2.3. Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt
2.3.1. Tóm tắt quá trình đàm phán, ký kết Hiệp ước
Thực hiện Điều 1, Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới ngày 20/07/1983, Việt Nam và Campuchia cùng thống nhất thành lập Uỷ ban Liên hợp hoạch định biên giới Việt Nam- Campuchia (UBLHHĐBG).
UBLHHĐBG được thành lập trong cuộc họp giữa hai bên ngày 28/9/1983 tại Hà Nội. Đây là tổ chức song phương của hai quốc gia, được cơ cấu bởi hai đoàn đại biểu do hai quốc gia cử ra để cùng đàm phán, hoạch định đường biên giới. Các cuộc họp chính thức của UBLHHĐBG được tiến hành là diễn đàn để hai bên cùng thương lượng, thoả thuận, hoạch định đường biên giới trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế.
- Cuộc họp đầu tiên của UBLHHĐBG diễn ra từ ngày 11/7/1984 đến ngày 17/7/1984 tại Hà Nội. Nội dung chủ yếu mà hai bên cùng trao đổi và thống nhất đó là: phương pháp làm việc của UBLHHĐBG, chương trình làm việc lâu dài của UBLHHĐBG, ấn định ngày, địa điểm, thành phần cuộc họp khóa 2 của UBLHHĐBG, về việc mở lớp đào tạo cán bộ đo đạc bản đồ cho Campuchia, sơ bộ về thi hành Hiệp định quy chế biên giới năm 1983.
- Cuộc họp giữa hai Đoàn chuyên viên kỹ thuật về hoạch định biên giới được tiến hành từ ngày 10/10/1984 đến ngày 15/10/1984 tại Phnompenh. Hai bên đã trao đổi Dự thảo hiệp ước hoạch định biên giới thống nhất lựa chọn đính kèm Hiệp ước hoạch định biên giới hai loại bản đồ (26 mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 của Sở địa dư Đông Dương thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 nhất, và 40 mảnh bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 là bản đồ dùng để chuyển đường biên giới theo đúng bản đồ bonne tỷ lệ 1/100.000 nói trên). Cả hai loại bản đồ này đều có giá trị như nhau. Phía Việt Nam đề xuất phương án kỹ thuật nhằm chỉnh sửa lại những đoạn biên giới ở các mảnh bản đồ tiếp biên không khớp (giữa mảnh 1 và 2, mảnh 2 và 3, mảnh 6 và 7). Hai bên đã thảo luận và cùng thống nhất phương án này. Ngoài ra, cuộc họp còn dự thảo về nguyên tắc hoạch định biên giới trong vùng nước lịch sử. Cuộc họp thống nhất báo cáo lên hai Trưởng đoàn trong UBLHHĐBG về các vấn đề cần giải quyết liên quan đến hoạch định biên giới giữa hai nước:
+ Việt Nam đề nghị đường biên giới tại các sông suối biên giới được hoạch định theo thuyết Thalweg.
+ Những đoạn đê phòng thủ ở biên giới, những chỗ dân cư bên này sang làm ăn trên đất bên kia không ảnh hưởng đến vấn đề hoạch định, đường biên giới ở những đoạn này vẫn theo đúng đường biên giới được hoạch định chính thức trên bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000.
+ Điểm biên giới tiếp giáp giữa ba nước Việt - Lào - Campuchia, ba nước cùng bàn bạc giải quyết sau.
+ Những điểm phía Việt Nam đề nghị sửa đổi, phía Campuchia sẽ báo cáo lên cấp trên của mình để có ý kiến quyết định là: Đường biên giới sửa theo sống núi cao nhất, đường biên giới theo suối Iakiri, đường biên giới ở khu vực chóp nón, đường biên giới ở Bình Di - Khánh Hòa, đường biên giới ở Mũi Tàu - Chữ V; cử đội liên hợp đi khảo sát song phương 4 điểm (Mộc Bài - Ba Vét, Sông BengGô, Bình Di, Khánh Hòa).
- Cuộc họp khóa 2 của UBLHHĐBG diễn ra từ ngày 03/12/1984 đến ngày 10/12/1984 tại Phnompenh. Thảo luận các nội dung trong biên bản ký ngày 13/10/1984 về dự thảo hoạch định biên giới, Campuchia lại đưa ra quan điểm trái hẳn với những điểm đã thống nhất ở cuộc họp hai Đoàn chuyên viên kỷ thuật: giữ nguyên đường biên giới trên đất liền như đã thể hiện trên bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 của SGI đính kèm Hiệp ước nguyên tắc năm 1983, những đoạn biên giới chưa hợp lý (tiếp biên không khớp) hai bên sẽ thỏa thuận với nhau trên cơ sở công bằng, tôn trọng lẫn nhau, đoàn kết, hữu nghị và đúng với luật pháp quốc tế (không chấp nhận phương án chỉnh sửa mà Việt Nam đưa ra và đã thống nhất trong cuộc họp giữa hai đoàn chuyên viên kỹ thuật).
Cuộc họp đã thống nhất cử các Đội liên hợp đi khảo sát song phương 6 điểm: Beng Gô, Mộc Bài - Ba Vét, Sông Tiền - Sông Hậu, Bình Di - Khánh Hòa, sông Sở Thượng, Mi Mốt. Cơ cấu mỗi Đội liên hợp gồm một đồng chí trong UBLHHĐBG làm Đội trưởng, một đồng chí hiểu biết về bản đồ, một đại diện biên phòng, một đại diện địa phương và lực lượng bảo vệ. Lịch khảo sát do phía Campuchia bố trí và thông báo cho Việt Nam. Sau khi khảo sát, các Đội làm báo cáo về UBLHHĐBG.
Trong cuộc họp này, hai Bên đã cùng thảo luận, thương lượng và đi đến thống nhất quy trình làm Dự thảo Hiệp ước hoạch định biên giới, trình tự gồm các bước sau:
+ Giao cho phía Việt Nam chuẩn bị xong Dự thảo miêu tả đường biên giới trong tháng 1/1985;
+ Chuyển Dự thảo đó cho phía Campuchia nghiên cứu;
+ Lập tổ văn bản và tổ bản đồ, các tổ này sẽ họp ở TP. Hồ Chí Minh vào đầu tháng 2/1985 để cùng thảo luận, đàm phán về nội dung cụ thể của Dự thảo;
+ Hai trưởng đoàn trong UBLHHĐBG sẽ họp ở thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 3/1985 để cùng bàn bạc thống nhất và hoàn thiện dự thảo Hiệp ước hoạch định biên giới.
- Cuộc họp hai Đoàn chuyên viên văn kiện và bản đồ trong UBLHHĐBG được tiến hành từ ngày 11/3/1985 đến ngày 18/03/1985 tại thành phố Hồ Chí Minh. Quá trình chuẩn bị cho cuộc họp, trước đó Việt Nam đã chuyển đường biên giới từ bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 sang bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 theo như quyết nghị của UBLHHĐBG khóa 2 họp tại Phnompenh tháng 12/1984, làm dự thảo điều 1 của Hiệp ước hoạch định biên giới gửi cho Campuchia. Như vậy trước khi cuộc họp này được tiến hành, phía Campuchia đã có thời gian khá dài để nghiên cứu đường biên giới đã được Việt Nam chuyển sang bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000.
Trong cuộc họp, phía Campuchia nêu 14 điểm sửa chữa, trong đó 12 điểm tính toán khá chi ly. Hầu hết các điểm sửa chữa này được thảo luận và thống nhất trong thời gian rất nhanh, chỉ có 2 điểm sửa chữa tập trung thảo luận nhiều là sông Sở Thượng và cửa khẩu Mộc Bài.
+ Sông Sở Thượng: Theo văn bản lịch sử để lại, sông này thuộc Campuchia. Thực tế quản lý là sông chung. Theo bản đồ Bonne, một số mảnh bản đồ in đường biên giới đi giữa sông, một số mảnh bản đồ khác lại in đường biên giới đi ở mép sông phía Việt Nam. Theo bản đồ UTM mà phía Việt Nam chuyển cho Campuchia, biên giới đi theo mép sông phía Việt Nam. Điểm này cả hai bên đều thống nhất để hai Trưởng đoàn giải quyết.
+ Cửa khẩu Mộc Bài: Đây là điểm mà quá trình thảo luận mất nhiều thời gian nhất. Từ thời Sihanouk đã có một cái bùng binh ở đây, còn nguyên vẹn di tích cột cờ và đồn hải quan Campuchia, chân cột cờ của Campuchia còn lưu chữ Pháp: 1er = Janvier 1870. Thực tế, khi công an vũ trang của Việt Nam tiếp quản vùng đất giáp biên này thì có hai đồn: 1 của Việt Nam và 1 của Campuchia bố trí ở hai bên bùng binh và ranh giới là ở giữa. Khi Việt Nam đến khảo sát đơn phương tháng 2/1984, kể cả khi chuyển đường biên giới từ bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 sang bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000, đường biên giới đi vào mép bùng binh phía Camphuchia và bùng binh thuộc về Việt Nam. Trong hội nghị, hai bên đã đưa ra những cách đo khác nhau để xác định lại điểm biên giới này. Cuối cùng hai bên đã thỏa thuận cùng
ký tắt vào biên bản hai nhóm bản đồ là đường biên giới đi vào bùng binh và chờm 2/5 ở mép bùng binh bên phía Campuchia.
Ngày 14/3/1985, hai bên ký biên bản làm việc chung.
- Cuộc họp hai Trưởng đoàn trong UBLHHĐBG diễn ra tại Phnompenh từ ngày 1/6/1985 đến ngày 17/6/1985, chủ yếu thảo luận, thương lượng, bàn bạc các nội dung sau:
+ Xem xét biên bản của tổ văn kiện và bản đồ họp tại TP. Hồ Chí Minh ký ngày 14/3/1985: Hai bên đã cùng bàn bạc và giải quyết những điểm mà tổ văn kiện và bản đồ chưa thống nhất được, chủ yếu là điểm Mộc Bài và sông Sở Thượng. Kết quả, chỉ riêng điểm sông Sở Thượng còn vướng mắc. Phía Campuchia đề nghị cho một số chuyên viên của họ sang Hà Nội trao đổi, xem xét cụ thể bộ bản đồ gốc đính kèm Hiệp ước nguyên tắc năm 1983 còn lưu ở Hà Nội, sau đó sẽ báo cáo Bộ chính trị để có hướng đàm phán tiếp về điểm vướng mắc này.
+ Dự thảo hiệp ước hoạch định biên giới: Phần liên quan đến biên giới trên bộ, hai bên cùng thống nhất hoàn chỉnh văn bản và sửa các đoạn trong văn miêu tả. Phần liên quan đến biên giới trên biển, hai bên cùng hoàn thiện Điều 3 của Dự thảo. Tuy nhiên, bản Dự thảo chưa được hai Trưởng đoàn ký tắt vì còn lưu lại điểm sông Sở Thượng.
+ Những công việc cần chuẩn bị cho ký kết Hiệp ước hoạch định biên giới: thống nhất cách trình bày văn bản và các mảnh bản đồ sẽ đính kèm Hiệp ước; đánh máy chính thức văn bản Hiệp ước hoạch định biên giới để đại diện hai bên trong UBLHHĐBG cùng ký tắt vào văn bản và các phụ lục đính kèm, sau đó, mỗi bên báo cáo lên Bộ chính trị của nước mình chuẩn y; bàn về ngày, địa điểm, người ký Hiệp ước, về phê chuẩn và trao đổi thư phê chuẩn văn bản Hiệp ước.
+ Những công việc chuẩn bị cho phân giới cắm mốc: Bố trí các đoạn biên giới, phân công in và kinh phí in bản đồ phục vụ cho phân giới căm mốc; chuẩn bị cuộc họp bàn về các vấn đề phân giới cắm mốc.
- Cuộc họp hai đoàn chuyên viên văn kiện và bản đồ hoạch định biên giới tiến hành từ ngày 2/7/1985 đến ngày 9/7/1985 tại Hà Nội. Sau khi cùng đối chiếu bản đồ gốc đính kèm Hiệp ước nguyên tắc năm 1983 do Việt Nam lưu trữ liên quan đến điểm sông Sở Thượng, hai bên nhất trí ở điểm này coi như đường biên giới được xác định theo bản đồ gốc của Pháp là đi đúng giữa sông. Hai bên thoả thuận không ký biên bản làm việc chung.
- Cuộc họp hai Đoàn chuyên viên biên giới trong UBLHHĐBG từ ngày 01/10/1985 đến ngày 04/10/1985 tại Tây Ninh được tiến hành với mục đích hoàn thiện văn kiện Hiệp ước hoạch định biên giới và bản đồ kèm theo.
Nội dung thảo luận cụ thể xoay quanh một số vấn đề:
+ Về văn bản: Có hai điểm được đưa ra trao đổi: điểm ở cửa khẩu Mộc Bài cần xem xét lại tọa độ; điểm sông Sở Thượng, hai bên phải sửa đổi lời văn mô tả đường biên giới và các tọa độ ghi trong văn bản cho phù hợp với bản đồ gốc Pháp là đường biên giới đi đúng giữa sông. Sau khi đã cùng thảo luận, thống nhất các vấn đề trên, Hiệp định hoạch định biên giới được đánh máy chính thức để đại diện hai bên ký nháy, chuẩn bị cho hai trưởng đoàn ký tắt.
+ Về bản đồ: Thống nhất thay mảnh bản đồ sông Sở Thượng đính kèm hiệp ước về nguyên tắc năm 1983 mà phía Campuchia lưu giữ. Vẽ lại bốn bộ bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 đã chuyển đường biên giới chủ yếu ở hai điểm Mộc Bài và sông Sở Thượng.
Như vậy, cho đến vòng họp này, hai bên đã cùng đưa ra thảo luận và giải quyết hầu hết các vấn đề liên quan đến hoạch định đường biên giới. Văn bản hiệp ước và bản đồ đính kèm được hoàn thiện, đại diện cả hai bên cùng ký nháy xác nhận làm cơ sở cho hai Trưởng đoàn trong UBLHHĐBG ký tắt.
- Cuộc họp hai Trưởng đoàn trong UBLHHĐBG từ ngày 22/01 - 26/01/1985 tại Phnompenh, hai Trưởng đoàn trong UBLHHĐBG đã cùng nhau ký tắt vào văn bản Hiệp ước hoạch định biên giới và bản đồ đính kèm, làm cơ sở để đại diện hai nước ký chính thức.
Ngày 27/12/1985 tại Phnompenh, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước được sự ủy nhiệm của Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia, đã cùng nhau ký kết Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia.