Về tài sản góp vốn thành lập công ty cổ phần

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Những quy định đối với góp vốn thành lập Công ty Cổ phần ở Việt Nam (Trang 101 - 102)

Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty. Quy định này mang tính chất liệt kê các loại tài sản được dùng để góp vốn nên không thể tránh khỏi những bất cập:

Thứ nhất, quy định mang tính liệt kê, do đó không thể đầy đủ, thiếu sự khái quát, chính điều này dẫn đến hệ quả là sự tranh chấp về việc chấp thuận của các cổ đông trong vấn đề tài sản góp vốn, cũng như sự can thiệp tùy tiện của các cơ quan quản lý nhà nước vào các hoạt động của công ty, gây khó khăn trong hạch toán kế toán, các báo cáo tài chính của công ty.

Thứ hai, vì quy định mang tính liệt kê, do đó tạo ra tính không ổn định của pháp luật, vì khả năng sáng tạo của con người là vô tận, xã hội ngày càng phát triển, do đó khái niệm tài sản ngày càng được mở rộng, phong phú, như vậy các quy định về tài sản sẽ phải thay đổi theo thời gian. Đến một thời điểm nào đó trong tương lai, quy định trên sẽ trở thành lạc hậu, lỗi thời so với thực tế đời sống.

Thứ ba, vì liệt kê, do đó đôi khi dẫn tới sự không thống nhất về quan niệm tài sản trong các văn bản pháp luật khác nhau.

Luật Doanh nghiệp cũng đã khắc phục hạn chế của việc liệt kê bằng cách ghi nhận các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty đều trở thành tài sản góp vốn. Quy định như vậy góp phần nâng cao tính tự chủ, linh hoạt, khuyến khích các nhà đầu tư đưa tài sản góp vốn kinh doanh, phát huy mọi nguồn lực. Tuy nhiên, luật lại không quy định rõ điều kiện cần và đủ để một loại tài sản

trở thành tài sản góp vốn. Luật nên quy định rõ những điều kiện: tài sản không bị cấm lưu thông, thuộc sở hữu hoặc thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người góp vốn đều có thể góp vốn vào thành lập công ty cổ phần nói riêng và doanh nghiệp nói chung.

Để quy định về tài sản góp vốn mang tính khái quát, ổn định hơn, bảo đảm quyền tự định đoạt của công ty và nhà đầu tư thì chúng ta nên quy định về khái niệm tài sản góp vốn theo hướng sau:

Một là, không quy định về tài sản góp vốn theo phương pháp liệt kê như tại khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp hiện hành. Có thể quy định: tài sản góp vốn vào công ty cổ phần là tài sản thỏa mãn các điều kiện sau:

+ Được phép lưu thông trong các giao dịch dân sự;

+ Người góp vốn và công ty đều là đối tượng được phép sở hữu hoặc sử dụng tài sản góp vốn một cách hợp pháp;

+ Xác định được giá trị vào thời điểm góp vốn.

Hai là, Luật Doanh nghiệp nên quy định rõ đối tượng khó định giá như tri thức hoặc công sức đóng góp không thể là tài sản góp vốn vào công ty cổ phần. Có như vậy mới tránh được sự hiểu lầm cho các nhà đầu tư cũng như các cơ quan thi hành luật, bởi Luật Doanh nghiệp cho phép các cổ đông tự thỏa thuận các loại tài sản góp vốn (chỉ cần các cổ đông thống nhất và ghi trong Điều lệ công ty) là quá mở và dễ gây ra sự nhầm lẫn cho các chủ thể.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Những quy định đối với góp vốn thành lập Công ty Cổ phần ở Việt Nam (Trang 101 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)