2.2. Những khó khăn của các Tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam
2.2.2. Rào cản về năng lực của các Tổ chức phi chính phủ
Đối với các NGO, nhìn chung, chất lượng nhân sự được đánh giá ở mức tương đối cao. Biểu đồ dưới đây cho thấy trình độ học vấn của nhân viên trong các INGO tại Việt Nam chủ yếu đều từ Đại học trở lên.
Hình 2.2: Trình độ học vấn của nhân viên trong tổ chức phi chính phủ Quốc tế
(Nguồn: Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường & PACCOM)
Đối với các NGO Việt Nam cũng tương tự, có thể thấy các yêu cầu tuyển dụng của các NGO quốc gia cũng có những yêu cầu về bằng cấp không thua kém với NGO quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề thiết yếu trong các tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền trẻ em là cách tiếp cận với vấn đề của trẻ em. Khó khăn đầu tiên mà các NGO về quyền trẻ em thường gặp phải là cách tiếp cận của các nhân viên về quyền trẻ em. Mặc dù đều có bằng cấp cao nhưng một phần không nhỏ các nhân viên đến từ các ngành khác nhau, không được trang bị kiến thức nền về quyền con người, quyền trẻ em. Chỉ có một số INGO với quy trình tuyển dụng nghiêm ngặt, ngoài việc yêu cầu xác nhận và cam kết tuân thủ tuyệt đối chính sách bảo vệ trẻ em và làm việc với trẻ em còn có những bước kiểm tra quá trình lao động và lý lịch tư pháp như Cứu trợ trẻ em, TNTG có thể đảm bảo phần nào chất lượng nhân sự. Tuy nhiên không phải tổ chức nào cũng có khả năng tuyển dụng chặt chẽ như vậy.
Đã từng có thời các tổ chức phi chính phủ cố gắng theo đuổi các mục tiêu cứu trợ nhiều hơn là đi sâu vào giải quyết các vấn đề theo cách tiếp cận dựa trên quyền. Có thể bởi trong thời kỳ đầu mà Việt nam kêu gọi viện trợ của các NGO thì mục tiêu của các dự án là nhằm giải quyết ngay các hiện trạng có thể ảnh hưởng xấu tới trẻ tuy nhiên điều này khiến cho cộng đồng hưởng lợi có xu hướng ỷ lại vào nguồn lực của tổ chức và nhân viên có tư tưởng mình là người cung cấp nguồn lực vật chất. Đặc biệt là với những nhân viên làm việc trực tiếp với cộng đồng tại văn phòng dự án của các tổ chức, cách tiếp cận chủ yếu của các nhân viên là dựa trên nhu cầu và cung cấp trực tiếp hỗ trợ tới đối tượng hưởng lợi thay vì liên kết các bên liên quan và làm cầu nối để đối tượng hưởng lợi yêu cầu các cơ quan chức năng đảm bảo quyền của mình. Những yếu tố về cách tiếp cận dựa trên quyền như Sự tham gia của trẻ, Lợi ích tốt nhất của trẻ từng được áp dụng một cách hình thức, chưa thực chất như đưa những trẻ đại diện được nhà trường, địa phương chọn vào tham gia các diễn đàn của trẻ, khi hỗ trợ thì xây dựng kế hoạch dựa trên ý kiến của cha mẹ và chính quyền địa phương thay vì tham khảo ý kiến của trẻ. Chính vì vậy mới có hiện tượng sau khi các tổ chức rút khỏi địa bàn đã không tạo được thay đổi lâu dài tại cộng đồng. Trong khoảng thời gian gần đây, khi điều kiện sống của cộng đồng nhìn chung đã tốt hơn, các tổ chức đã chú trọng nhiều hơn vào việc xây dựng tài liệu nội bộ, tập huấn nhân viên về cách tiếp cận dựa trên quyền và thay đổi cách tổ chức các chương trình hỗ trợ nhằm hướng tới đối tượng trẻ dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng.
Khó khăn tiếp theo hạn chế khả năng của các NGO đó là vấn đề ngân sách. Trong bối cảnh Việt Nam công bố trở thành nước thu nhập trung bình vào năm 2013, các nguồn hỗ trợ từ nước ngoài dành cho các NGO có xu hướng giảm thì việc gây quỹ trong nước và đa dạng hóa nguồn ngân sách là vấn đề cần tính tới. Ngoại trừ các tổ chức theo mô hình Bảo trợ trẻ em có thể duy trì ổn định nguồn ngân sách, các tổ chức phi chính phủ khác đều gặp khó khăn khi ngân sách cắt giảm. Yếu tố ngân sách ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nhân lực của các NGO. Bởi hiện các NGO chỉ dành khoảng 8% nguồn ngân sách dành cho chi phí hoạt động, bởi vậy nếu
nguồn ngân sách ít đi, đồng nghĩa với việc nhân lực bị ảnh hưởng. Vì vậy các NGO về quyền trẻ em kêu gọi sự tham gia của tình nguyện viên, thực tập sinh nhằm bù đắp khoảng trống này. Điều này dẫn tới những nguy cơ về an toàn của trẻ, chất lượng của các hoạt động dự án có thể không đảm bảo bởi nhân sự chưa thật sự có chất lượng. Gây quỹ cũng là một thách thức lớn dành cho các NGO. Mặc dù hướng tới đối tượng trẻ em – đối tượng yếu thế, dễ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, tuy nhiên, việc gây quỹ vẫn gặp không ít khó khăn, chủ yếu đến từ nhận thức của người dân và cán bộ nhà nước. Nội dung dưới đây sẽ phân tích vấn đề này.