Một yêu cầu bắt buộc trong kế hoạch cưỡng chế là dự liệu các tình huống có thể xảy ra trong quá trình tổ chức cưỡng chế để có phương án xử lý kịp thời. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, sẽ có rất nhiều tình huống phát sinh mà không thể dự liệu trước. Vì vậy, đòi hỏi Chấp hành viên cũng như hội đồng cưỡng chế phải linh hoạt, giải quyết kịp thời.
- Người phải thi hành án cố tình vắng mặt, khoá cửa không cho lực lượng cưỡng chế vào làm việc:
Theo định tại khoản 2 Điều 115 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014):
“ Trường hợp người phải thi hành án cố tình vắng mặt mặc dù đã được thông báo quyết định cưỡng chế thì Chấp hành viên thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại khoản 1 Điều này”.
Theo quy định trên, trường hợp người phải thi hành án cố tình vắng mặt mặc dù đã được thông báo quyết định cưỡng chế thì Chấp hành viên vẫn thực hiện việc cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để giải quyết việc thi hành án.
Sau khi công bố quyết định cưỡng chế Chấp hành viên yêu cầu thực hiện việc mở khóa để lực lượng cưỡng chế vào làm việc.
Chấp hành viên lập biên bản ghi rõ việc người phải thi hành án cố tình vắng mặt trong buổi cưỡng chế mặc dù đã được thông báo hợp lệ và biên bản mở khóa để cưỡng chế thi hành án (theo mẫu D56-THADS ban hành kèm Thông tư 01/2016/TT-BTP, ngày 01/02/2016). Sau khi thực hiện việc mở khóa, Chấp hành viên phải ghi lại toàn bộ các loại tài sản, tình trạng tài sản có trong nhà để có căn cứ trả cho người phải thi hành án hoặc thuê trông giữ, bảo quản tài sản.
- Trường hợp người phải thi hành án hoặc người thân của người phải thi hành án có hành vi chửi bới hoặc có hành vi gây rối, cản trở việc tổ chức cưỡng chế.
Chấp hành viên yêu cầu những người có hành vi chửi bới hoặc gây rối, cản trở việc cưỡng chế chấm dứt ngay các hành vi chửi bới, cản trở cuộc cưỡng chế. Nếu còn tiếp tục các hành vi chửi bới, gây rối, cản trở, Chấp hành viên yêu cầu lực lượng công an bảo vệ cưỡng chế có phương án xử lý kịp thời để chấm dứt ngay các hành vi cản trở cuộc cưỡng chế. Ngoài các đối tượng trên, ai có hành vi cản trở, chống đối việc tổ chức cưỡng chế thì lực lượng bảo vệ cưỡng chế kiên quyết xử lý, đưa những người này ra khỏi khu vực cưỡng chế và xử lý theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp người phải thi hành án có mặt nhưng không nhận lại tài sản, không ký nhận vào biên bản:
Chấp hành viên cùng đại diện UBND, các cơ quan, đoàn thể giải thích, thuyết phục người phải thi hành án nhận lại tài sản, trường hợp người phải thi hành án cố tình không nhận Chấp hành viên yêu cầu lực lượng cưỡng chế chuyển tài sản của người phải thi hành án về nơi trông giữ, bảo quản theo kế hoạch cưỡng chế.
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 115 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì khi người phải thi hành án
không có mặt để nhận tài sản hoặc có mặt nhưng từ chối nhận tài sản thì Chấp hành viên phải lập biên bản rõ số lượng, chủng loại tài sản, tình trạng từng loại tài sản và giao tài sản cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự theo đúng quy định về bảo quản tài sản.
Chấp hành viên thông báo địa điểm và ấn định về thời gian để người có tài sản nhận lại tài sản theo quy định tại Điều 126 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014). Chấp hành viên cần lưu ý việc thông báo phải được tiến hành chặt chẽ theo quy định về thông báo thi hành án của Luật Thi hành án dân sự.
Thực tiễn tổ chức thi hành án, mặc dù Chấp hành viên đã dự liệu những tình huống có thể xảy ra nhưng khi tổ chức cưỡng chế sẽ phát sinh nhiều tình huống phức tạp. Vì vậy, tùy từng tình huống xảy ra Chấp hành viên phải nhanh nhạy để có biện pháp xử lý hiệu quả. Đối với những tình huống người phải thi hành án có thái độ hành vi chống trả quyết liệt, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, sức khỏe của người phải thi hành án, lực lượng cưỡng chế, Chấp hành viên nên báo cáo Trưởng ban chỉ đạo thi hành án, tham mưu dừng buổi cưỡng chế để có phương án xử lý.
Kết luận chương II
Cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là biện pháp cưỡng chế rất phức tạp, trải qua nhiều trình tự, thủ tục, cần có sự
tham gia phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành. Hơn nữa, biện pháp cưỡng chế này tác động trực tiếp đến những tài sản có giá trị lớn của người phải thi hành án nên khi áp dụng biện pháp cưỡng chế, Chấp hành viên luôn gặp phải sự chống đối quyết liệt của người phải thi hành án. Để đảm bảo quyền lợi của người phải thi hành án cũng như tránh những sai sót trong quá trình tổ chức thi hành, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định trình tự, thủ tục tổ chức cưỡng chế rất cụ thể, chặt chẽ.
Bên cạnh những ưu điểm trên thì biện pháp cưỡng chế này cũng có những hạn chế như: Trình tự thủ tục cưỡng chế rất phức tạp, phải có sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành trong quá trình tổ chức cưỡng chế. Vì vậy, để tổ chức thành công biện pháp cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất yêu cầu Chấp hành viên phải có bản lĩnh, năng lực, trình độ chuyên môn tốt, nắm vững các quy định của pháp luật về thi hành án cũng như các quy định của pháp luật chuyên ngành khác.
CHƯƠNG III. THỰC TRẠNG TỔ CHỨC THI HÀNH, NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ CHUYỂN GIAO QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ