Phương pháp đánh giá chứng cứ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đánh giá chứng cứ trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 30 - 32)

Phương pháp đánh giá chứng cứ được hiểu là “cách thức xác định độ tin cậy và giá trị chứng minh của từng chứng cứ cũng như toàn bộ các chứng cứ của vụ án trên cơ sở xác định đúng mối liên hệ giữa các chứng cứ với nhau và thực tế xảy ra vụ án” [6, tr.53]. Lý luận và thực tiễn hiện nay thường đề cập đến hai phương pháp đánh giá chứng cứ.

1.2.3.1. Phương pháp đánh giá từng chứng cứ

Đây là phương pháp “xem xét từng chứng cứ riêng biệt để xác định có phải là chứng cứ hay không trên cơ sở xem xét các thuộc tính của chứng cứ” [6, tr.54] như tính khách quan, tính liên quan, tính hợp pháp của các chứng cứ thu thập được đồng thời xác định về độ tin cậy và giá trị chứng minh của từng chứng cứ.

Để đánh giá về một chứng cứ nào đó thì người tiến hành tố tụng phải nắm vững đặc điểm của từng loại chứng cứ (chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, chứng cứ trực tiếp, chứng cứ gián tiếp, chứng cứ gốc, chứng cứ sao chép lại, chứng cứ thuật lại) và đặc điểm của từng nguồn chứng cứ (gồm vật chứng, lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, bị cáo, kết luận giám định, biên bản về hoạt động điều tra và các tài liệu khác). Đồng thời, phải dựa vào kiến thức tổng hợp của bản thân để xem chúng

có đối tượng chứng minh trong vụ án, chứng cứ đó làm sáng tỏ tình tiết nào của đối tượng chứng minh, làm sáng tỏ đến đâu, mỗi chứng cứ được đánh giá xem xét có đảm bảo các đặc tính của chứng cứ hay không, chứng cứ này có nằm trong tổng hợp chứng cứ của vụ án hay không, có liên quan với các chứng cứ khác hay không, chứng cứ này được sử dụng như thế nào trong vụ án và từ đó rút ra giá trị chứng minh của từng chứng cứ.

1.2.3.2. Phương pháp đánh giá tổng hợp chứng cứ

Đây là phương pháp “đánh giá chứng cứ trong mối liên quan chặt chẽ của các chứng cứ với nhau, nhằm xác định giá trị chứng minh của các chứng cứ và rút ra kết luận của vụ án” [6, tr.56]. Khi đánh giá tổng hợp chứng cứ thì phải đặt các chứng cứ trong mối quan hệ tổng hợp với các chứng cứ khác, từ đó đưa ra nhận thức hoàn chỉnh về vụ án hình sự. Muốn tổng hợp đầy đủ các chứng cứ trong cùng một hệ thống nhất thì cần phải phân tích các sự kiện ra thành từng phần nhỏ, nhằm rút ra các yếu tố chứng minh, rồi hệ thống lại thành cái chung nhất. Khi đánh giá chứng cứ, nếu chỉ dừng lại ở việc đánh giá riêng từng chứng cứ, tách chúng ra khỏi hệ thống chứng cứ thì không thể thấy hết được toàn bộ giá trị chứng minh của chứng cứ, việc nhận thức bản chất vụ án sẽ gặp khó khăn. Do đó, cần đánh giá, tổng hợp chứng cứ để xác định giá trị chứng minh của chứng cứ và làm rõ chân lý của vụ án.

Đánh giá tổng hợp chứng cứ phải theo logic về thời gian, diễn biến vụ án, logic về không gian, về hành vi… phù hợp với quy luật khách quan về dấu vết, về nhận thức, về tâm sinh lý, điều kiện môi trường xung quanh. Ngoài ra chủ thể tố tụng cũng cần chú ý về mối quan hệ nhân quả, tính hợp lý của vấn đề khi đánh giá tổng hợp chứng cứ.

Việc đánh giá tổng hợp chứng cứ yêu cầu phải đặt chứng cứ trong hệ thống của chúng và xem xét các chứng cứ có liên quan với nhau không, mối quan hệ của chứng cứ như thế nào, sau đó tổng hợp lại và rút ra nhận thức chân lý của vụ án.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đánh giá chứng cứ trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)