Khái niệm và đặc điểm pháp lý của góp vốn thành lập công ty cổ phần

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Những quy định đối với góp vốn thành lập Công ty Cổ phần ở Việt Nam (Trang 30 - 35)

đặc điểm pháp lý của công ty cổ phần riêng biệt tại Điều 77, chứ không quy định tản mạn như trong đặc điểm chung (Điều 2) và đặc điểm riêng của công ty cổ phần (Điều 30) như Luật Công ty 1990.

Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng quy định rõ hơn về cổ đông: Cổ đông có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, quyền chuyển nhượng cổ phần cũng được quy định cụ thể hơn, không phụ thuộc vào cổ phiếu ghi tên hay không ghi tên như trong Luật Công ty trước đây.

Ngoài ra, trong Luật Doanh nghiệp năm 2005, quy định về số lượng tối thiểu cổ đông trong công ty cổ phần đã giảm từ bảy xuống còn ba cổ đông. Quy định này phù hợp với thực tế, với loại hình công ty cổ phần và nhờ đó đã giúp người dân có thể thuận lợi hơn trong việc thành lập công ty cổ phần. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề còn chưa rõ ràng của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Luật Công ty 1990 quy định số thành viên gọi là cổ đông mà công ty cổ phần phải có trong suốt thời gian hoạt động là bảy (khoản 1 Điều 30). Còn tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 chỉ quy định số lượng cổ đông tối thiểu là ba, mà chưa đưa ra cách xử lý đối với trường hợp số lượng cổ đông giảm xuống dưới mức tối thiểu trên. Nếu theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện nay, ta có thể hiểu số lượng cổ đông tối thiểu ở đây gắn liền với lúc thành lập doanh nghiệp.

1.2.2. Những vấn đề chung về góp vốn thành lập công ty cổ phần

1.2.2.1. Khái niệm và đặc điểm pháp lý của góp vốn thành lập công ty cổ phần ty cổ phần

Từ khái niệm chung về góp vốn thành lập công ty, ta rút ra: góp vốn vào công ty cổ phần được hiểu là việc cổ đông dùng tài sản góp vào công ty

cổ phần để trở thành chủ sở hữu chung của công ty. Khi góp vốn vào công ty cổ phần thì người góp vốn trở thành chủ sở hữu chung đối với công ty, bởi vì theo quy định của pháp luật, công ty cổ phần phải có ít nhất 3 cổ đông trở lên. Trong Luật Doanh nghiệp, thuật ngữ góp vốn vào công ty cổ phần được hiểu là mua cổ phần của công ty cổ phần, không phân biệt đó là trong giai đoạn thành lập công ty hay giai đoạn công ty đã đi vào hoạt động. Theo tôi, thuật ngữ góp vốn thường được sử dụng trong giai đoạn thành lập công ty; theo đó, góp vốn là việc các cổ đông góp vốn hoặc cam kết góp tài sản để thành lập công ty cổ phần. Còn việc góp vốn trong quá trình công ty đã hoạt động sản xuất kinh doanh chính là khả năng gọi thêm vốn. Thuật ngữ huy động vốn thường được sử dụng để mô tả việc góp vốn của các cổ đông - người mua cổ phiếu mà công ty cổ phần phát hành trong giai đoạn này. Chính vì vậy, trong phạm vi luận văn này, tôi xin được phép sử dụng thuật ngữ góp vốn gắn với giai đoạn thành lập công ty cổ phần.

Khi bàn về góp vốn, Tiến sỹ luật học Nguyễn Ngọc Điện cho rằng, góp vốn vào công ty cổ phần có thể coi như là việc thực hiện hợp đồng chuyển quyền sở hữu tài sản có đền bù [16, tr. 191-192]. Ta thấy quan điểm này rất hợp lý, phản ánh đúng bản chất, đặc điểm pháp lý của việc góp vốn vào công ty cổ phần, vì:

+ Hợp đồng bởi vì nó là sự thỏa thuận tự nguyện của các bên liên quan. Góp vốn vào công ty cổ phần là kết quả của sự thỏa thuận, thống nhất của các cổ đông. Khi tham gia góp vốn thành lập công ty cổ phần, các cổ đông thỏa thuận với nhau về các vấn đề liên quan như: mỗi cổ đông góp bao nhiêu vốn, tài sản góp vốn, định giá tài sản góp vốn, nguyên tắc chuyển nhượng vốn góp… Có khi để thành lập một công ty cổ phần, các cổ đông chỉ cần thống nhất với nhau thông qua thỏa thuận bằng miệng hoặc cũng có khi kết quả của sự thỏa thuận đó được thể hiện bằng văn bản, hay cụ thể là hợp đồng thành lập công ty; tuy nhiên, điều này không phủ nhận rằng bất kỳ việc góp vốn thành lập công ty như thế nào, không phụ thuộc vào số vốn góp của

mỗi cổ đông và số lượng cổ đông… phía sau nó vẫn là quan hệ hợp đồng xoay quanh vấn đề góp vốn. Thỏa thuận góp vốn giữa các cổ đông trong giai đoạn tiền thành lập công ty tạo nên các nguyên tắc vận hành về lâu dài liên quan đến vấn đề cơ bản của một công ty và là cơ sở của bản Điều lệ công ty sau này.

+ Chuyển quyền sở hữu tài sản là vì quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn được chuyển từ bên góp vốn sang cho công ty cổ phần. Góp vốn là một hành vi chuyển giao quyền sở hữu tài sản. Khi tài sản được sử dụng làm vốn góp vào công ty thì quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn của cổ đông được chuyển sang cho công ty. Hệ quả là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với tài sản góp vốn được xác lập cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc đưa tài sản vào công ty thực chất là hành vi đầu tư vốn để kinh doanh nhằm kiếm lợi nhuận.

Tuy nhiên, quan điểm trên vẫn chưa được đầy đủ, vì góp vốn vào công ty cổ phần không nhất thiết là phải chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu đối với tài sản, ví dụ như: A có quyền sử dụng một ngôi nhà trong thời hạn 20 năm thông qua hợp đồng thuê nhà với B. Và A đã dùng quy ền sử dụng ngôi nhà trên để góp vốn thành lập công ty cổ phần X, lúc này không có sự chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn, mà A chỉ được chuyển giao quyền sử dụng ngôi nhà cho công ty X mà thôi; khi đó, công ty chỉ có quyền sử dụng ngôi nhà mà không có quyền định đoạt đối với ngôi nhà đó. Có nghĩa là, công ty có quyền khai thác ngôi nhà cho mục đích kinh doanh như sắp đặt làm văn phòng, nhà xưởng… nhưng không có quyền đem bán hay tặng cho người khác. Hoặc cổ đông có thể góp vốn vào công ty cổ phần bằng quyền sử dụng đất… Rõ ràng, đối với những trường hợp như trên thì không có sự chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn. Như vậy, quyền sử dụng tài sản cũng là một hình thức góp vốn vào công ty cổ phần.

+ Là hợp đồng đền bù vì: khi cổ đông góp vốn vào công ty cổ phần, người đó sẽ được sở hữu một số lượng cổ phần tương ứng, trở thành cổ đông

của công ty và sẽ có quyền lợi đối với công ty. Một cổ đông khi góp tài sản thành lập công ty nhằm đổi lại quyền lợi nào đó đối với công ty, đó có thể là quyền tài chính hay quyền điều hành; trong đó, quyền tài chính là quyền được hưởng lợi nhuận, quyền điều hành là quyền đối với các quyết định vận hành và hoạt động của công ty. Một người góp vốn có thể có được cả hai quyền, quyền tài chính và quyền điều hành, hoặc có khi chỉ có một trong hai quyền trên.

Nghiên cứu các quy định về góp vốn thành lập công ty cổ phần trong Luật Doanh nghiệp 1999 và Luật Doanh nghiệp năm 2005 ta thấy, Luật Doanh nghiệp năm 2005 có những quy định chặt chẽ và đầy đủ hơn. Trong Luật Doanh nghiệp 1999, cho phép các cổ đông sáng lập nói riêng và cổ đông phổ thông nói chung được tự thỏa thuận về thời điểm góp vốn và không cần phải thông báo tiến độ góp vốn tới cơ quan đăng ký kinh doanh (Điều 54, Điều 58). Đây thực sự là những điểm hạn chế của Luật Doanh nghiệp 1999, bởi đã trao quyền tự do quá lớn cho các cổ đông trong công ty cổ phần. Điều này đã được khắc phục trong Luật Doanh nghiệp năm 2005; theo đó, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập phải thanh toán đủ số cổ phần đã cam kết mua (Điều 80, Điều 84). Và trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cuối cùng các cổ đông sáng lập phải thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua, công ty cổ phần phải thông báo tiến độ góp vốn cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Nghĩa vụ thông báo này là bắt buộc, nếu không thì người đại diện theo pháp luật của công ty phải chịu trách nhiệm cá nhân về các thiệt hại do thông báo chậm trễ hoặc thông báo không trung thực, không chính xác, không đầy đủ (khoản 2 Điều 84; khoản 4 Điều 23 Nghị định 102/2010/NĐ-CP).

Trong Luật Doanh nghiệp năm 2005, có sự khác biệt về các quy định góp vốn thành lập công ty cổ phần và góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn. Luật đã ấn định thời hạn là 90 ngày kể từ ngày công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - rất rõ ràng, buộc các cổ đông sáng

lập của công ty cổ phần phải thanh toán đủ số cổ phần đã cam kết mua và phải thông báo tiến độ góp vốn cho cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn trên. Còn đối với các thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn thì luật cho phép họ được tự do thỏa thuận về thời hạn góp vốn và chỉ bắt công ty phải thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh về việc góp vốn trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn (Điều 39).

Sở dĩ có sự khác biệt này là vì công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn là hai loại hình công ty mang những đặc điểm rất riêng.

+ Công ty cổ phần là loại hình công ty đối vốn đặc trưng, sự liên kết dựa trên yếu tố cơ bản là góp vốn vào công ty của các cổ đông, không dựa trên cơ sở tình cảm, sự quen biết, uy tín… Trong mô hình công ty này, số lượng cổ đông lớn, có sự tách bạch giữa sở hữu và điều hành, cổ đông chỉ có thể thực hiện quyền của mình tại các Đại hội đồng cổ đông, quyền quản lý và điều hành buộc phải trao cho các thành viên của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc. Để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư cũng như các chủ thể khác nên pháp luật đã đưa ra các quy định khá nghiêm chỉnh và chặt chẽ điều chỉnh loại hình doanh nghiệp này (từ việc quy định về thời hạn góp vốn, đến cơ cấu tổ chức nội bộ, nghĩa vụ của người quản lý công ty…).

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn là loại hình công ty vừa mang tính chất của công ty đối vốn vừa mang tính chất của công ty đối nhân. Có nghĩa đây là loại hình công ty mà sự liên kết dựa trên yếu tố cơ bản là sự góp vốn, nhưng các thành viên trong công ty thường có quan hệ quen biết nhau, các thành viên thường tự phân chia các công việc điều hành và quản lý công ty. Chính vì vậy mà pháp luật trao cho các thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn quyền tự do khá lớn (như được tự thỏa thuận về phương thức và thời hạn góp vốn, tự thỏa thuận về tổ chức quản lý nội bộ trong công ty và ghi nhận các thỏa thuận đó trong Điều lệ công ty), sự điều chỉnh của pháp luật đối với loại hình công ty này ít chặt chẽ hơn so với loại hình công ty cổ phần.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Những quy định đối với góp vốn thành lập Công ty Cổ phần ở Việt Nam (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)