Các nguyên tắc trong hoạt động đánh giá chứng cứ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đánh giá chứng cứ trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 27 - 30)

Để đánh giá chứng cứ nhằm chứng minh hành vi phạm tội, chủ thể đánh giá chứng cứ cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

1.2.2.1. Nguyên tắc khách quan, toàn diện và đầy đủ

Các chủ thể tố tụng khi tiến hành đánh giá chứng cứ trước hết phải đảm bảo tính khách quan, toàn diện và đầy đủ.

Tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá chứng cứ là thực tế khách quan. Trong trường hợp có nhiều chứng cứ thu được những thông tin không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau thì phải căn cứ vào thực tế khách quan để đánh giá mà không định trước giá trị của bất kỳ chứng cứ nào.

Mỗi chứng cứ phải được xem xét riêng và đem so sánh với các chứng cứ khác, đặt nó trong mối liên hệ với các chứng cứ khác, phát hiện kịp thời lỗ hổng của hệ thống chứng cứ trong vụ án đang điều tra, xét xử [5, tr.43]. Khi các chứng cứ không tạo thành hệ thống cùng đi đến một kết luận về tình tiết

cần phải chứng minh trong vụ án hình sự thì cần xem xét trong hệ thống đó, chứng cứ nào kết luận theo hướng ngược lại, nguồn của chứng cứ này, đặc biệt là tính khách quan của chứng cứ này có ý nghĩa quan trọng để ta chấp nhận sử dụng chứng cứ đó hay không.

Chủ thể đánh giá chứng cứ không thể tùy tiện loại bỏ một chứng cứ nào đó trong hệ thống chứng cứ đã thu thập được mà phải đánh giá khách quan, toàn diện tất cả các chứng cứ của vụ án [6, tr.32]. Mọi chứng cứ đã thu thập, mọi tình tiết được xác định bằng các chứng cứ đều phải được xem xét đến. Trong đó, có những tình tiết buộc tội, những tình tiết gỡ tội, những lời khai, những lý lẽ của các bên tham gia tranh luận… đều phải được xem xét.

Cần phải đưa ra các giả thuyết về tính đúng đắn, sai lầm của mỗi chứng cứ để từ đó đánh giá một cách tổng quát và toàn diện nhằm chứng minh một tình tiết hay nhiều tình tiết liên quan trong vụ án.

1.2.2.2. Nguyên tắc đánh giá chứng cứ trong mối quan hệ tổng thể các vấn đề của vụ án

Các chủ thể tố tụng khi tiến hành đánh giá chứng cứ phải đặt chứng cứ trong mối quan hệ tổng thể các vấn đề của vụ án. Bởi, các chứng cứ trong cùng một vụ án sẽ luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau trong việc chứng minh làm rõ sự thật của vụ án. Chỉ thu thập được một vài chứng cứ rời rạc, thiếu mối liên hệ với nhau, không tạo thành hệ thống thì không thể đi đến kết luận chính xác được.

Các chứng cứ đã thu thập được phải cho phép xác định các sự kiện trong vụ án hình sự theo một trật tự nhất định về không gian và thời gian phù hợp với hiện thực khách quan [7, tr.146]. Tuy nhiên, nếu có một chứng cứ xác định một sự kiện nào đó tồn tại một cách khách quan, đủ chi phối toàn bộ quá trình bao gồm nhiều vấn đề khác nhau thì không cần phải chứng minh thêm vấn đề khác.

1.2.2.3. Nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

Trong hoạt động xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm phải tuân thủ nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” [1, tr.26]. Việc xác định và đánh giá các chứng cứ tại phiên tòa cũng được thực hiện theo nguyên tắc này nhằm đảm bảo cho Hội đồng xét xử thực sự độc lập trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án mà không phụ thuộc vào quan điểm đánh giá chứng cứ của vụ án trong các giai đoạn trước đó cũng như của bất kỳ người nào không có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong vụ án đó. Giữa thành viên Hội đồng xét xử cũng độc lập với nhau trong quá trình đánh giá chứng cứ.

1.2.2.4. Nguyên tắc giải thích sự nghi ngờ theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo

Nguyên tắc này có nghĩa là nếu các chứng cứ về vụ án còn đang tranh cãi và mâu thuẫn, nếu sự kiện này hay sự kiện khác có thể được giải thích theo những hướng khác nhau về lý do xuất hiện và diễn biến của nó, nếu như chứng cứ này hoặc chứng cứ khác còn có sự nghi ngờ thì phải chấp nhận việc quyết định theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo. Điều này cũng có nghĩa là sự buộc tội phải được và chỉ đươc dựa vào các sự kiện không có sự nghi ngờ, rằng những gì có sự nghi ngờ, không xác thực cần phải được loại trừ ra khỏi cơ sở để buộc tội, rằng kết luận về tính có lỗi của bị can, bị cáo có thể được rút ra chỉ khi tính có lỗi được chứng minh mà không có sự nghi ngờ nào [15, tr.94].

Tuy nhiên, không nên nhận thức và áp dụng nguyên tắc này một cách giản đơn rằng cứ có sự nghi ngờ là lập tức giải thích theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo. Thực tiễn cho thấy rằng, trong nhiều trường hợp khi điều tra và xét xử vụ án hình sự, những người tiến hành tố tụng thường có sự nghi ngờ về tính chính xác của các chứng cứ, tài liệu đã thu thập được. Nếu có sự nghi ngờ như vậy thì những người tiến hành tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp

theo quy định của pháp luật để thu thập và xác định thêm các chứng cứ khác, loại bỏ sự nghi ngờ đối với các chứng cứ hiện có, sự nghi ngờ về các sự kiện do chứng cứ hiện có cung cấp.

Nguyên tắc giải thích sự nghi ngờ theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo phải là trong trường hợp điều nghi ngờ này không thể làm rõ được nữa vì không còn cơ sở xác minh, không thể áo dụng biện pháp xác minh được nữa, không còn thời hạn mà luật cho phép… chứ không phải cứ xuất hiện nghi ngờ là ngay lập tức áp dụng nguyên tắc này.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đánh giá chứng cứ trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)