2.1.1. Vị trí địa lý
Ngày 4/6/1962 Chính phủ quyết định thành lập thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ. Đầu năm 1968 hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc hợp nhất, Việt Trì trở thành trung tâm Chính trị, kinh tế, văn hoá, KHKT của tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1997 tỉnh Phú Thọ được tái lập, Thành phố Việt Trì là trung tâm Chính trị,
Kinh tế, Văn hoá, Khoa học kỹ thuật của tỉnh Phú Thọ.
Thành phố Việt Trì được thành lập và xây dựng trên mảnh đất có truyền thống văn hoá lâu đời, là kinh đô của Nhà nước Văn Lang thời đại Hùng Vương. Thành phố Việt Trì còn có tên gọi “Thành phố ngã ba sông” bởi Việt Trì là nơi ba con sông hội tụ (sông Hồng, sông Đà và sông Lô), là đỉnh tam giác đồng bằng sông Hồng của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Việt Trì nằm ở 21o 24’ vĩ độ Bắc, 106o 12’ kinh độ Đông, cách Thủ đô Hà nội 80km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 40km, phía Bắc giáp huyện Phù Ninh và sông Lô, phía Nam giáp sông Hồng, phía Tây giáp huyện Lâm Thao.
Việt Trì có quy mô 11.175,11ha diện tích tự nhiên, có 23 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 13 phường, 10 xã; có vị trí địa lý và kinh tế quan trọng, khí hậu ôn hoà, là cửa ngõ của các tỉnh Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, có đường quốc lộ 2 và đường sắt Hà Nội - Lào Cai nối liền với đường xuyên Á, có 2 nhà ga đường sắt, cảng sông công suất 1,2 triệu tấn, bến xe ô tô... cho phép Việt Trì giao lưu thuận lợi với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Tây Bắc, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, quốc tế để xây dựng và phát triển Thành phố.
để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ, lễ hội về cội nguồn, là thành phố công nghiệp đầu tiên trong thời kỳ xây dựng CNXH ở Miền Bắc... và là một đô thị trung tâm của khu vực phía Tây Đông Bắc [10].
2.1.2. Địa hình
Thành phố Việt Trì được hình thành sớm nhất so với các đô thị lớn khác trong vùng. Đến nay thành phố Việt Trì đã trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Phú Thọ.
Thành phố Việt Trì có địa hình đa dạng gồm vùng núi, vùng đồi bát úp và vùng ruộng thấp trũng. Địa hình có hướng thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam nhưng không dốc đều với độ dốc từ 0,4% đến 5%.
Nhìn chung, quỹ đất của thành phố Việt Trì không lớn so với các đô thị lớn trong cả nước. Tuy nhiên hiện nay thành phố Việt Trì vẫn còn quỹ đất để mở rộng đô thị, nhất là trong khi diện tích đất nông nghiệp vẫn còn chiếm trên 50% tổng diện tích đất tự nhiên [10].
2.1.3. Thủy văn
Thành phố Việt Trì có 3 con sông lớn chảy qua: sông Hồng (đoạn từ Lao Cai đến Việt Trì được gọi là sông Thao), sông Lô và sông Đà, chúng hợp lại với nhau ở thành phố Việt Trì. Chính vì thế mà đây được gọi là "ngã ba
sông". Ngoài ra tại khu vực phụ cận bao gồm các xã của huyện Thanh Sơn,
Yên Lập, Hạ Hòa, Tân Sơn... có nhiều hệ thống sông, suối, đầm, hồ tự nhiên và có địa hình và địa chất công trình thuận lợi cho phát triển đô thị [12].
2.1.4. Khí hậu
Việt Trì nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, có một mùa đông khô và lạnh. Nhìn chung khí hậu của Việt Trì thuận lợi cho việc phát triển cây trồng, vật nuôi đa dạng. Lượng mưa trung bình hàng năm trên toàn tỉnh là 1600 - 1800 mm/năm. Nhiệt độ trung bình trong năm là 23,0°C. Số giờ nắng trong năm: 923,7 - 1.179,8 giờ. Độ ẩm tương đối trung bình hàng ngày là 85% [10].
2.1.5.Dân cư
Thành phố Việt Trì là nơi tập trung khá đông dân có nhiều dân tộc song chủ yếu là người dân tộc kinh chiếm trên 99% dân số, còn lại số ít là người dân tộc Tày, Nùng với tổng dân số năm 2013 là 194.581 người, trong đó nhân khẩu nông nghiệp chiếm 132.003 người chiếm 67,84% nhân khẩu toàn thành phố, bình quân lao động nông nghiệp đạt 1,68 người/hộ. Bên cạnh đó nguồn lực lao động phi nông nghiệp cũng khá lớn với 65.853 người năm 2013 chiếm 33,84% dân số toàn Thành phố, đây là số lượng lao động khá đông, đủ phục vụ cho các ngành nghề khác phát triển [10].
2.1.6. Văn hóa, du lịch
Việt Trì được coi là vùng Đất tổ cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Tương truyền tại nơi đây các vua Hùng đã dựng nước nên nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của Việt Nam, với kinh đô là Phong Châu, tức xung quanh thành phố Việt Trì ngày nay. Là địa phương có nền văn hoá rực rỡ từ lâu đời, những di chỉ khảo cổ văn hoá Sơn Vi, Đồng Đậu, Làng Cả và nhiều đình, chùa, lăng, tẩm còn lại quanh vùng núi Nghĩa Lĩnh cho thấy đất Phong Châu là một trung tâm văn hoá của dân tộc Việt. Di tích lịch sử quan trọng là đền quốc mẫu Âu Cơ, khu di tích đặc biệt Quốc gia Đền Hùng với lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương ngày 10 tháng Ba âm lịch, hiện đã được công nhận là Quốc giỗ.
Ngoài ra, thành phố Việt Trì, tự hào là địa phương có hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại được UNECOS công nhận là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan.
Từ những đặc điểm về tự nhiên trên đã có ảnh hưởng nhất định đến việc tổ chức chính quyền xã ở thành phố Việt Trì. Với đặc thù là thành phố vừa có địa hình vùng núi cao, vùng trung du, đồng bằng; vừa có địa bàn đô thị, vừa có địa bàn nông thôn, địa bàn dân cư vùng núi; là nơi có nhiều thành
phần dân tộc sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, thậm trí nhiều nơi có sự chênh lệch cao; mật độ dân số không đồng đều… Thành phố Việt Trì có 23 đơn vị hành chính và có nét đặc thù khác so với nhiều địa phương trong toàn quốc. Thành phố Việt Trì tồn tại ba vùng miền có tính chất khá riêng biệt, là đô thị, vùng nông thôn đồng bằng và vùng nông thôn miền núi. Tất cả các yếu tố tự nhiên đó đòi hỏi chính quyền địa phương phải có cách thức tổ chức, hoạt động của chính quyền xã, phường sao cho phù hợp, để đem lại hiệu quả hoạt động cao nhất [13].