dụng chứng cứ và vai trò của đánh giá chứng cứ
1.2.5.1. Mối quan hệ giữa đánh giá chứng cứ với thu thập, kiểm tra, sử dụng chứng cứ
Thu thập, kiểm tra, đánh giá, sử dụng chứng cứ là các giai đoạn của quá trình chứng minh, chính vì thế chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, giai đoạn này là tiền đề, là cơ sở hoạt động cho giai đoạn kia và ngược lại.
Thu thập chứng cứ là giai đoạn đầu tiên của quá trình chứng minh, là bước đầu tiên để thu thập các luồng thông tin mang tính nhiều chiều, đó có thể là chứng cứ trực tiếp, gián tiếp hoặc cũng không phải là chứng cứ (do không đảm bảo một thuộc tính nào đó của chứng cứ)… Khi đó phải có bước đánh giá chứng cứ để xác định xem có thỏa mãn điều kiện của một chứng cứ theo quy định của pháp luật tố tụng hay không và chứng cứ đó liệu đã chứng minh, làm sáng tỏ tất cả các tình tiết của vụ án và giải quyết được thực chất của vụ án hay chưa. Như vậy, nếu không có giai đoạn thu thập chứng cứ thì không có cơ sở dữ liệu để đánh giá chứng cứ và ngược lại nếu không có giai đoạn đánh giá chứng cứ thì giai đoạn thu thập chứng cứ không có ý nghĩa đối với quá trình chứng minh tội phạm.
Kiểm tra chứng cứ là hoạt động nhằm xác định một cách thận trọng, toàn diện, khách quan tính chính xác của những thông tin thực tế và tính đáng tin cậy của những nguồn chứng cứ đã được thu thập để xác lập một cách đúng đắn mọi tình tiết của vụ án hình sự, vì vậy kiểm tra chứng cứ là giai đoạn đóng vai
trò tiền đề cho giai đoạn đánh giá chứng cứ. Một tài liệu, đồ vật trước khi đưa vào đánh giá xem có thỏa mãn các điều kiện của chứng cứ không, có giá trị chứng minh, làm sáng tỏ các tất cả các tình tiết của vụ án hay không thì phải được kiểm tra xem các thông tin từ tài liệu đó có thật trong thực tế không, có chính xác không, được thu thập từ nguồn đáng tin cậy không. Nếu tài liệu đồ vật đó được thu thập từ nguồn không đáng tin cậy hoặc không chính xác trong thực tế thì không cần trải qua bước đánh giá chứng cứ nữa. Các tài liệu, đồ vật đó không thể coi là chứng cứ chứng minh vụ án hình sự.
Trong quá trình chứng minh vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải sử dụng chứng cứ để ra các quyết định tố tụng. Nếu không có giai đoạn đánh giá chứng cứ hoặc đánh giá chứng cứ không đúng thì Cơ quan tiến hành tố tụng không thể có một hệ thống chứng cứ đúng đắn, khách quan, hợp pháp, đầy đủ để sử dụng khi ra các quyết định tố tụng. Nghĩa là, các cơ quan tiến hành tố tụng muốn sử dụng chứng cứ đúng thì phải đánh giá chứng cứ đúng. Vì vậy, đánh giá chứng cứ là cơ sở dữ liệu để sử dụng chứng cứ.
1.2.5.2. Vai trò của đánh giá chứng cứ:
Đánh giá chứng cứ có vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự, có ý nghĩa quan trọng trong việc chứng minh tội phạm, người phạm tội và giải quyết các vụ án hình sự. Cụ thể:
Thứ nhất, đánh giá chứng cứ là cơ sở quan trọng cho hoạt động thu thập, kiểm tra, sử dụng chứng cứ. Việc đánh giá chứng cứ giúp cho việc xác định giới hạn chứng minh, cho việc đưa ra các giả thiết và kết luận trong quá trình chứng minh;
Thứ hai, đánh giá chứng cứ có vai trò quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Đây được coi là yếu tố có ý nghĩa quyết định nhằm tránh oan sai trong tố tụng hình sự.
Thứ ba, đánh giá chứng cứ là căn cứ để đi đến kết luận và ra quyết định giải quyết thực chất vụ án hình sự.
Với vai trò, ý nghĩa quan trọng như trên, đánh giá chứng cứ là một hoạt động không thể thiếu trong quá trình chứng minh tội phạm của cơ quan tiến hành tố tụng.