Căn cứ thay đổi, chầm dứt đại diện theo ủy quyền

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) người đại diện theo ủy quyền của đương sự trong tố tụng dân sự việt nam (Trang 51 - 54)

2.4. Về căn cứ thay đổi, chấm dứt đại diện theo ủy quyền và hậu quả

2.4.1. Căn cứ thay đổi, chầm dứt đại diện theo ủy quyền

Trong quá trình tố tụng sau khi ủy quyền cho một người đại diện cho mình, đương sự có thể rút lại sự ủy quyền đó và ủy quyền cho người khác thay mặt mình trong tố tụng dân sự. Người đại diện theo ủy quyền của đương sự có thể ủy quyền lại cho người khác đại diện cho đương sự, nếu được sự đồng ý của đương sự trong phạm vi ủy quyền.

Về chấm dứt đại diện theo ủy quyền, Điều 77 BLTTDS quy định “Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền trong TTDS chấm dứt việc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự” [35]. Như vậy, chấm dứt đại diện theo ủy quyền cũng theo quy định của BLDS. Theo đó, các trường hợp chấm dứt đại diện theo ủy quyền bao gồm: Chấm dứt đại diện của cá nhân và chấm dứt đại diện của pháp nhân.

Thứ nhất: Thời hạn ủy quyền theo hợp đồng ủy quyền đã hết.

Về nguyên tắc trong thời hạn ủy quyền, bên được ủy quyền phải thực hiện xong công việc đã được ủy quyền. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp vì những lý do khách quan hoặc chủ quan, bên được ủy quyền chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa xong nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng mà việc ủy quyền đã hết thời hạn thì hợp đồng ủy quyền vẫn chấm dứt về mặt pháp lý trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Đối với thời hạn có hiệu lực pháp luật của hợp đồng ủy quyền được quy định tại Điều 582 BLDS, theo quy định này đã xác định 03 trường hợp về thời hạn ủy quyền:

+ Thời hạn do các bên thỏa thuận; + Do pháp luật quy định;

+ Nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Tuy nhiên, khi vận dụng Điều luật này trên thực tế đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc nhất định, cụ thể: Đối với các vụ án dân sự vì một lý do nào đó thì người tham gia tố tụng ủy quyền lại cho một người thân hoặc cũng có thể là một Luật sư thay mặt họ để tham gia tố tụng trong vụ án và thông thường đối với các hợp đồng ủy quyền khi xác định về thời hạn ủy quyền trong hợp đồng hay ghi “Thời hạn ủy quyền: Kể từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc vụ kiện bằng một bản án có hiệu lực pháp luật của TA”. Qua đây thì thời hạn kết thúc ủy quyền đã được xác định tương đối rõ ràng là “đến khi kết thúc vụ kiện bằng một bản án có hiệu lực pháp luật của TA”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho chúng ta là thời gian bắt đầu vụ kiện là khi nào? Đối chiếu với các quy định của pháp luật TTDS hiện hành thì chưa có một quy định cụ thể nào về thời điểm bắt đầu vụ kiện nên trên thực tế cũng có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này:

Có quan điểm cho rằng thời gian bắt đầu vụ kiện là kể từ khi nguyên đơn có đơn khởi kiện cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm và yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, có quan điểm khác lại cho rằng bắt đầu vụ kiện không phải từ khi người khởi kiện có đơn yêu cầu mà phải được tính từ khi cơ quan chức năng có thẩm quyền (không nhất thiết phải là TA) nhận đơn của họ, và khi đó quyền lợi của họ nêu trong đơn mới được cơ quan chức năng xem xét giải quyết thì khi đó mới bắt đầu vụ kiện và người khởi kiện mới có thể ủy quyền. Không đồng tình với hai quan điểm trên, quan điểm khác lại cho rằng thời gian bắt đầu vụ kiện chỉ được tính từ khi TA thụ lý vụ án, khi đó quyền và nghĩa vụ của các đương sự mới bắt đầu phát sinh, trước khi TA thụ lý vụ án thì các việc ủy quyền không có giá trị pháp lý về mặt tố tụng.

Mặt khác, trong trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận về thời hạn ủy quyền và pháp luật cũng không có quy định thì pháp luật xác định thời hạn ủy quyền của các bên có hiệu lực là một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Nhưng vấn đề đặt ra là “ngày xác lập việc ủy quyền” là ngày nào, cụ thể là ngày hai bên ký vào văn bản ủy quyền hay tính từ ngày được cơ quan chức năng xác nhận vào hợp đồng ủy quyền đó?

Trong trường hợp ủy quyền được lập từ nước ngoài (do có đương sự ở nước ngoài) gửi về Việt Nam, để ủy quyền này có hiệu lực thì tiến hành hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định thì mới có hiệu lực pháp luật, nhưng trong hợp đồng ủy quyền này đương sự không ghi thời hạn ủy quyền thì theo quy định của Điều 582 Bộ luật Dân sự thời hạn ủy quyền trong trường hợp này là một năm, vậy một năm được tính từ thời gian người ủy quyền ký, hay kể từ khi cơ quan chức năng của nước ngoài xác nhận? Hay được tính từ ngày hợp pháp hóa ? Hay được tính từ ngày người nhận ủy quyền ký? Cho đến này vấn đề này cũng chưa được xác định rõ ràng, để việc áp dụng. Điều luật này trong thời gian tới thiết nghĩ cần có những hướng dẫn chi tiết hơn, qua đó đảm bảo pháp luật được áp dụng thống nhất [27].

Thứ hai: Công việc ủy quyền đã hoàn thành

Đương sự ủy quyền cho người đại diện thay mặt mình thực hiện một công việc cụ thể nào nó trong quá trình tố tụng, thì khi người đại diện theo ủy quyền thực hiện xong công việc này, quan hệ ủy quyền đương nhiên chấm dứt. Tuy nhiên, trường hợp đương sự ủy quyền cho người đại diện thực hiện toàn bộ các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình, thì việc xác định xem công việc ủy quyền đã hoàn thành hay chưa là rất khó khăn.

Thứ ba: Người ủy quyền, người được ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền

Như vậy, pháp luật cho phép chấm dứt tư cách của người đại diện theo ủy quyền căn cứ theo ý chí của một bên trong quan hệ ủy quyền. Tuy nhiên, xét về thực tế thì việc đình chỉ hợp đồng ủy quyền có thể đặt ra đối với cả 2 bên đại diện uỷ quyền và bên ủy quyền. Rất tiếc, trong pháp luật nội dung và tố tụng đều chưa đề cập đến trường hợp đặc biệt này.

Tại Điều 588 BLDS “đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng uỷ quyền” có đề cập đến thủ tục chấm dứt ủy quyền trong trường hợp uỷ quyền có thù lao và uỷ

quyền không có thù lao. Khoản 1 Điều 588 BLDS quy định: “Nếu uỷ quyền không có thù lao, thì bên uỷ quyền có thể đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên kia một thời hạn hợp lý” [36]. Quy định này chưa cụ thể hoá về thời hạn hợp lý là như thế nào, đồng thời chưa có quy định về hình thức của việc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng ủy quyền.

Mặt khác, theo Khoản 1 Điều 44 Luật công chứng năm 2006 lại quy định như sau: "Việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thoả thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó và phải được công chứng" [39]. Như vậy, với quy định này, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền là khó thực hiện. Bởi qua thực tiễn công tác tại cơ quan công chứng của tác giả luận văn này cho thấy, khi một trong các bên trong Hợp đồng ủy quyền yêu cầu chấm dứt việc ủy quyền thì những người tham gia hợp đồng phải cùng tham gia ký vào văn bản hủy hay chấm dứt hợp đồng trước sự có mặt của công chứng viên hoặc phải chứng minh được việc vi phạm nghĩa vụ của một bên trong hợp đồng ủy quyền bằng quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Thiết nghĩ, vấn đề này cần được hướng dẫn cụ thể hơn để đảm bảo việc áp dụng thống nhất pháp luật.

Thứ tư: Người ủy quyền hoặc người được ủy quyền chết, mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị TA tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố chết

Nếu đương sự hoặc người đại diện theo ủy quyền rơi vào một trong các trường hợp người ủy quyền hoặc người được ủy quyền chết, mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị TA tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố chết thì quan hệ đại diện sẽ chấm dứt.

Tương tự như vậy, đối với đại diện theo ủy quyền của đương sự là pháp nhân đại diện ủy quyền chấm dứt khi thời hạn ủy quyền đã hết hoặc công việc ủy quyền đã hoàn thành; người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hủy bỏ việc ủy quyền hoặc người được uỷ quyền từ chối việc uỷ quyền, pháp nhân chấm dứt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) người đại diện theo ủy quyền của đương sự trong tố tụng dân sự việt nam (Trang 51 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)