Khái niệm đánh giá chứng cứ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đánh giá chứng cứ trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 25 - 27)

BLTTHS năm 2003 không có khái niệm đánh giá chứng cứ mà chỉ quy định: “Mỗi chứng cứ phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án…” [12; tr.56].

Theo từ điển Luật học thì:

Đánh giá chứng cứ trong tố tụng hình sự là việc xác định giá trị chứng minh của chứng cứ từ yêu cầu bảo đảm tính hợp pháp, tính xác thực và liên quan đến vụ án. Khi điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, CQĐT, VKS và Tòa án phải đánh giá các chứng cứ của vụ án đã thu thập được để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác

cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án. Để đánh giá chứng cứ, ĐTV, KSV, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải nghiên cứu một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ mọi tình tiết của vụ án và dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật, ý thức và niềm tin nội tâm để xem xét từng chứng cứ có phù hợp với thực tế khách quan, phù hợp với các chứng cứ khác hay không; nó chứng minh được tình tiết nào của vụ án. Sau đó phải đánh giá tổng hợp các chứng cứ trong mối liên quan với nhau để rút ra kết luận về vụ án [24, tr.238].

Theo quan điểm của tiến sĩ Đỗ Văn Đương thì:

Đánh giá chứng cứ là hoạt động tư duy logic, xử lý và tích tụ thông tin của người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng, được tiến hành trên cơ sở những hiểu biết của mình về những tài liệu thu thập được, dựa trên những quy định của pháp luật, ý thức pháp luật, niềm tin nội tâm để xác định độ tin cậy và giá trị chứng minh của từng chứng cứ trong vụ án hình sự, được thực hiện trong suốt quá trình tố tụng nhằm làm sáng tỏ toàn bộ sự thật khách quan của vụ án một cách khách quan toàn diện và đầy đủ [7, tr.166].

Dưới góc độ thông tin, đánh giá chứng cứ được xem là quá trình xử lý và tập trung thông tin” [7, tr.188]. Thông qua đánh giá, người đánh giá xác định giá trị chứng minh của từng chứng cứ và đưa vào hồ sơ vụ án, loại bỏ những tài liệu không có giá trị chứng minh và không liên quan đến vụ án. Đánh giá chứng cứ trước hết là xử lý thông tin và chính quá trình xử lý thông tin dẫn đến tập trung những thông tin hay nói cách khác là tập trung những chứng cứ đã thu thập được về vụ án [7, tr.86]. Quá trình này diễn ra liên tục trong suốt quá trình điều tra và xử lý vụ án, chỉ kết thúc khi làm rõ sự thật của vụ án.

Đánh giá chứng cứ là quá trình logic, vì xét về bản chất đánh giá chứng cứ là hoạt động suy luận dựa trên cơ sở nhận thức và tri thức của người đánh giá về

đối tượng đánh giá, suy luận về giá trị chứng minh của chứng cứ [6, tr.32]. Khi đánh giá phải nhận thức được nội dung của chứng cứ với ý nghĩa là tổng hợp thông tin có trong chứng cứ. Nếu đánh giá chính xác, khách quan từng thông tin sẽ đánh giá chính xác chứng cứ, làm rõ giá trị chứng minh của chứng cứ đối với việc xác định một sự kiện hay một tình tiết nào đó của vụ án.

Từ các quan điểm và các phân tích trên, có thể đưa ra quan điểm chung nhất về đánh giá chứng cứ: Đánh giá chứng cứ trong vụ án hình sự là hoạt động tư duy của chủ thể tiến hành tố tụng theo quy định của BLTTHS và các chủ thể khác có liên quan tiến hành xem xét, kiểm tra các chứng cứ đã thu thập được để xác định tính hợp pháp, tính xác thực và tính liên quan của chứng cứ, qua đó làm rõ có sự việc phạm tội xảy ra hay không, ai là người thực hiện hành vi phạm tội cũng như giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đánh giá chứng cứ trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)