3.2. Giải pháp hoàn thiện tổ chức chính quyền xã ven đô
3.2.1. Hoàn thiện cơ sở pháp lý
Để tạo cơ sở nền tảng và đáp ứng yêu cầu hoàn thiện tổ chức chính quyền xã ven đô trên địa bàn thành phố Việt Trì hiện nay, cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp quá trình hoàn thiện. Cơ quan lập pháp nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các qui định của hệ thống pháp luật hiện hành có qui định liên quan đến tổ chức chính quyền xã, trong đó cần làm rõ các yếu tố, tính chất, đặc điểm khác nhau giữa nông thôn, đô thị, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Hiện nay Hiến pháp 2013 đã được Quốc Hội
thông qua, đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống, trong thời gian tới Quốc Hội cần ban hành hệ thống các văn bản Luật để cụ thể hóa Hiến pháp, đầu tiên là sớm ban hành đạo Luật về tổ chức chính quyền địa phương để thay thế. Thực tế hiện nay hệ thống văn bản pháp luật về tổ chức nhà nước nói chung, chính quyền xã ven đô nói riêng đang bộc lộ nhiều bất cập, nhất là từ khi Hiến Pháp năm 2013 được ban hành. Chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân đòi hỏi trước hết phải xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn thiện, đủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội, làm cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động của nhà nước và xã hội. Trước hết phải là pháp luật về tổ chức của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đây được coi là nền tảng pháp lý của sự tồn tại và hoạt động của nhà nước.
Cần hoàn thiện các văn bản pháp luật về bầu cử để thông qua đó thiết chế bầu cử được đề cao và tôn trọng thực hiện, nâng cao chất lượng bầu cử để nhân dân lựa chọn được những người thực sự xứng đáng là đại diện của dân, thay mặt cho dân thực hiện quyền lực nhà nước, trước hết là chính quyền xã, nơi người dân trực tiếp sống và hoạt động
Hoàn thiện tổ chức chính quyền xã ven đô ở thành phố Việt Trì phải được tiến hành trên cơ sở Hiến pháp 2013 và hệ thống các văn bản pháp luật quy định. Trong điều kiện hiện nay, thành phố Việt Trì cần tổng kết, đánh giá sâu sắc thực trạng tổ chức chính quyền xã ven đô trên địa bàn, các yếu tố điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức chính quyền xã để từ đó hoàn thiện sở pháp lý, kiện toàn tổ chức chính quyền xã phù hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để trình Quốc hội sớm thông qua đạo luật về tổ chức chính quyền địa phương. Lý luận và thực tiễn đã cho thấy chính quyền xã là một bộ phận quan trọng trong bộ máy nhà nước, là chính quyền gần dân nhất, thân dân nhất, nơi biểu đạt nguyện vọng của dân, cũng là nơi dân thể hiện quyền làm chủ của mình rõ nhất. Chính quyền xã có mạnh thì
các cấp chính quyền nhà nước khác mới có điều kiện thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, từ đó đảm bảo sự thông suốt trong tổ chức của cả bộ máy nhà nước. Hiện nay, pháp luật mới chỉ dừng ở quy định về tổ chức của các cơ quan trong bộ máy nhà nước nói chung, dù là ở cấp độ Luật, tuy nhiên chưa có những quy định pháp luật mang tính đặc thù cho hệ thống chính quyền xã. Nhất là trong điều kiện hiện nay, khi chúng ta đang thực hiện thí điểm một số mô hình mới trong tổ chức chính quyền địa phương. Cần thiết, nên ban hành một Luật riêng về chính quyền xã, nội dung của Luật quy định rõ về vị trí pháp lý, vai trò của chính quyền xã trong tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của chính quyền xã cũng như mối quan hệ giữa chính quyền xã với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, với các thiết chế khác trong hệ thống chính trị phải được quy định cụ thể, chặt chẽ. Trong đó, cần phân biệt quy định về tổ chức chính quyền phường ở đô thị, chính quyền xã ở nông thôn, có như vậy mới khẳng định được tầm quan trọng của chính quyền xã; đúng với thực tiễn hiện nay, hơn thế còn xác định được tính chất, đặc điểm riêng của từng địa phương, từ đó thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước một cách hiệu quả trên địa bàn xã, phường.
Đồng thời với Luật về chính quyền xã, Luật bầu cử cũng cần nhanh chóng được xây dựng, thông qua làm cơ sở cho tổ chức chính quyền xã ven đô ở thành phố Việt Trì, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.