Nhân viên ngân hàng cũng là một yếu tố khách hàng quan tâm khi đưa ra quyết định lựa chọn của mình. Yếu tố con người cũng là ưu thế cạnh tranh của mỗi ngân hàng. Vì vậy, yêu cầu đặt ra ở đây là chất lượng đội ngũ nhân viên tại Vieitnbank Đồng Tháp phải ngày càng được nâng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng phức tạp của công việc và phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.
Việc nâng cao năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ, luôn cập nhật kiến thức, nghiệp vụ mới là việc làm mang tính thường xuyên, liên tục đối với mỗi cán bộ tín dụng, nhất là khả năng phán đoán và tính chủ động trong việc đón nhận cái mới. Điều này đòi hỏi cán bộ tín dụng trong quá trình làm việc phải có tinh thần học hỏi, nghiên cứu, và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
Giỏi nghiệp vụ chuyên môn là một đòi hỏi cần thiết đối với mỗi cán bộ tín dụng song không chỉ có vậy, cán bộ tín dụng còn phải không ngừng nâng cao kiến thức tổng quát về tình hình kinh tế xã hội nhất là chính sách tiền tệ, có những hiểu biết nhất định
về pháp luật nhằm giúp cho cán bộ tín dụng trong quá trình tác nghiệp không có những sai phạm mang tính vi phạm pháp luật.
Xây dựng đội ngũ cán bộ tín dụng mang tính kế thừa để từ đó có một đội ngũ hùng hậu. Đối với cán bộ tín dụng của chi nhánh, hầu như đa số cán bộ tín dụng là các nhân viên còn khá trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng giao tiếp khách hàng. Do đó, ngân hàng nên thường xuyên trau dồi nghiệp vụ cho các nhân viên này bằng những khóa học đào tạo nghiệp vụ và kỹ năng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ có thể học hỏi kinh nghiệm từ những cán bộ có thâm niên, có kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng giao tiếp, truyền đạt thông tin đến khách hàng một cách đầy đủ, rõ ràng và dễ hiểu.
Nâng cao chất lượng công tác phục vụ, thái độ cán bộ tín dụng phải luôn vui vẻ, ân cần, chu đáo, quan tâm đến khách hàng kể cả trong trường hợp khách hàng đến ngân hàng chỉ để tìm hiểu thông tin mà không thực hiện giao dịch ngay, điều này dễ dàng gây được sự chú ý và nhanh chóng giành được thiện cảm của khách hàng trong lần gặp đầu tiên.
Bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì vấn đề rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ tín dụng cũng rất quan trọng trong việc hạn chế rủi ro đạo đức nghề nghiệp. Ngân hàng nên có những biện pháp nghiêm khắc để xử lý những cán bộ vi phạm về vấn đề này để góp phần răn đe cũng như tạo được lòng tin ở khách hàng.