3.2. Những giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp cưỡng chế chuyển
3.2.1. Xây dựng, hoàn thiện pháp luật
Từ những khó khăn, vướng mắc về các quy định của pháp luật như đã phân tích, để nâng cao hiệu quả biện pháp cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, quy định về biện pháp cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Cụ thể:
- Kịp thời khắc phục những thiếu sót trong các quy định pháp luật về cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, các văn bản hướng dẫn thi hành tạo cơ sở pháp lý cho Chấp hành viên tổ chức thi hành. Xây dựng, ban hành các quy định mới theo hướng mở rộng thẩm quyền cho chấp hành viên trong quá trình tổ chức cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất như:
+ Bổ sung các quy định liên quan đến cưỡng chế chuyển giao các tài sản khác gắn liền với đất, khắc phục quy định tại khoản 2 Điều 117 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) về việc xử lý tài sản gắn liền với đất được chuyển giao …;
+ Cho phép chấp hành viên tổ chức cưỡng chế không cần thực hiện thủ tục thông báo trước cho người phải thi hành án trong một số trường hợp người phải thi hành án có hành vi chuẩn bị công cụ, phương tiện để chống đối việc cưỡng chế của cơ quan thi hành án: Theo quy định của luật thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) và các văn bản hướng dẫn thi hành, trước khi tổ chức cưỡng chế, chấp hành viên phải thực hiện đẩy đủ việc thông báo cho người phải thi hành án về thời gian, địa điểm tổ chức cưỡng chế. Thực tế tổ chức thi hành án cho thấy, trong phần lớn trường hợp tổ chức cưỡng chế không thành công là do người phải thi hành án nắm bắt được kế hoạch tổ chức cưỡng chế nên có thời gian
có hành vi chống đống quyết liệt, nên có quy định cho phép chấp hành viên có quyền tổ chức cưỡng chế mà không cần thực hiện thủ tục thông báo trước cho người phải thi hành án, do người phải thi hành án đã biết nghĩa vụ phải thi hành án của mình, đã có hành vi chống đối việc tổ chức cưỡng chế của cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, cũng cần phải có thêm các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện việc cưỡng chế chặt chẽ, yêu cầu có sự giám sát của cơ quan kiểm sát, cũng như ngành dọc cấp trên.
+ Như trên đã trình bày, trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự là thực hiện đúng nội dung bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án. Tuy nhiên, thực tế tổ chức thi hành án có nhiều trường hợp do không xác định được quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải chuyển giao nên việc cưỡng chế chuyển giao tài sản không thực hiện được. Để giải quyết thực trạng trên, nên bổ sung một số quy định mới theo hướng mở để cho chấp hành viên chủ động hơn trong quá trình tổ chức thi hành án. Ví dụ: Cho phép chấp hành viên cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo hiện trạng thực tế quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mặc dù không đúng như trong bản án, quyết định đã tuyên. Tuy nhiên, trước khi thực hiện cưỡng chế, chấp hành viên cần làm rõ nguyên nhân của sự sai lệch, sự sai lệch có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự hay người thứ ba hay không để làm căn cứ tổ chức thi hành án.
- Bổ sung các quy định về chế tài áp dụng đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức khi cố tình không phối hợp với Chấp hành viên trong quá trình tổ chức cưỡng chế mà không có lý do chính đáng;
- Tiếp tục rà soát các quy định pháp luật để khắc phục tình trạng thiếu thống nhất, chồng chéo trong quy định của các ngành luật khác nhau tạo sự thống nhất làm căn cứ để Chấp hành viên tổ chức thi hành.