Quy chế pháp lý của biên giới quốc gia

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề hoạch định đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia (Trang 40 - 44)

Biên giới quốc gia ổn định và hoà bình là một trong những điều kiện tiên quyết cho hoà bình, an ninh và hợp tác quốc tế. Biên giới quốc gia phải được các quốc gia khác tôn trọng. Nó là bộ phận không thể tách rời và bất khả xâm phạm của lãnh thổ quốc gia. Điều này được thể hiện rõ trong quy chế pháp lý của biên giới quốc gia; được quy định bởi các nguyên tắc chung của Luật quốc tế, các điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia.

1.4.1. Các nguyên tắc chung của Luật quốc tế về biên giới quốc gia.

1.4.1.1. Nguyên tắt bất khả xâm phạm của đường biên giới quốc gia.

Trước đây, vấn đề đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia chưa được đặt ra. Việc những nước lớn thực hiện các hoạt động xâm lược, chuyển dịch lãnh thổ, giải quyết tranh chấp biên giới bằng vũ lực chưa bị Luật pháp quốc tế lên án.

Đến cách mạng Tháng Mười Nga, trong sắc lệnh về hoà bình của V.I.Lênin do Đại hội II các Xô Viết toàn Nga thông qua ngày 8/11/1917, lần đầu tiên đã nêu lên những nguyên tắc của một kiểu quan hệ mới xây dựng trên cơ sở thiết lập một nền hoà bình giữa các dân tộc, thừa nhận quyền bình đẳng, nền độc lập của tất cả các quốc gia. Nguyên tắc bất khả xâm phạm của đường biên giới quốc gia được xác định và củng cố trong hàng loạt các văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng và trở thành một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật pháp quốc tế hiện đại. Điều này tạo cho sự toàn vẹn lãnh thổ và bất khả xâm phạm đường biên giới tính chất chuẩn mực bắt buộc. Điều 2, khoản 4, Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 quy định: “Trong quan hệ quốc tế, các thành viên Liên hợp quốc không được có hành động đe doạ bằng vũ lực hay dùng vũ lực để chống lại quyền bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất cứ một nước nào…”. Tuyên bố của các nước tham gia Hiệp ước Vác-Sa-Va về hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau tại Hội nghị của Uỷ ban tư vấn chính trị năm 1966 nhấn mạnh: “Tính bất khả xâm phạm biên giới là cơ sở của nền hoà bình vững chắc ở Châu Âu [70,73]. Điều 1, tuyên bố ngày 24/10/1970 về những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia quy định: “Mỗi quốc gia có nghĩa vụ từ bỏ việc sử dụng vũ lực và đe doạ vũ lực để xâm phạm biên giới quốc tế đang tồn tại của quốc gia khác hoặc dùng nó làm phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề có liên quan đến biên giới các nước”. Trong định ước cuối cùng của Hội nghị về an ninh và Hợp tác Châu Âu ngày 01/08/1975 (Định ước Helsssinki), 33 nước Châu Âu và hai nước Châu Mỹ đã “cam kết công nhận” tính bất khả xâm phạm của biên giới: “Các quốc gia tham dự cùng nhau gìn giữ tính bất khả xâm phạm biên giới của họ cũng như của các quốc gia Châu Âu và không có bất cứ hành động nào xâm phạm các biên giới đó, hiện tại cũng như sau này. Vì vậy các quốc gia này không có bất cứ đòi hỏi nào hay mọi hành động xâm chiếm toàn bộ hay một phần lãnh thổ của một quốc gia tham dự khác” [62]...

Nội dung của nguyên tắc bất khả xâm phạm biên giới quốc gia bao gồm: + Biên giới quốc gia phải được duy trì ổn định, bất khả xâm phạm. Các quốc

gia khác có nghĩa vụ tôn trọng triệt để đường biên giới quốc gia, không được tuỳ tiện thay đổi, tuỳ tiện xâm nhập hay vi phạm.

+ Cấm các hành vi xâm phạm đến đường biên giới được đánh dấu bằng cột mốc, các dấu hiệu cụ thể cũng như đối với quy chế pháp lý của khu vực biên giới.

+ Cấm dùng các thủ đoạn hoặc lực lượng vũ trang, bán vũ trang hoặc các cá nhân và tổ chức nào để xâm nhập lãnh thổ quốc gia khác.

+ Cấm bất cứ thủ đoạn gây rối nào với mục đích làm thay đổi đường biên giới và qui chế pháp lý biên giới.

+ Mọi quốc gia có quyền sử dụng quyền tự vệ chính đáng của mình, tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn chặn mọi hành vi vi phạm biên giới quốc gia.

Củng cố tính bất khả xâm phạm đối với biên giới của một quốc gia là điều kiện quan trọng để tăng cường an ninh quốc gia, an ninh chung của khu vực và cũng là một mặt của sự nghiệp bảo vệ hoà bình thế giới. Bài học của quá khứ, thực tế của hiện tại, triển vọng của tương lai trong đời sống quốc tế nhất định sẽ dẫn đến kết luận rằng an ninh của tất cả các quốc gia trên thế giới đã và trước hết là thể hiện ở sự an toàn và tính bất khả xâm phạm của các đường biên giới quốc gia.

1.4.1.2. Nguyên tắc về tính bền vững và ổn định của đường biên giới.

Bên cạnh nguyên tắc bất khả xâm phạm, nguyên tắc về tính bền vững và ổn định của đường biên giới song song tồn tại như một chỉnh thể trọn vẹn.

Các đường biên giới phải ổn định lâu dài. Đó là kết luận của toà án pháp lý quốc tế trong vụ đền Préah Vihéar (giữa Thái Lan và Campuchia năm 1962): “Nhìn chung một khi hai nước xác định giữa họ một đường biên giới , một trong những mục tiêu cơ bản của họ là phải có được một giải pháp (biên giới) bền vững và dứt khoát” [40,34]. Tính bền vững và ổn định là đặc trưng cho mọi đường biên giới, bất kể đó là đường biên giới trên đất liền, trên biển hay trên không. Một khi đã được các bên thoả thuận xác định, đường biên giới quốc gia sẽ tồn tại, không thể xâm phạm, vi phạm, không thể tuỳ tiện thay đổi. Ngay cả khi Hiệp ước quốc tế, trong đó có điều khoản về biên giới giữa các nước hữu quan hết hiệu lực hoặc không còn giá trị thì điều khoản về biên giới vẫn tồn tại trong quan hệ hai nước [41]. Trường hợp

có những thay đổi về chế độ chính trị xã hội trong một quốc gia, giá trị của hiệp định về biên giới cũng hoàn toàn không thay đổi. Công ước Viên về luật điều ước ngày 23/5/1969, Điều 62, khoản 2, mục a, quy định: “Một sự thay đổi cơ bản các hoàn cảnh không thể được viện dẫn làm lý do để chấm dứt hiệu lực hoặc để rút khỏi một điều ước nếu: a) Điều ước này là một điều ước xác định đường biên giới…”. Như vậy, Luật pháp quốc tế hiện đại luôn bảo đảm tính bền vững và ổn định của đường biên giới quốc gia.

Tính bền vững và ổn định của đường biên giới được Luật pháp quốc tế bảo đảm trên cơ sở các nguyên tắc:

+ Các quốc gia tự do thoả thuận hoạch định biên giới, căn cứ vào các yếu tố lịch sử, địa lý, pháp lý, chính trị…

+ Các quốc gia được tự do tiến hành xác lập các đường biên giới. Hoạt động này được coi như một thẩm quyền nhà nước riêng biệt, không bị áp đặt cũng như phụ thuộc.

Tuy nhiên, hoạch định biên giới quốc gia là một hoạt động pháp lý có khía cạnh quốc tế nên nó chỉ có giá trị khi được tiến hành đúng với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc cơ bản như: tôn trọng chủ quyền quốc gia, tôn trọng ý chí thoả thuận của các quốc gia, tự nguyện thực hiện các cam kết quốc tế…

1.4.2. Quy chế pháp lý về biên giới quốc gia.

Với mục đích lớn nhất là để bảo vệ biên giới một cách hoà bình, ổn định, và hiệu quả, các quốc gia thường ký kết hiệp định về quy chế biên giới, trong đó chứa đựng các nguyên tắc, quy phạm pháp lý cơ bản, điều chỉnh hoạt động của dân cư, tổ chức, các hoạt động liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới quyền lợi chung trong khu vực biên giới, nhằm thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị, bảo vệ đường biên giới chung.

Các hiệp định này thường quy định các vấn đề sau:

+ Các quy định về bảo vệ đường biên giới, mốc quốc giới.

+ Các quy định về khu vực biên giới, dân cư biên giới, giấy chứng minh biên giới.

+ Các quy định về qua lại biên giới đối với người, hàng hoá, các phương tiện giao thông, quy định hệ thống cửa khẩu, quy định về kiểm soát việc qua lại biên giới, hệ thống các trạm kiểm soát biên phòng, hải quan, kiểm dịch, phòng dịch biên giới… + Các quy định về khai thác, sử dụng sông, suối biên giới, xây dựng các công trình thủy lợi, công trình biên giới, khai thác bảo vệ tài nguyên, khoáng sản…

+ Các quy định về hợp tác giữ gìn, trật tự an ninh chung trong khu vực biên giới, phối hợp trấn áp tội phạm, công tác thông tin.

+ Các quy định về thẩm quyền, thủ tục và cách thức giải quyết tranh chấp biên giới. Dù cách này hay cách khác, nội dung của quy chế pháp lý biên giới quốc gia chính là giới hạn của việc thực hiện chủ quyền quốc gia và là sự thi hành quyền lực tối cao của nhà nước.

Để bảo vệ đường biên giới chung, Việt Nam đã cùng Campuchia ký kết Hiệp định về quy chế biên giới ngày 20/7/1983, cùng Lào ký kết Hiệp ước về quy chế biên giới Việt - Lào ngày 01/03/1990, cùng Trung Quốc ký kết Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới ngày 7/11/1991.

Ngoài việc các quốc gia hữu quan cùng nhau ký kết các hiệp định về quy chế biên giới, mỗi bên căn cứ vào thẩm quyền lãnh thổ của mình có thể ban hành những văn bản pháp lý riêng nhằm điều chỉnh các hoạt động trong khu vực biên giới hoặc các hoạt động thuộc thẩm quyền lãnh thổ của mình để đảm bảo an ninh biên giới.

Như vậy, khi quy chế pháp lý về biên giới quốc gia được tạo lập và thi hành, điều đó có nghĩa một hàng rào pháp lý - chính trị chắc chắn đã được dựng lên nhằm đảm bảo sự bất khả xâm phạm, tính bền vững và ổn định của đường biên giới.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề hoạch định đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)