Mục đích của hoạt động đánh giá chứng cứ là nhằm xác định: Tính xác thực, độ tin cậy và giá trị của các chứng cứ đã thu thập được; khả năng sử dụng chứng cứ này hay chứng cứ khác trong hệ thống chứng cứ để chứng minh vụ án; xác định tính chất, ý nghĩa và mức độ liên quan giữa chứng cứ được sử dụng với các chứng cứ khác; giá trị của từng chứng cứ đối với việc chứng minh các vấn đề cần phải chứng minh; hướng sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng chứng cứ.
Căn cứ để đánh giá chứng cứ là các tài liệu, vật chứng có trong hồ sơ vụ án đã được thu thập theo quy định. Chủ thể đánh giá có thể nghiên cứu, đánh giá độc lập các chứng cứ, sau đó đánh giá với các chứng cứ liên quan trực tiếp, so sánh với thực tiễn hiện trường vụ án, với quy luật khách quan. Nếu chưa rõ, có thể xuống trực tiếp, nghiên cứu hiện trường vụ án, gặp trực tiếp người làm chứng, hỏi cung bị can, hỏi người giám định. Nếu có mâu thuẫn phải làm rõ các mâu thuẫn, khác biệt để xác định khách quan vụ án.
Ví dụ: Trong vụ án giết người, thu được con dao có dính chất màu đỏ nghi máu, có dấu vân tay. Chủ thể tố tụng phải nghiên cứu đánh giá chứng cứ gồm:
- Con dao là vật chứng của vụ án có phù hợp với vết thương trên tử thi, trên nạn nhân không? Dao của ai?
- Dấu vết nghi máu trên dao có phải là máu người không, có cùng nhóm máu với nạn nhân không?
- Dấu vết vân tay trên cán dao là của ai để lại, của thủ phạm hay nạn nhân? - Có phù hợp với lời khai của nhân chứng và quá trình thủ phạm chém nạn nhân không (từ trước mặt hay từ phía sau lưng, có sự chống cự không?...)
Hoạt động đánh giá chứng cứ của các chủ thể tiến hành tố tụng bao gồm các nội dung sau đây:
1.2.4.1. Chủ thể đánh giá chứng cứ tiến hành kiểm tra, xem xét giá trị chứng minh của các chứng cứ đã thu thập
Theo quy định của BLTTHS 2003, để xác định là chứng cứ trong một vụ án hình sự phải đáp ứng đầy đủ ba thuộc tính: tính khách quan, tính liên quan, tính hợp pháp nghĩa là chứng cứ đó phải phản ánh đúng sự thật khách quan mà không phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của con người, chứng cứ đó phải liên quan đến hành vi phạm tội hoặc chứng minh các tình tiết đó phải liên quan đến hành vi phạm tội hoặc chứng minh các tình tiết khác liên quan trong vụ án hình sự và đòi hỏi chủ thể phải thu thập theo đúng quy định, trình tự, thủ tục tố tụng hình sự.
Thông qua hoạt động đánh giá chứng cứ, bằng việc kiểm tra, xem xét xác định các thuộc tính của chứng cứ, chủ thể đánh giá chứng cứ xác định giá trị chứng minh của từng chứng cứ:
- Đánh giá chứng cứ để xác định tính liên quan của chứng cứ
Khi đánh giá chứng cứ, phải xem xét chứng cứ đó có liên quan đến việc xác định một tình tiết nào đó, thuộc đối tượng chứng minh hay không? Chứng cứ có liên quan là chứng cứ khẳng định hay bác bỏ một sự kiện cần tìm trong quá trình chứng minh.
Khi phát hiện được dấu vết hay một tài liệu nào đó thì chủ thể đánh giá chứng cứ trước hết phải xem xét mối quan hệ của chúng với vụ án, sau đó mới xem xét đến giá trị chứng minh. Nếu đã xác định được tính liên quan của chứng cứ thì người tiến hành tố tụng phải đưa ra kết luận về sự kiện cần chứng minh để khẳng định hay bác bỏ bởi chứng cứ đó [15, tr.162]. Để xác định tính đúng đắn của một suy đoán nào đó về tính liên quan của chứng cứ đang được xem xét cần đối chiếu giữa các chứng cứ với nhau và với các tình tiết cụ thể của vụ án. Nếu trong quá trình nghiên cứu các tình tiết của vụ án mà có một sự kiện nào đó không có cơ sở để cho rằng nó có mối liên hệ với
đối tượng chứng minh thì tính liên quan của những tài liệu, đồ vật được xác định này bị bác bỏ, ngược lại, nếu một sự kiện, đồ vật nào đó có mối quan hệ với vụ án thì việc đánh giá chứng cứ có liên quan đến sự kiện này sẽ được tiếp tục xác định có tính liên quan.
- Đánh giá chứng cứ để xác định tính khách quan của chứng cứ
Cơ quan tiến hành tố tụng cần xem xét tính đúng đắn của các chứng cứ đã thu thập được từ các nguồn khác nhau thường là biên bản phạm tội quả tang, lời khai của các đối tượng bị bắt, lời khai của người làm chứng, biên bản hỏi cung bị can, kết luận giám định… Để kết luận các chứng cứ có phù hợp với hiện thực khách quan hay không, có cơ sở khoa học hay do gian dối, nhầm lẫn hoặc có sự bức cung, nhục hình hay mớm cung… cơ quan tiến hành tố tụng cần phải kiểm tra chứng cứ về mặt nội dung của từng nguồn chứng cứ, thông qua việc kiểm tra chi tiết các sự kiện cụ thể để xác định có mối quan hệ với các hiện tượng, đối tượng khác đã xảy ra. Tính quy luật trong mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng sẽ phản ánh để chủ thể tố tụng đánh giá sự phù hợp, tính logic với các sự vật, hiện tượng.
- Đánh giá chứng cứ để xác định tính hợp pháp của chứng cứ
Việc xác định tính hợp pháp của chứng cứ là cơ sở quan trọng cho việc sử dụng chứng cứ đó hay không, nếu không hợp pháp thì phải loại bỏ ngay. Nếu trong quá trình đánh giá chứng cứ, chủ thể đánh giá chứng cứ phát hiện việc thu thập chứng cứ không tuân theo quy định của Bộ luật tố tụng hình 2003 thì đó là căn cứ để kết luận việc không hợp pháp của chứng cứ, ví như việc bức cung, nhục hình trong hoạt động hỏi cung, lấy lời khai sau 22 giờ, lấy lời khai người chưa thành niên mà không có người giám hộ…
- Đánh giá chứng cứ để xác định tính đầy đủ của chứng cứ
Chứng cứ thu thập được có đầy đủ để chứng minh các tình tiết của vụ án hay không là vấn đề hết sức quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án.
Nếu chưa đầy đủ thì chủ thể tố tụng phải bổ sung hoặc yêu cầu bổ sung để xem xét tất cả các vấn đề của vụ án và không còn lý do nào nghi ngờ về tính đúng đắn của những kết luận. Các chứng cứ thu thập được chỉ cho phép kết luận về một hoặc vài tình tiết của vụ án. Nếu trường hợp phát sinh cần thu thập chứng cứ thì yêu cầu thu thập bổ sung, đảm bảo các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ và đầy đủ. Để xác định tính đầy đủ của chứng cứ, cần căn cứ vào những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự, đặc điểm của tội phạm và cụ thể của từng vụ án tránh tình trạng chưa đầy đủ đã vội kết luận điều tra, truy tố, xét xử; ngược lại đủ để chứng minh nhưng cầu toàn, sợ trách nhiệm nên không dám kết luận điều tra, truy tố, xét xử.
1.2.4.2. Đánh giá chứng cứ để xác định sự thật khách quan và làm rõ các tình tiết trong vụ án hình sự
Mục đích của hoạt động tố tụng hình sự là xác định có sự việc phạm tội xảy ra hay không? ai là người thực hiện hành vi phạm tội ? động cơ, mục đích và mức độ phạm tội cũng như áp dụng hình phạt phù hợp, để làm được những vấn đề trên, đòi hỏi chủ thể tiến hành tố tụng phải xác định các chứng cứ để chứng minh, theo đó:
- Chứng cứ để chứng minh “có hành vi phạm tội xảy ra hay không” là chứng cứ để xác định hành vi xảy ra đó có đủ yếu tố của cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS hay thuộc các trường hợp không phải là hành vi phạm tội (phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ…);
- Chứng cứ để chứng minh “thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định nếu có hành vi phạm tội xảy ra thì xảy ra vào thời gian nào, ở đâu, phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện phạm tội như thế nào;
- Chứng cứ để chứng minh “ai là người thực hiện hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định một con người cụ thể đã thực hiện hành vi phạm tội đó;
- Chứng cứ để chứng minh “có lỗi hay không có lỗi” là chứng cứ xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có lỗi hay không có lỗi; nếu có lỗi thì thuộc trường hợp lỗi cố ý hay vô ý theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 BLHS.
- Chứng cứ để chứng minh “có năng lực trách nhiệm hình sự hay không” là chứng cứ xác định khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay chưa; có mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình hay không và nếu có thì mắc bệnh trong thời gian nào, giai đoạn tố tụng nào;
- Chứng cứ để chứng minh “mục đích, động cơ phạm tội” là chứng cứ xác định người thực hiện hành vi phạm tội với mục đích, động cơ gì và trong trường hợp mục đích, động cơ là yếu tố tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc là yếu tố của cấu thành tội phạm hoặc là yếu tố định khung hình phạt;
- Chứng cứ để chứng minh tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo là chứng cứ xác định bị can, bị cáo có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 46 của BLHS; có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 48 của BLHS hoặc là chứng cứ xác định tình tiết khung hình phạt.
- Chứng cứ để chứng minh những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo là chứng cứ xác định lý lịch tư pháp của bị can, bị cáo;
- Chứng cứ để chứng minh “tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra” là chứng cứ để đánh giá tính chất, hậu quả của hành vi phạm tội trong việc xác định tội phạm và quyết định hình phạt;
- Chứng cứ để chứng minh một hoặc nhiều vấn đề quy định tại Điều 63 BLHS mà thiếu chứng cứ đó thì không đủ căn cứ để giải quyết vụ án như: Chứng cứ để xác định tuổi của người bị hại là trẻ em; chứng cứ để chứng
minh vị trí, vai trò của từng bị can, bị cáo trong trường hợp đồng phạm hoặc phạm tội có tổ chức.
Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, ngoài việc đánh giá chứng cứ để chứng minh tội phạm, chủ thể tiến hành tố tụng còn phải đánh giá chứng cứ để xác định các chứng cứ ngoại phạm, mục đích cuối cùng là xác định sự thật khách quan, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
1.2.4.3. Đánh giá chứng cứ để ra các quyết định tố tụng
Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, từ khi có tội phạm xảy ra và được khởi tố vụ án cho đến vụ án có hiệu lực pháp luật, hoạt động đánh giá chứng cứ được thực hiện trong ba giai đoạn cụ thể:
- Trong giai đoạn điều tra
+ CQĐT đánh giá chứng cứ để có căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can; VKS đánh giá chứng cứ để kiểm sát khởi tố vụ án, khởi tố bị can của CQĐT.
+ CQĐT đánh giá chứng cứ để có căn cứ ra các Lệnh và Quyết định của CQĐT; VKS đánh giá chứng cứ để quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn các Lệnh và Quyết định của CQĐT.
+ VKS nhân dân đánh giá chứng cứ trước khi CQĐT kết thúc vụ án đề nghị truy tố: Theo khoản 1 Điều 163 BLTTHS 2003, khi có đầy đủ chứng cứ để xác định có tội phạm và bị can thì CQĐT làm Bản kết luận điều tra đề nghị truy tố. Bản kết luận điều tra trình bày diễn biến hành vi phạm tội, nêu rõ lý do và căn cứ đề nghị truy tố như xem xét về tội danh, các dấu hiệu của hành vi phạm tội, các đồng phạm có liên quan…, các chứng cứ buộc tội, gỡ tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cũng như việc khắc phục hậu quả. Để đánh giá tổng quát một cách khách quan toàn diện đòi hỏi KSV phải bám sát hoạt động điều tra, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án trong giai đoạn điều tra giúp hoạt động điều tra được đi đúng hướng, xác định sự thật khách quan của vụ án. Một trong những nội dung quan trọng trong giai đoạn này là việc xem xét các
chứng cứ của CQĐT thu thập được đã đúng và đầy đủ, nếu thiếu thì yêu cầu bổ sung trước khi có kết luận điều tra chính thức.
- Trong giai đoạn truy tố:
VKS nhân dân đánh giá chứng cứ để quyết định truy tố hay đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Để thực hiện một trong các quyết định nói trên, KSV được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra phải nghiên cứu hồ sơ và đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ. Đây là giai đoạn mà KSV nghiên cứu trực tiếp với toàn bộ hồ sơ vụ án do CQĐT đề nghị truy tố. Hoạt động đánh giá chứng cứ của KSV ở giai đoạn này là hết sức quan trọng nhằm đánh giá lại kết quả điều tra của CQĐT và những nội dung kết luận của CQĐT có căn cứ và đầy đủ chưa? Nếu thiếu chứng cứ thì yêu cầu điều tra bổ sung; nếu có chứng cứ ngoại phạm hoặc chứng cứ gỡ tội thì quyết định đình chỉ; trường hợp chứng cứ đã đầy đủ thì VKS nhân dân quyết định truy tố bằng bản Cáo trạng.
Hoạt động đánh giá chứng cứ được thể hiện trong việc kiểm tra các thuộc tính của chứng cứ, đánh giá toàn bộ chứng cứ đã thu thập đươc đã đảm bảo khách quan, đầy đủ để chứng minh hành vi phạm tội của bị can trong đó KSV cần xem xét cả chứng cứ buộc tội và gỡ tội, đồng thời xem xét các chứng cứ khác để giải quyết nội dung khác liên quan đến vụ án.
- Trong giai đoạn xét xử:
Tòa án đánh giá chứng cứ để có căn cứ ra Quyết định đưa vụ ra xét xử hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án.
Thẩm phán cần nghiên cứu, đánh giá chứng cứ trên cơ sở tài liệu hồ sơ mà CQĐT và VKS thu thập. Nếu có căn cứ để đưa vụ án ra xét xử thì ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử; nếu còn thiếu chứng cứ quan trọng chứng minh hành vi phạm tội thì Thẩm phán ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung; nếu có căn cứ đình chỉ thì ra Quyết định đình chỉ vụ án.
về các căn cứ mà Tòa án có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay Quyết định đưa vụ án ra xét xử. VKS đánh giá chứng cứ trước khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử và tại phiên tòa xét xử công khai để quyết định rút một phần hay toàn bộ nội dung Cáo trạng, cũng như quyết định các vấn đề khác liên quan đến việc giải quyết vụ án.