1.2. Tổ chức chính quyền xã qua bốn bản hiến pháp
1.2.2. Tổ chức chính quyền xã theo Hiến pháp 1959 và Luật Tổ chức
Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp năm 1962
Về phân chia đơn vị hành chính theo Hiến pháp 1959, chính quyền cơ
sở nước ta được chia thành xã, thị trấn ở huyện; thành phố trực thuộc trung
ương chia thành khu phố. Ở mỗi đơn vị hành chính nói trên đều tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính. Ủy ban hành chính xã do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra.
Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban hành chính các cấp năm 1962 quy định: “Các thành phố có thể chia thành khu phố ở nội thành và huyện ở ngoại thành”, “Các đơn vị hành chính kể trên đều có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính” [35, Điều 1].
Từ năm 1974 theo Quyết định số 78-CP ngày 10-4-1974 của Hội đồng Chính phủ các khu phố của thành phố Hà Nội và Hải Phòng được chia ra nhiều khu nhỏ gọi là tiểu khu, với quy mô từ 2.000 đến 5.000 nhân khẩu. Nhưng các tiểu khu không được xem là đơn vị hành chính, không tổ chức cơ
quan chính quyền, chỉ có Ban đại diện tiểu khu là tổ chức mang tính tự quản
của nhân dân tiểu khu, không phải là một cấp chính quyền.
Từ các quy định trên của Hiến pháp 1959 và các văn bản pháp luật được ban hành trên cơ sở Hiến pháp này có thể thấy chính quyền cơ sở có sự khác nhau giữa tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, ở tỉnh chính quyền cơ sở là xã; còn thành phố trực thuộc trung ương ở nội thành là đơn vị hành chính khu phố. Các huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương, chính quyền cơ sở cũng được tổ chức thành các xã.
Giai đoạn này tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính theo xu hướng tăng cường số lượng các đại biểu Hội đồng nhân dân và các thành viên Ủy ban hành chính với quan niệm càng nhiều đại biểu của nhân dân tham gia chính quyền càng thể hiện chính quyền dân chủ. Vì vậy, các văn bản pháp luật về tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp, về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được ban hành trên cơ sở Hiến pháp 1959 đã quy định số đại biểu Hội đồng nhân dân xã đã tăng lên nhiều so với trước đây, cụ thể có từ 20 đến 40 đại biểu, khu phố từ 30 đến 50 đại biểu. Số thành viên Ủy ban hành chính và số Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính ở xã từ 5 đến 9 người, Ủy ban hành chính khu phố từ 7 đến 9 người [37].
cần nhấn mạnh rằng: đây là giai đoạn miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Nhất là từ ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược cực kỳ khốc liệt và man rợ đối với đất nước ta, các cơ quan chính quyền địa phương đã tổ
chức và vận động nhân dân thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, đã phát động phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai”, phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang”… đã góp phần rất quan trọng cho thắng lợi của cuộc kháng chiến
chống Mỹ cứu nước, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.