Về chủ thể góp vốn thành lập công ty cổ phần

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Những quy định đối với góp vốn thành lập Công ty Cổ phần ở Việt Nam (Trang 98 - 101)

Tại điểm b khoản 2 Điều 13 của Luật Doanh nghiệp năm 2005, chỉ quy định cán bộ, công chức không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Và khoản 3 Điều 14 của Luật Viên chức 2010 quy định: viên chức được "góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác" [40]. Còn tại Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 thì viên chức cũng là đối tượng bị cấm thành lập, tham gia thành lập và quản lý, điều hành doanh nghiệp. Như vậy, ta thấy có sự không rõ ràng, thiếu sự thống nhất ở ba đạo luật trên. Từ các quy định trên, sẽ có hai cách hiểu: cách hiểu thứ nhất, viên chức không được góp vốn thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, mà chỉ được góp vốn, mua cổ phần khi các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động; cách hiểu thứ hai: viên chức được góp vốn thành lập nhưng không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp. Khi nghiên cứu các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Luật Phòng, chống tham nhũng tôi thấy rằng: việc quy định cấm cán bộ, công chức, viên chức không được thành lập, tham gia thành lập, quản lý, điều hành công ty cổ phần là rất hợp lý. Sở dĩ như vậy là vì người góp vốn thành lập công ty, người quản lý, điều hành là người có vai trò hết sức quan trọng, là người chịu trách nhiệm đối với sự tồn tại và phát triển của công ty, do đó đòi hỏi họ phải bỏ nhiều công sức, thời gian cho công ty.

Chính vì vậy, cán bộ, công chức, viên chức hay những người phục vụ chuyên nghiệp trong các đơn vị lực lượng vũ trang không đáp ứng được những yêu cầu này. Nếu họ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp thì họ không thể tập trung làm tốt nhiệm vụ của mình trong các cơ quan nhà nước, họ sẽ bị phân tán bởi những lợi ích riêng hơn là phục vụ cho lợi ích của Nhà nước và dễ có sự lạm dụng quyền lực, địa vị mà họ có được để phục vụ cho lợi ích của chính họ. Việc cấm cán bộ, công chức, viên chức không được thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp cũng nhằm tránh sự xung đột lợi ích giữa một bên là Nhà nước và một bên là cá nhân, gây ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Bởi vậy, pháp luật doanh nghiệp và pháp luật về viên chức cần phải quy định rõ ràng: đối tượng viên chức cũng là đối tượng bị cấm thành lập, tham gia thành lập và quản lý, tham gia quản lý công ty cổ phần nói riêng và doanh nghiệp nói chung.

Tuy nhiên, nhằm huy động nguồn vốn nhàn rỗi của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nên pháp luật vẫn cho phép các đối tượng này được mua cổ phần của công ty cổ phần trừ trường hợp thuộc đối tượng bị cấm. Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 thì: "Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước" [38]. Lợi dụng quy định này của pháp luật, trên thực tế rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã có hành vi "lách luật" như trường hợp ví dụ đã nêu ở phần 2.3 (chủ thể góp vốn). Họ không trực tiếp tham gia thành lập công ty mà bỏ tiền để cho những người thân thích của mình đứng tên thành lập công ty cổ phần; sau một thời gian, họ mua lại một số lượng cổ phần của doanh nghiệp và thực chất là họ "ngầm" quản lý, điều hành doanh nghiệp. Như vậy, những hành vi như thế đã đi ngược lại với mong muốn của các nhà làm luật.

Vấn đề đặt ra đó là cần có hướng dẫn cụ thể về khái niệm "tham gia quản lý, điều hành". Vấn đề đáng bàn là tính hợp lý của quy định. Nếu cán bộ,

công chức, viên chức chỉ chiếm tỷ lệ sở hữu cổ phần rất nhỏ và hàng năm hưởng lãi thì việc cấm là không hợp lý. Tuy nhiên, nếu họ chiếm phần vốn chi phối hoặc gần như toàn bộ vốn điều lệ thì việc cấm lại là hợp lý. Do đó, cần định lượng rõ sở hữu bao nhiêu phần trăm cổ phần thì được coi là "tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp".

Dựa vào quy định tại khoản 13 Điều 4 về người quản lý doanh nghiệp và điểm b khoản 1 Điều 110 về tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị, tôi xin mạnh dạn đưa ra đề xuất sau:

Cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng phục vụ chuyên nghiệp trong các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân có quyền mua cổ phần của các công ty cổ phần nhưng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Không thuộc đối tượng bị cấm góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Chỉ được sở hữu một số lượng cổ phần nhỏ (có thể là dưới 5%) trong tổng số cổ phần phổ thông của công ty.

- Không nắm giữ các chức vụ như thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác theo Điều lệ công ty, không có quyền quyết định, chi phối, ảnh hưởng đối với các quyết định của công ty cổ phần.

Ngoài đề xuất nêu trên, Nhà nước cũng cần có những chế độ, chính sách thích hợp đảm bảo cuộc sống, quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng phục vụ chuyên nghiệp trong các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân để các đối tượng này thực sự chuyên tâm vào công việc tại các cơ quan nhà nước. Một vấn đề không kém phần quan trọng, đó là pháp luật cán bộ, công chức, viên chức cần có những quy định cụ thể, hiệu quả về nghĩa vụ của các đối tượng này đối với công việc tại cơ quan nhà nước, ví dụ như nâng cao tính chịu trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện công vụ, nâng cao cơ chế giám sát, khi thấy có những biểu hiện tư

lợi hoặc không hoàn thành nhiệm vụ đối với Nhà nước thì sẽ bị xem xét trách nhiệm hành chính hoặc hình sự; công khai, minh bạch trong kê khai tài sản…

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Những quy định đối với góp vốn thành lập Công ty Cổ phần ở Việt Nam (Trang 98 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)