vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Rõ ràng, Việt Nam sẽ phải chuẩn bị tinh thần và tâm lý cho các trường hợp có thể xảy ra trong đàm phán:

+ Có thể phía Campuchia đòi xoá bỏ các Hiệp ước, Hiệp định đã ký kết với Việt Nam trong đó có Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 để đàm phán ký kết Hiệp ước mới, không đồng ý thảo luận về tiến trình phân giới cắm mốc (thực chất là không công nhận giá trị ràng buộc của các điều ước biên giới đã ký).

“Kịch bản” này được khởi xướng bởi các lực lượng chống đối trong và ngoài Campuchia lợi dụng và qui định tại điều 2 Hiến pháp Campuchia năm 1993: “Toàn vẹn lãnh thổ của vương quốc Campuchia là tuyệt đối bất khả xâm phạm trong các đường biên giới được hoạch định trên các bản đồ tỷ lệ 1/100.000 được lập giữa các năm 1933 - 1953 và được quốc tế thừa nhận giữa các năm 1963 - 1969” để đòi huỷ bỏ các hiệp ước, hiệp định về biên giới đã ký kết với Việt Nam. Nó tiếp tục được các đảng phái Campuchia tạo cớ kích động lòng tự tôn dân tộc, tranh giành lợi thế chính trị. Tuy nhiên, xoá sạch các hiệp ước, hiệp định về biên giới đã ký kết với Việt Nam trong đó có Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 là không có cơ sơ pháp lý quốc tế. Hiệp ước được ký kết trên cơ sở bình đẳng thoả thuận, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, là sự ghi nhận đường biên giới hiện tại do lịch sử để lại được thể hiện trên bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 nhất. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc Uti Possidetis, phù hợp với yêu cầu về cơ sở xác định đường biên giới của phía Campuchia từ những năm 1964 đến bây giờ và phù hợp với Hiến pháp Campuchia năm 1993. Nếu xoá bỏ Hiệp ước này, Campuchia phải thay đổi Hiến pháp. Đấy là chưa kể đến việc đàm phán lại hoàn toàn trong bối cảnh nội bộ chính trị bất ổn và cơ chế mới giám sát đàm phán của Campuchia dự báo trước là vô cùng phức tạp, gay gắt và kéo dài, nếu không nói khó có thể thực hiện được. Và hậu quả của việc xoá bỏ các hiệp ước, hiệp định về biên giới đã được ký kết sẽ rất nặng nề: toàn bộ giá trị và ý nghĩa mà hiệp ước, hiệp định mang lại sẽ bị xoá sạch; cơ sở pháp lý vững chắc đối với tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia không còn nữa sẽ tạo ra lỗ hổng pháp lý, bắt đầu cho những tranh chấp mới phức tạp hơn nhiều; đồng thời sẽ phủ nhận những nỗ lực giải quyết vấn đề biên giới trong suốt hàng chục thập kỷ qua của hai nước, tạo tiền đề xấu về sự vi phạm luật pháp

quốc tế. Có thể thấy rằng kịch bản này khó thực hiện được vì một điều chắc chắn nó sẽ đẩy tranh chấp biên giới càng phức tạp, quan hệ láng giềng càng căng thẳng và đó không phải là mong muốn mà cả Việt Nam và Campuchia hướng tới.

+ Có thể Campuchia thừa nhận nguyên tắc Pacta sunt servanda, tiếp tục tôn trọng hiệu lực của các hiệp ước, hiệp định về biên giới đã ký kết với Việt Nam và đồng ý thảo luận về tiến trình phân giới, cắm mốc để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, tồn đọng, nhưng vẫn kiên trì với yêu sách điều chỉnh một số khu vực trên thực địa. Thực hiện được kịch bản này có thể nói là con đường tốt nhất. Bởi vì, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 tuy còn một số tồn tại, ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình phân giới cắm mốc, nhưng những khó khăn này có thể khắc phục được. Và thuận lợi của việc tôn trọng Hiệp ước chúng ta đã thấy rõ: đó là ý nghĩa mọi mặt mà Hiệp ước mang lại; giữ được mối quan hệ láng giềng tốt; uy tín của Việt Nam và Campuchia về ngoại giao không bị ảnh hưởng; thực chất vẫn đảm bảo được việc điều chỉnh biên giới theo hướng hợp lý và có lợi cho cả hai bên và quan trọng hơn, tránh được một quá trình đàm phán, hoạch định mới dự báo trước sẽ hết sức phức tạp, kéo dài, tốn kém và có nguy cơ đẩy tranh chấp biên giới đến phức tạp hơn. Trong quá trình phân giới cắm mốc, hai bên có thể thoả thuận điều chỉnh một số điểm liên quan đến đường biên giới để nó thực sự phù hợp với thực địa, phù hợp với lợi ích của hai Bên. Kết quả cuối cùng sẽ là một bộ bản đồ chuẩn ghi nhận đường biên giới đã được phân giới cắm mốc trên thực tế để thay thế cho các bộ bản đồ đính kèm Hiệp ước hoạch định. Khả năng này đặt ra những khó khăn, vất vả cho quá trình phân giới cắm mốc, đòi hỏi hai Bên phải thực sự thiện chí và hợp tác. Tuy nhiên, với tình hình chính trị nội bộ của Campuchia hiện tại khó cho phép thực hiện theo khả năng này, vì nó không dung hoà được nhu cầu của các phe phái chính trị Campuchia, không xoa dịu được lập trường cực đoan của các phe đối lập đòi xoá bỏ hoàn toàn Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985.

+ Campuchia không phủ nhận hiệu lực của các Hiệp ước, Hiệp định về biên giới đã ký kết với Việt Nam nhưng đưa ra yêu sách hai Bên phải cùng đàm phán thoả thuận để ký kết một Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm

1985. Giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới, nhằm xây dựng một đường biên giới chính xác, rõ ràng và ổn định lâu dài hiện tại là nhu cầu cấp bách trong quan hệ Việt Nam - Campuchia, gắn liền với những lợi ích thiết thực của hai nước. Trong các cuộc đàm phán thời gian gần đây cho thấy, phía Campuchia tuy còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu đã tỏ ra thẳng thắn, có thiện chí cùng Việt Nam hợp tác giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới. Do vậy, theo chúng tôi, đây là phương án phù hợp với nhu cầu thực tế, khách quan của cả hai phía, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, bởi vì:

- Thứ nhất: Hiệp ước hoạch định biên giới Việt Nam - Campuchia năm 1985 tuy là một thành quả lớn đánh dấu bước phát triển trong quan hệ về biên giới lãnh thổ giữa hai nước, nhưng do hoàn cảnh chính trị, trình độ kỹ thuật, cơ sở dữ liệu về biên giới có nhiều khó khăn nên không tránh khỏi một số điểm hạn chế như đã phân tích ở phần trên nên sự bổ sung là cần thiết.

- Thứ hai: Đảm bảo được nguyên tắc Pacta sunt servanda, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 vẫn được tôn trọng, vừa phù hợp với tập quán quốc tế khi sự cam kết tôn trọng các điều ước về biên giới đã ký kết không ràng buộc hai bên thoả thuận về một sự điều chỉnh, bổ sung. Thực tế đã không thiếu các hiệp ước, hiệp định về biên giới quốc gia được bổ sung, điều chỉnh. Ngay như Hiệp ước hoạch định biên giới Việt Nam - Lào ký năm 1977, tuy không có sai sót nào đáng kể về nội dung cũng như hình thức văn bản, nhưng năm 1986 hai bên đã thoả thuận ký hiệp ước bổ sung (sửa nguyên tắc hoạch định biên giới theo sông suối cho đúng với luật pháp và tập quán quốc tế và ghi nhận kết quả giải quyết một số vấn đề phát sinh từ thực tế phân giới cắm mốc trên thực địa).

- Thứ ba: Đây là phương án hai bên có thể tìm được tiếng nói chung và có khả năng thực hiện tốt nhất. Qua các cuộc đàm phán thời gian gần đây cho thấy, phía Campuchia đã chủ động quyết định tiếp tục tôn trọng các hiệp ước, hiệp định về biên giới với Việt Nam đã ký những năm 1982, 1983 và 1985, nhưng không phải là sự “thi hành tuyệt đối” mà cần phải xem xét, điều chỉnh và bổ sung. Với mục đích giải quyết triệt để vấn đề biên giới, Việt Nam sẵn sàng cùng Campuchia hoàn

thiện hiệp ước hoạch định biên giới 1985 cả về kỹ thuật và pháp lý để hiệp ước có điều kiện thực thi hơn, thúc đẩy quá tiến trình giải quyết biên giới giữa hai nước nhanh đi đến kết quả.

Qua sự phân tích trên, giải pháp đàm phán cụ thể tiếp theo sẽ được xây dựng trên phương án giải quyết khả quan nhất này.

3.2.1.2. Giải pháp đàm phán phán cụ thể.

Trước hết, trong đàm phán, Việt Nam cùng với Campuchia cần phải xem xét kỳ lưỡng tất cả các yếu tố trong bối cảnh hiện nay để xây dựng một lộ trình thích hợp cho việc giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước. Có thể hai Bên tiếp tục tiến hành việc phân giới và cắm mốc ngay rồi trên kết quả đó sửa đổi, bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985, hoặc hoàn chỉnh việc hoạch định rồi sau đó mới tiến hành phân giới cắm mốc. Việc điều chỉnh, bổ sung hiệp ước phải được tiến hành một cách khách quan, khoa học theo một trình tự và thủ tục pháp lý - kỹ thuật chặt chẽ. Nếu điều chỉnh, bổ sung chỉ nhằm có lợi cho bên này hoặc bên kia sẽ đi đến vô hiệu hoá Hiệp ước hoạch định và kéo dài đàm phán. Trong điều kiện hiện nay, để việc đàm phán hoàn thiện hoạch định biên giới có kết quả, nên chỉ tiến hành bổ sung, điều chỉnh những vấn đề gì thật cần thiết mà hai Bên đều thấy còn chưa hợp lý đúng như nguyên tắc đã được xác định trong Điều 1 của Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết các vấn đề biên giới năm 1983. Cụ thể chỉ nên đề cập đến hai nội dung:

+ Về kỹ thuật bản đồ: phải giải quyết dứt điểm vấn đề bản đồ tiếp biên không khớp, địa hình bỏ trắng, việc chuyển đường biên giới từ bản đồ Bonne sang bản đồ UTM. Chỉ nên xác định rõ ràng trong Hiệp ước hoạch định một loại bản đồ dùng cho phân giới cắm mốc.

+ Về nội dung hoạch định: hai bên cần nêu lên tất cả các điểm mà phía bên mình nhận thấy là chưa hợp lý, cần phải xem xét để trao đổi giải quyết trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của mỗi bên như đã nêu trong Điều 1 của Hiệp ước nguyên tắc năm 1983. Không chấp nhận những yêu cầu và căn cứ xem xét trái với các nguyên tắc đó.

Căn cứ vào kết quả của quá trình đàm phán về những nội dung sửa đổi, bổ sung mà hai bên đã trao đổi thống nhất để tính đến một hình thức văn bản thích hợp để ghi nhận.

Việt Nam cần chủ động đấu tranh với Campuchia cho giải pháp đàm phán cụ thể này. Và chuẩn bị cho lập luận đàm phán, Việt Nam cần căn cứ vào luật pháp, thông lệ quốc tế, những điều ước về biên giới đã ký với Campuchia, đường lối chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, các văn bản pháp luật trong nước có liên quan…Ngoài ra, chúng ta phải thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình chính trị nội bộ Campuchia, nghiên cứu và đánh giá đầy đủ các thông tin kể cả các văn bản nội luật cũng như quan điểm, lập trường và ý đồ của Campuchia về vấn đề biên giới với Việt Nam để kịp thời có những bước đi và phương án xử lý phù hợp. Đồng thời, cần tăng cường vận động, tranh thủ các lực lượng chính trị ở Campuchia, nhất là Đảng CPP nhằm ủng hộ cho một giải pháp tổng thể về biên giới giữa Việt Nam - Campuchia. Việt Nam cũng phải có sự hỗ trợ về mặt vật chất đối với Campuchia trong quá trình đàm phán và thực hiện Hiệp ước hoạch định.

Tiếp tục khẳng định giá trị của các hiệp ước, hiệp định đã ký kết giữa hai nước, trên cơ sở đó cùng đàm phán, thoả thuận để ký kết văn bản bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 nhằm giải quyết những tồn đọng, vướng mắc, đó là phương án hai Bên cần thống nhất lựa chọn cho vấn đề biên giới. Chỉ khi xác định được một hướng đi chung thì hai Bên mới có thể tiếp tục quá trình xác lập đường biên giới, cùng tiến tới xây dựng một đường biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề hoạch định đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia (Trang 120 - 126)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)