1.5. Giải quyết tranh chấp về biên giới trong luật pháp quốc tế
1.5.2. Pháp luật quốc tế về giải quyết tranh chấp biên giới
Trong các vụ tranh chấp về biên giới, các bên đều đưa ra yêu sách cụ thể về vấn đề biên giới. Và giải quyết tranh chấp biên giới chính là giải quyết yêu sách của các bên trên cơ sở và phù hợp với Luật pháp quốc tế.
1.5.2.1. Các nguyên tắc của luật pháp quốc tế về giải quyết tranh chấp biên giới.
“Hoà bình giải quyết các tranh chấp Quốc tế” (trong đó có tranh chấp về biên giới lãnh thổ) là một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật pháp quốc tế. Cùng
với các nguyên tắc khác, nó là căn cứ pháp lý cơ bản và quan trọng nhất để duy trì một trật tự pháp lý trong giải quyết tranh chấp quốc tế, tạo ra môi trường hoà bình, hợp tác, cùng phát triển giữa các quốc gia.
Luật Quốc tế ngay từ buổi bình minh đã không xa lạ với các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế, nhưng chưa có những quy phạm bắt buộc các quốc gia phải giải quyết tranh chấp chỉ bằng phương pháp hoà bình mà không bằng vũ lực.
Trong hệ thống Công ước Lahay 1899 và 1907, Công ước về hoà bình giải quyết xung đột quốc tế là công ước đa phương đầu tiên đề cập đến vấn đề quan trọng này. Tuy nhiên, Công ước này mới chỉ đưa ra lời kêu gọi các quốc gia: “Sử dụng tối đa các biện pháp trung gian hoà giải trước khi dùng vũ khí”. Qui chế Hội quốc liên cũng xác định nghĩa vụ của các quốc gia phải giải quyết tranh chấp bằng hoà bình, như giải quyết ở toà án hoặc đưa ra Hội đồng của Hội quốc liên, nhưng bên cạnh đó, qui chế ở một mức độ nhất định còn song song công nhận quyền của các quốc gia dùng chiến tranh như một biện pháp giải quyết tranh chấp.
Hiệp ước Paris 1928 về khước từ chiến tranh đã tuyên bố cấm chiến tranh xâm lược và nêu rõ trách nhiệm của các quốc gia chỉ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình. Và đến khi Hiến chương Liên hợp quốc ra đời, “giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế” được ghi nhận thành một nguyên tắc mang tính bắt buộc chung đối với tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế. Khoản 3, điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc qui định: “Tất cả các thành viên c ủa Liên hợp quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hoà bình, an ninh và công lý”. Nguyên tắc này tiếp tục được khẳng định trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng khác như: Tuyên bố của Liên hợp quốc về các nguyên tắc của luật quốc tế liên quan đến quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia năm 1970; Định ước cuối cùng của Hội nghị an ninh hợp tác châu Âu năm 1975, Tuyên bố Madrit về hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế năm 1982, Công ước của Liên minh các quốc gia Ả Rập, Hiến chương của tổ chức các quốc gia Châu Mỹ La tinh… Các điều ước
quốc tế song phương về giải quyết biên giới và lãnh thổ giữa các quốc gia có liên quan cũng ghi nhận một cách phổ biến nguyên tắc này.
Bên cạnh nguyên tắc “Hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế”, các quốc gia còn có thể thương lượng thoả thuận các nguyên tắc khác như: nguyên tắc công bằng, nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế, nguyên tắc Uti Possidetis, nguyên tắc hợp tác và tôn trọng lợi ích của nhau... để giải quyết các tranh chấp về biên giới. Tuy nhiên, các nguyên tắc này tuỳ từng trường hợp cụ thể, từng tranh chấp biên giới cụ thể mà nó được các bên thoả thuận áp dụng hay không và áp dụng ở mức độ như thế nào. Nguyên tắc hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế vẫn là nguyên tắc bao trùm và chỉ đạo quá trình giải quyết các tranh chấp về biên giới.
1.5.2.2. Các biện pháp hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế về biên giới lãnh thổ.
Sử dụng các biện pháp hoà bình để giải quyết các tranh chấp quốc tế nói chung, tranh chấp về biên giới lãnh thổ nói riêng là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi chủ thể của luật pháp quốc tế hiện đại. Các biện pháp hoà bình, đó là các phương tiện, cách thức giải quyết tranh chấp được tiến hành trong môi trường hoà bình, an ninh quốc tế, nhằm phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia.
Luật quốc tế hiện đại ghi nhận các biện pháp hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế bao gồm:
+ Đàm phán trực tiếp: là sự gặp gỡ, trao đổi, thương lượng và thoả thuận của các bên hữu quan để tìm ra con đường hoà bình giải quyết tranh chấp mà không thông qua bên thứ ba. Đây là biện pháp cho phép đảm bảo tối đa quyền bình đẳng của các bên và kết quả thường được các bên đồng tình, tôn trọng triệt để. Xuất phát từ tầm quan trọng của nó, Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc đã ghi nhận biện pháp đàm phán trực tiếp ở vị trí đầu tiên. Đây cũng được xem là biện pháp được ưu tiên tại các điều ước quốc tế khác như Điều lệ tổ chức các nước Châu Mỹ La tinh (Điều 24), Điều lệ tổ chức thống nhất Châu Phi, Định ước Helssinki, Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982… Trên thực tế, biện pháp đàm phán trực tiếp đã phát huy tính hữu hiệu và linh hoạt nhất trong các biện pháp hoà bình giải quyết
các tranh chấp quốc tế nói chung và tranh chấp về biên giới lãnh thổ nói riêng, cũng là biện pháp chủ yếu được các bên sử dụng để giải quyết các tranh chấp về biên giới trong khi các biện pháp khác ít được sử dụng hơn.
+ Các biện pháp hỗ trợ (môi giới, trung gian, các Uỷ ban điều tra và Uỷ ban hoà giải): là các biện pháp giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba - bên không tranh chấp - nhằm giúp đỡ các bên hữu quan tiến dần tới đàm phán giải quyết tranh chấp. Vai trò và mức độ tham gia của bên thứ ba trong việc giải quyết tranh chấp có thể là môi giới hoặc trung gi an. Biện pháp môi giới là mức độ thấp nhất, trong đó bên thứ ba chỉ có vai trò làm cho hai bên tranh chấp có thể ngồi vào bàn đàm phán. Tuy không được đề cập trong Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc nhưng nguyên tắc này đã được ghi nhận như một trong những biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế trong hệ thống Công ước Lahay 1899 và 1907. Với biện pháp trung gian, bên thứ ba cùng tham gia vào quá trình đàm phán và đưa ra ý kiến để các bên tranh chấp tham khảo. Uỷ ban điều tra và Uỷ ban hoà giải quốc tế cũng có thể được thành lập theo thoả thuận của các bên để giải quyết tranh chấp một cách hoà bình. Các uỷ ban này thường được thành lập trên cơ sở nhất trí của các bên tranh chấp theo nguyên tắc đồng đều đại diện. Các biện pháp này được ghi nhận tại Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc và một số văn bản pháp lý quốc tế quan trọng khác.
+ Trọng tài quốc tế [9,18-20]: là “một phương thức giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia thông qua các thẩm phán do quốc gia tự lựa chọn” (Công ước Lahay 1907). Biện pháp này thường được sử dụng khi các cuộc thương thuyết bị bế tắc. Để quá trình trọng tài được thực hiện, các bên trong vụ tranh chấp thường ký kết với nhau một Hiệp định trọng tài, trong đó các bên thoả thuận với nhau về số lượng trọng tài, qui chế tổ chức và hoạt động (qui tắc tố tụng) của cơ quan trọng tài, giá trị pháp lý của quyết định trọng tài... Trọng tài xem xét các vụ tranh chấp về mặt nội dung, đưa ra những giải pháp cụ thể để giải quyết tranh chấp. Quyết định của trọng tài có thể có giá trị pháp lý bắt buộc, cũng có thể chỉ có tính chất khuyến nghị
hay khuyến cáo đối với các bên tranh chấp nếu các bên thoả thuận như vậy trong Hiệp định về trọng tài đã ký trước đó.
+ Toà án quốc tế [9,30,101]. Các bên tranh chấp có thể tự nguyện lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua toà án quốc tế. Đây là cơ quan xét xử thường trực với chức năng chính là giải quyết hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế các tranh chấp nảy sinh trong đời sống quốc tế. Thẩm phán của toà án quốc tế được bầu ra căn cứ vào những tiêu chuẩn nhất định, với một nhiệm kỳ nhất định. Cơ sở thẩm quyền giải quyết tranh chấp của toà án dựa trên sự đồng ý rõ ràng của quốc gia. Toà án quốc tế chỉ có thể xem xét và giải quyết vụ tranh chấp nếu tất cả các bên tranh chấp đều đồng ý ra trước toà.
Như vậy, thẩm quyền của toà án quốc tế trong giải quyết tranh chấp quốc tế cũng không phải là thẩm quyền đương nhiên mà là thẩm quyền trên cơ sở thoả thuận của các bên hữu quan. Tuy nhiên, phán quyết của toà án lại có giá trị chung thẩm bắt buộc đối với các bên tranh chấp. Đây là nguyên tắc được áp dụng cho tất cả các phán quyết của toà án quốc tế.
+ Giải quyết tranh chấp tại các tổ chức quốc tế: Các tổ chức quốc tế ngày nay không chỉ là trung tâm phối hợp hành động của các quốc gia nhằm hướng tới những lợi ích chung mà còn có vai trò to lớn trong việc giải quyết những tranh chấp quốc tế, trước hết là tranh chấp giữa các quốc gia thành viên. Cùng với sự phát triển của qúa trình hội nhập khu vực và quốc tế, trong những năm gần đây cộng đồng thế giới quan tâm nhiều đến biện pháp dùng các tổ chức quốc tế để giải quyết các tranh chấp quốc tế, trong đó phải kể đến vai trò của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khu vực.
Liên hợp quốc: là một tổ chức quốc tế liên chính phủ mang tính phổ cập và có vai trò rất quan trọng trong đời sống quốc tế. Theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, các cơ quan chính của tổ chức này ở các mức độ khác nhau đều có thể tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp quốc tế, trong đó vai trò c hủ yếu thuộc về Hội đồng bảo an và Toà án quốc tế.
Ngoài Toà án quốc tế có chức năng giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia như đã đề cập ở trên, Hội đồng bảo an là cơ quan có trách nhiệm chính trong việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, là cơ quan có chức năng rộng lớn nhất trong giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế. Thẩm quyền của Hội đồng bảo an được xác định đối với các loại hình tranh quốc tế mà khả năng kéo dài có thể đe doạ hoặc đe doạ hoà bình an ninh quốc tế. Hội đồng bảo an có toàn quyền thực hiện chức năng giải quyết các tranh chấp thuộc thẩm quyền của mình thông qua các biện pháp môi giới (điều 36), trung gian (điều 37), điều tra (điều 34) và hoà giải (điều 38). Đại hội đồng cũng có thể thực hiện các chức năng hoà giải nếu tranh chấp không được chuyển giao cho Hội đồng bảo an xem xét và giải quyết (Điều 11,Điều 12, Điều 14 và Điều 35, Hiến chương Liên hợp quốc). Trong thực tiễn hoạt động của Liên hợp quốc, Tổng thư ký theo yêu cầu của Đại hội đồng và Hội đồng bảo an có thể đóng vai trò trung gian hoà giải (trong tiến trình giải quyết khủng hoảng ở vùng Caribê, trong việc ký kết thoả ước quốc tế về điều chỉnh tình hình chính trị xung quanh vấn đề Apganixtan…).
Tổ chức quốc tế khu vực: Việc giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua các tổ chức quốc tế khu vực hoặc bằng các dàn xếp, các thoả thuận, hiệp định mang tính chất khu vực được coi là một trong các biện pháp hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế do Liên hợp quốc kiến nghị với các nước thành viên (khoản 1, Điều 33, Hiến chương Liên hợp quốc). Văn bản pháp lý của một số tổ chức quốc tế khu vực cũng qui định về trình tự, thủ tục và hệ thống các biện pháp hoà bình giải quyết các tranh chấp giữa các thành viên của mình. Việc sử dụng tổ chức quốc tế khu vực để giải quyết tranh chấp quốc tế có thể được thực hiện theo sáng kiến hay sự thoả thuận của các quốc gia tranh chấp, thành viên của các tổ chức quốc tế này, cũng có thể theo sáng kiến của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hay theo qui định của tổ chức quốc tế khu vực.
Các quốc gia có quyền tự do lựa chọn cho mình biện pháp hoà bình phù hợp để giải quyết tranh chấp quốc tế sao cho mọi tranh chấp đều được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, quan hệ hợp tác, hữu nghị, thiện chí và tôn trọng lẫn nhau.
Trên thực tế, việc giải quyết các tranh chấp về biên giới thường tuân theo các nguyên tắc cơ bản sau:
+ Chỉ có cơ quan chính quyền Trung ương mới có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến đường biên giới quốc gia.
+ Các tranh chấp về biên giới phải được giải quyết bằng các biện pháp hoà bình: đàm phán ngoại giao giữa các bên, toà án quốc tế hoặc trọng tài quốc tế...
Khi xảy ra những tranh chấp ở biên giới, chính quyền địa phương các bên hữu quan tuỳ theo mức độ, cần kịp thời gặp nhau, bàn bạc giải quyết trên tinh thần quan hệ hữu nghị, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế. Thông thường chính quyền địa phương khu vực biên giới chỉ có thẩm quyền giải quyết các vấn đề, tranh chấp nảy sinh đã được các bên hữu quan thoả thuận và ghi nhận trong Hiệp định về qui chế biên giới hoặc các qui định có liên quan. Trường hợp tranh chấp về lãnh thổ, dịch chuyển, phá hoại cột mốc, xâm phạm, vi phạm đường biên giới thì chính quyền địa phương mỗi bên phải báo cáo lên Chính phủ của mình để giải quyết. Trong khi chờ đợi, các bên đều phải cố gắng giữ quan hệ bình thường, không làm cho tình hình phức tạp thêm. Chỉ có chính quyền Trung ương mới có thẩm quyền quyết định các vấn đề về đường biên giới quốc gia.
Tôn trọng nguyên tắc giải quyết các tranh chấp về biên giới bằng các biện pháp hoà bình, trong vấn đề biên giới với các nước láng giềng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam chủ trương trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng thân thiện để giải quyết các tranh chấp biên giới bằng thương lượng trực tiếp, phù hợp với các qui định của Luật pháp quốc tế.
Kết luận: Trên đây là toàn bộ những vấn đề lý luận chung cơ bản nhất về biên giới quốc gia trong Luật pháp quốc tế. Có thể thấy, lý luận về biên giới quốc gia trong luật pháp quốc tế chủ yếu được hình thành từ thực tiễn về pháp lý và đàm phán của các quốc gia. Với những nội dung cơ bản nhất, chung nhất và đang được chấp nhận trong lĩnh vực biên giới và lãnh thổ như: khái niệm lãnh thổ, biên giới quốc gia; phân loại biên giới quốc gia: xác lập biên giới quốc gia; giải quyết tranh chấp về biên giới quốc gia…luật quốc tế về biên giới quốc gia là nền tảng cơ
sở lý luận có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình xác lập đường biên giới trên đất liền giữa các quốc gia.
Nước CHXHCN Việt Nam là quốc gia có sự kế thừa biên giới trên đất liền do thực dân để lại cùng với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Tuy nhiên, mỗi đường biên giới có một đặc thù riêng. Việt Nam đã cùng các nước láng giềng vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo luật pháp quốc tế, trên cơ sở nghiên cứu một cách chính xác những sự kiện, vùng lãnh thổ, các hồ sơ liên quan để cùng tìm ra giải pháp cho vấn đề biên giới.
Chương 2: BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN VIỆT NAM - CAMPUCHIA VÀ HIỆP ƯỚC HOẠCH ĐỊNH BIÊN GIỚI QUỐC GIA GIỮA NƯỚC